Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: Điện hạt nhân sẽ có giá “không rẻ”

Diendandoanhnghiep.vn Có rất nhiều giải pháp để chúng ta đảm bảo an ninh năng lượng, và cũng không ai nói rằng có điện hạt nhân Ninh Thuận thì giải quyết được việc thiếu điện ở Việt Nam.

>>Dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: Sự dũng cảm cần thiết!

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) chia sẻ về việc phát triển nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM).

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM).

Ông đánh giá như thế nào về việc phát triển nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam?

Để xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Việt Nam hoàn toàn bị phụ thuộc vào công nghệ, thiết bị, nguyên vật liệu, chuyên gia, đặc biệt chuyên gia cao và trung cấp.

Chúng ta có thể đào tạo nhanh một số kỹ sư hay công nhân, nhưng các chuyên gia hàng đầu để vận hành nhà máy điện hạt nhân thì chúng ta chưa làm được.

Trong khi đó, muốn vận hành an toàn thì phải có các chuyên gia hàng đầu nhiều kinh nghiệm, chuyên gia giỏi lý thuyết chưa hẳn có thể tham gia vận hành.

Hay việc xử lý chất thải, bãi thải của chất thải hạt nhân ở đâu, cũng phức tạp như việc vận hành. Theo thông tin các nước đã có điện hạt nhân, phải mất 30 năm mới xử lý được chất thải hạt nhân một cách an toàn.

Vậy, trong 30 năm đó chúng ta để chất thải này ở đâu? Cộng tất cả các yếu tố đó lại, các chuyên gia có bài toán là làm điện hạt nhân không rẻ như chúng ta tưởng. Đối với các nước có thể rẻ vì họ đã có hết, từ tài chính, công nghệ, nguồn nhân lực và kinh nghiệm điều hành.

Một vấn đề nữa, đó là quy trình tuân thủ pháp luật ở các quốc gia phát triển cao rất nghiêm ngặt. Cho nên, xác xuất xảy ra sự cố do con người gây ra thấp, việc bảo vệ cũng rất chặt chẽ.

Ngoài ra, còn có yếu tố thiên tai, một ví dụ điển hình như sự cố nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima (Nhật Bản). Dù đã bị cách đây hơn 10 năm nay, nhưng việc khắc phục hậu quả cho đến nay vẫn chưa xong.

Nhật Bản vẫn đang phải xử lý phóng xạ trong nước biển. Xử lý xong đổ ở đâu cũng là một vấn đề mà nước Nhật đang còn nhiều tranh cãi.

Một thành phố lớn như Fukushima, sau sự cố này đã khiến hàng triệu người dân phải ly tán, không thể trở về nơi ở cũ. Điều này cho thấy tác động xã hội rất lớn nếu như có sự cố.

Từ những rủi ro trên, nên chúng ta đã quyết định dừng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, thưa ông?

Ninh Thuận là dải đất hẹp, nằm giữa đất nước. Ở đây chưa nói đến yếu tố về quốc phòng, an ninh, tai nạn ngẫu nhiên do vận hành… tôi chỉ lấy yếu tố thiên nhiên, như thiên tai sóng thần tại Fukushima.

Vấn đề này nguy hiểm ở chỗ, đất nước có thể bị chia cắt về mặt giao thông. Vì khi sự cố xảy ra thì đường bộ không đi được vì bị nhiễm xạ.

Khi lan ra biển thì đường biển cũng không đi được. Lúc này chỉ còn có đường hàng không, mà đường hàng không cũng phải bay rất cao.

Như vậy, nói địa điểm Ninh Thuận đã được các chuyên gia nước ngoài khảo sát. Nhưng về địa điểm, tôi cho rằng chúng ta phải quyết định chứ không phải chuyên gia nước ngoài.

Chuyên gia nước ngoài họ chỉ tính đến yếu tố công nghệ, kỹ thuật. Còn những yếu tố khác, như an ninh quốc phòng và những yếu tố địa chính trị của Việt Nam thì phải do chúng ta quyết định.

Và nếu như có một sự cố như ở Nhật Bản, thì Ninh Thuận cũng không phải là vị trí dễ dàng giúp cho chúng ta khắc phục sự cố, mà sẽ gây ra ách tắc cho giao thông, như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế.

Vì những điều kiện như vậy, cho nên theo tôi không thể buộc nhân dân Ninh Thuận chờ đợi, mà nên bỏ quy hoạch này và xây dựng một quy hoạch mới, điều chỉnh bổ sung quy hoạch mới cho Ninh Thuận để phát triển các ngành, nghề khác.

