Có tiền chúng ta xây dựng được một con đường, bệnh viện, trường học nhưng có tiền chưa chắc đã có được giá trị văn hóa.
>>ĐBQH lo trung tâm văn hóa ở nước ngoài không phát triển được
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai (ĐBQH TP.Hà Nội) nhấn mạnh tại phiên thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, ngày 19/6.
Nêu ý kiến liên quan đến tính khả thi, hợp lý của các mục tiêu của chương trình, sau khi rà soát đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng cần thu hẹp mục tiêu vì quá dàn trải, nhiều mục tiêu cần cân nhắc tính khả thi. Ví dụ, quy định 100% các lĩnh vực có bộ quy tắc ứng xử, 100% các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp cần ban hành quy chế, nội quy giao tiếp…
Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, việc ban hành quy chế trong nhiều trường hợp là cần thiết. Tuy nhiên, Hiến pháp cũng quy định rất rõ người dân được làm những gì pháp luật không cấm. Vì vậy, rất cần cân nhắc để có mức độ hợp lý, tránh lạm dụng.
Đơn cử, chỉ tiêu hàng năm 100% các tỉnh, thành phố phải có 2 công trình điêu khắc, 3 công trình mỹ thuật. Như vậy, 10 năm mỗi tỉnh sẽ có 20 công trình điêu khắc, 30 công trình nghệ thuật. Cả nước có 63 tỉnh, thành thì sẽ có 1.260 công trình điêu khắc, 1.980 công trình nghệ thuật. Liệu có nhất thiết phải như vậy không, trong khi chúng ta còn rất nhiều mục tiêu khác cần ưu tiên.
Hay như quy định 100% thành phố trực thuộc trung ương phải xây dựng tối thiểu 1 công trình văn hóa cấp châu lục, quốc tế. Hoặc quy định phải có 70 đề tài khoa học cấp Bộ và hàng năm 80% các tỉnh phải có ít nhất một đề tài khoa học về văn hóa. “Nếu như thế này thì cả đất nước sẽ là một công trình và kinh phí rất lớn”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai bày tỏ.
Khi giám sát tối cao, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai thấy rằng đây là lĩnh vực gây rất nhiều tốn kém do tính ứng dụng còn thấp, do đó cần rà soát, thu hẹp mục tiêu theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm, hiệu quả và không vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
>>Không đầu tư dàn trải chương trình phát triển văn hoá
>>Phát huy giá trị di sản phục vụ công nghiệp văn hóa
Văn hóa là một lĩnh vực hết sức đặc thù và cũng có một ý nghĩa quan trọng, văn hóa giúp chúng ta cân bằng cuộc sống, sống đẹp hơn, hướng tới chân, thiện, mỹ nhưng đây cũng là giá trị hết sức đặc thù khác với tất cả những giá trị vật chất khác, gắn với nhận thức, đạo đức, trí tuệ, tài năng và sự tử tế.
“Có tiền thì chúng ta xây dựng được một con đường, có tiền chúng ta làm được bệnh viện, trường học nhưng có tiền chưa chắc đã có được giá trị văn hóa. Vì vậy, tôi cho rằng cùng với đầu tư nguồn lực thì rất cần những giải pháp đặc thù phù hợp, có cách làm đúng đắn, hiệu quả để chúng ta đạt được mong muốn như chúng ta đề ra”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.
Góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnhHải Dương) đánh giá trong dự thảo có đưa ra những con số cụ thể để phát triển văn học nghệ thuật trong giai đoạn 2025-2035. Hàng năm có 10 đến 15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn hóa, văn học nghệ thuật có chất lượng cao được công bố, có ít nhất 5 tác giả đạt Giải thưởng ASEAN, hàng năm có 1 đến 2 tác phẩm công trình mỹ thuật điêu khắc, 2 đến 3 tác phẩm công trình mỹ thuật, nhiếp ảnh, 5 đến 7 tác phẩm nghệ thuật biểu diễn mang tầm quốc gia về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng...
“Tôi thấy chưa có căn cứ cụ thể, khoa học và xác thực để đưa ra con số tác phẩm cụ thể nêu trên, những yêu cầu về chỉ tiêu tác phẩm còn mang tính chung chung, khó xác định như là tác phẩm có chất lượng cao hoặc tác phẩm mang tầm quốc gia. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ hơn những căn cứ để xây dựng chỉ tiêu cụ thể này”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Có thể bạn quan tâm
12:44, 19/06/2024
01:16, 19/06/2024
16:32, 18/06/2024