Trước những khó khăn trong việc xử lý vật chứng, tài sản của các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, cơ quan thẩm tra đồng tình với việc cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm...
Cùng với các nội dung liên quan đến Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án một luật sửa 4 luật, sáng 30/10, Quốc hội cũng nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Trình bày tóm tắt Dự thảo tại hội trường, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Nguyễn Huy Tiến cho biết, trong những năm qua, công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, trong đó có tội phạm tham nhũng, kinh tế đã đạt được những kết quả to lớn nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo.
Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự cho thấy có nhiều khó khăn, vướng mắc đặt ra nhất là trong việc xử lý vật chứng, tài sản trong các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế. Nhiều vật chứng, tài sản có giá trị lớn tồn đọng khi bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong thời gian dài chưa được xử lý sớm để lưu thông, gây đóng băng, lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Bên cạnh đó, cũng còn thiếu các biện pháp để các cơ quan tố tụng thực hiện ngay từ đầu nhằm ngăn chặn sớm việc chuyển dịch, tẩu tán tài sản trước khi có đủ căn cứ áp dụng các biện pháp tố tụng kê biên, phong tỏa…
“Do vậy, để bảo đảm khơi thông nguồn lực, giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh, bảo đảm thu hồi sớm, tối đa giá trị tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt… Kết luận số 87-KL/TW ngày 13/7/2024 của Bộ Chính trị về Đề án “Xây dựng cơ chế xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc” đã yêu cầu trong năm 2024, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm này”, ông Tiến chia sẻ.
Đồng thời cho hay, Dự thảo Nghị quyết gồm 05 Điều, với kết cấu, Điều 1. Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; Điều 2. Nguyên tắc thực hiện; Điều 3. Các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản; Điều 4. Hiệu lực thi hành; Điều 5. Tổ chức thực hiện.
Cho ý kiến thẩm tra Dự thảo Nghị quyết này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình tố tụng hình sự với những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn được nêu trong Tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - Lê Thị Nga, việc ban hành Nghị quyết nhằm khẩn trương triển khai thực hiện Kết luận số 87-KL/TW, ngày 13/7/2024 của Bộ Chính trị, tạo cơ sở pháp lý nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Qua đó, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan, cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự trong thời gian tới.
Cũng theo bà Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thực hiện thí điểm là đúng thẩm quyền.
“Qua rà soát, các nội dung chính sách Việt Kiểm sát nhân dân tối cao đề xuất thí điểm cơ bản đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, nhất là các yêu cầu về xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, về cơ chế thu hồi tài sản; không trái với quy định trong các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chia sẻ.
Đồng thời cho rằng, Hồ sơ Dự án Nghị quyết đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chuẩn bị nghiêm túc, chất lượng, bảo đảm tiến độ, đầy đủ các tài liệu theo quy định tại Điều 62 và Điều 148 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét theo trình tự, thủ tục rút gọn và thông qua tại một kỳ họp.