Tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ hơn những cải cách đột phá để tiếp sức cho người dân và doanh nghiệp.
>>Đại biểu Nguyễn Thị Yến: Cần công khai, minh bạch quản lý, điều tiết giá xăng dầu
Thành công nổi bật nhất của chúng ta trong năm 2021 và những tháng đầu năm nay, chính là việc chúng ta đã có những chuyển hướng quyết đoán và kịp thời thực hiện bao phủ vắc xin tới toàn dân, để chủ động sống chung an toàn với dịch bệnh và mở cửa phục hồi nền kinh tế.
Các tổ chức quốc tế có uy tín hàng đầu như Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)... đều ghi nhận hiệu quả của chính sách vắc xin thần tốc “đi sau về trước” của Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh và đồng loạt đưa ra những dự báo lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa. Theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P, Việt Nam là một trong 2 nền kinh tế ít ỏi ở vùng châu Á - Thái Bình Dương, từ đầu năm đến nay, đã được tổ chức này nâng hạng tín nhiệm quốc gia.
Seagame 31 được tổ chức thành công, không chỉ là một sự kiện thể thao thuần túy mà hơn thế, còn là “màn tiếp thị” ấn tượng để quảng bá Việt Nam với thế giới, sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh. Và Việt Nam đã kể cho thế giới câu chuyện về một đất nước có khả năng chống chịu cao, biết “khiêu vũ dưới mưa” để “sống chung với bão” và đang mở cửa an toàn chào đón các nhà đầu tư và bạn bè đến từ khắp 5 châu.
Các số liệu kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm nay cho thấy nền kinh tế nước ta đang được phục hồi. Bắt đầu từ quý 2, tình hình sản xuất và tiêu dùng đã được cải thiện theo từng tháng. Nếu như trong 3 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp mới tăng 7,1% so với cùng kỳ, thì trong 5 tháng đã tăng 8,3%. Tương tự, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng trưởng 9,7% trong 5 tháng đầu năm vượt xa so với mức 4,4% của quý 1 năm nay. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu vẫn giữ vững được đà tăng trưởng 2 con số. Điều này cho thấy triển vọng kinh tế cả năm là tương đối khả quan.
Mặc dù vậy, chúng ta vẫn cần nhớ rằng, cho dù tăng trưởng năm nay có đạt trên 7%, thì GDP trung bình giai đoạn 2020 - 2022 cũng mới chỉ ở mức trên 4%. Đây là mức thấp nhất từ trước tới nay và thấp hơn nhiều so với tiềm năng. Điều này hàm ý rằng, Chính phủ vẫn còn rất nhiều việc phải làm, trong đó cấp bách nhất là phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công - một giải pháp kinh điển rất hiệu quả để giải cứu và kích hoạt nền kinh tế trong những lúc khó khăn. Nhưng việc giải ngân đầu tư công hiện nay với tốc độ “rùa bò “ đang làm cho chúng ta thất vọng.
“Nỗi đau có tiền mà không tiêu được” đã diễn ra từ lâu và cho đến nay vẫn chưa có liều thuốc nào đặc trị. Nếu thời gian tới tình hình không tiến triển, tôi đề nghị chuyển nguồn lực này cho khu vực tư nhân thông qua các gói hỗ trợ. Có như vậy, chúng ta mới hy vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% - 7% cho cả nhiệm kỳ.
>>Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: Điện hạt nhân sẽ có giá “không rẻ”
>>Đại biểu Trần Văn Tiến: Đẩy nhanh tiến độ thẩm định để sớm được phê duyệt quy hoạch
Về lạm phát, mặc dù đang chịu áp lực lớn do giá xăng dầu và nguyên liệu, vật tư khẩu tăng cao, khiến chúng ta không thể không lo ngại, nhưng tôi cho rằng, lạm phát vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát. 5 tháng đầu năm nay, CPI mới tăng bình quân 2,25%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra, thậm chí còn thấp hơn so với giai đoạn 2017-2020. Bởi vậy, Chính phủ sẽ không quá khó khăn để hoàn thành mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%, cho dù giá xăng dầu có thể sẽ vẫn được neo ở mức cao như hiện nay. Tuy vậy, tôi vẫn đề nghị Quốc hội cân nhắc tiếp tục giảm thuế đối với xăng dầu để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, bởi sau 2 năm gồng mình chống chịu với dịch bệnh, thu nhập của họ đã bị bào mòn rất nhiều.
Nhìn vào các chỉ số kinh tế vĩ mô khác, tôi thấy cũng tạm ổn. Lãi suất đầu vào, tuy có tăng nhẹ do nhu cầu tín dụng tăng, nhưng lãi suất đầu ra vẫn được kiềm chế nhờ gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng. Do đó hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh vẫn được bảo đảm. Ngoài ra, bất chấp việc đồng đô la Mỹ tăng giá mạnh trên thị trường quốc tế, tỷ giá đồng Việt Nam so với đô la Mỹ, dù tăng, nhưng về cơ bản vẫn được NHNN duy trì ở mức ổn định, tạo thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát nhập khẩu và hỗ trợ phần nào cho xuất khẩu.
Về tình hình doanh nghiệp, trong 5 tháng đầu năm, dù có tới 98,000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động , nhưng cũng có gần 72,000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất từ trước tới nay. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam giảm 16% so với cùng kỳ , trong khi đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài lại tăng gấp 2 lần . Những chỉ báo đó cho thấy các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam đang rất gian nan. Bên cạnh các khó khăn về thị trường, thì những rào cản pháp lý cùng với thủ tục hành chính phiền hà và tâm trạng bất an đang là những trở lực lớn cho những nỗ lực phục hồi của họ, và rất cần phải được quan tâm tháo gỡ.
Về các điểm nóng: thị trường vốn và thị trường bất động sản. Tôi cũng thấy lo ngại, khi chỉ vì lý do đối phó với một số doanh nghiệp vi phạm, mà nguồn vốn cho kinh doanh bất động sản đang bị kiểm soát quá chặt, càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Điều này sẽ khiến giá bất động sản tiếp tục tăng chứ không giảm, làm cho chi phí đầu vào của nền kinh tế tăng cao và giấc mơ mua nhà của người nghèo, người có thu nhập trung bình sẽ ngày càng trở nên xa vời. Tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính cần nhanh chóng hoàn thiện các cơ sở pháp lý và chấn chỉnh quản lý, để thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể “hạ cánh an toàn”, tiếp tục phát triển bền vững, đóng vai trò kênh dẫn nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư, chứ không thể chỉ chủ yếu dựa vào nguồn vốn ngắn hạn từ các ngân hàng như bấy lâu nay.
Tóm lại, tôi cho rằng bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang tốt dần lên nhờ việc tích hợp và cộng hưởng khá hài hoà của các chính sách tài khóa và tiền tệ. Chúng ta hiểu tiền bạc là quan trọng, nhưng thể chế và thủ tục hành chính an toàn và thuận lợi, thậm chí còn quan trọng hơn. Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ hơn những cải cách đột phá để tiếp sức cho người dân và doanh nghiệp. Và tôi nghĩ, chỉ bằng cách đó, chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu kép: GDP tăng trưởng 6,5 hay 7%, thậm chí cao hơn, và CPI được giữ ở mức dưới 4% như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.
Có thể bạn quan tâm
10:40, 01/06/2022
05:05, 01/06/2022
11:00, 31/05/2022
06:30, 31/05/2022
05:15, 31/05/2022
04:13, 31/05/2022
03:00, 31/05/2022
16:53, 30/05/2022