Cụ thể, theo ông Ninh Thuận có thể phát triển theo hướng nào?

Ninh Thuận có rất nhiều điều kiện. Ví dụ, như điện thì ở Ninh Thuận có điện mặt trời, điện gió. Hay xây dựng hồ chứa nước ngọt để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hoặc phát triển du lịch…

Theo tôi Ninh Thuận nên sớm triển khai các dự này, còn chúng ta có làm điện hạt nhân hay không, nếu nghiên cứu thì tiếp tục, nhưng đó là nghiên cứu.

Từ nghiên cứu để đi đến quyết định làm một dự án điện hạt nhân ở Việt Nam tới đây như thế nào là do lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội quyết định.

Ví dụ, quy hoạch mới đó sẽ như thế nào, công nghệ gì, vốn ở đâu, nguồn nhân lực ra sao và đặt ở đâu… nhưng đây là câu chuyện mới.

Việc này không cản trở công tác nghiên cứu, chúng ta cứ nghiên cứu cho “chín muồi” đến thời điểm nào thấy triển khai được thì làm. Nhưng khi đó là dự án mới, mà không duy trì quy hoạch điện hạt nhân ở Ninh Thuận.

Vì không biết đến khi nào thì dự án cũ này mới giải quyết được, trong khi đời sống của nhân dân vùng đó lại rất đang khổ sở, khó khăn, thậm chí rất lãng phí nguồn tài nguyên ở đây.

Theo thông tin các nước đã có điện hạt nhân, phải mất 30 năm mới xử lý được chất thải hạt nhân một cách an toàn.

Theo thông tin các nước đã có điện hạt nhân, phải mất 30 năm mới xử lý được chất thải hạt nhân một cách an toàn.

- Như vậy, nếu chỉ dừng thì dự án này vẫn ở trạng thái bị “treo”, thưa ông?

Từ chủ trương dừng đến chủ trương nối lại, hiện nay Quốc hội cũng chưa có đề xuất hay bàn về việc tiếp tục xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Và cũng chưa biết đến khi nào bàn lại, vì khi bàn thì sẽ tiếp tục tranh luận.

Và chúng ta nên nhớ rằng, chính các bạn bè quốc tế, trong đó có Nhật Bản, các chuyên gia, nhà khoa học ở chính đại học Fukushima đã có những văn bản chính thức.

Hay như Hội hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam cũng có văn bản chính thức gửi cho các lãnh đạo của Việt Nam với lời khuyên chúng ta không nên tiến hành dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận trong điều kiện hiện nay.

Tuy nhiên, nếu chúng ta xây dựng một kế hoạch mới thì có tốn kém và lãng phí nguồn lực từ dự án cũ hay không, thưa ông?

Thứ nhất, đã có những bài toán của các chuyên gia cho thấy rằng, trong điều kiện Việt Nam mà phát triển điện hạt nhân là không rẻ.

Thứ hai, quản lý điện hạt nhân của Việt Nam không thể so sánh với Đức, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc. Giữa Việt Nam và các nước này có khoảng cách rất lớn về nguồn lực tài chính, nhân lực, công nghệ…

Nếu lấy Đức, Mỹ để đánh giá họ làm thì Việt Nam cũng làm thì hết sức khập khiễng và không khoa học.

Bởi vì, một dự án có nguồn nguy hiểm cao như điện hạt nhân thì phải hết sức khoa học, tính khả thi phải cao. Riêng điện hạt nhân thì sự an toàn càng phải cao, từ tính mạng con người đến an ninh quốc phòng.

Như Nhật Bản hơn 10 năm chưa khắc phục xong sự cố Fukushima, mặc dù sự cố này không phải lớn so với Nhật Bản.

Thứ ba, xử lý chất thải thì bãi thải đặt ở đâu? Theo các chuyên gia, chất thải điện hạt nhân phải xử lý 30 năm trong điều kiện bình thường thì mới an toàn.

Vậy, những vấn đề này chúng ta đã đặt ra chưa? Xử lý chất thải điện hạt nhân cũng đòi hỏi sự nghiêm ngặt về độ an toàn, vì phóng xạ có thể thoát ra ngoài môi trường bất cứ lúc nào nếu làm không tốt.

Trong khi quản lý môi trường của Việt Nam hiện nay còn có quá nhiều yếu kém, như phá rừng, khai thác cát lậu…

Nếu chúng ta không xây dựng nhà máy điện hạt nhân thì cơ cấu về an ninh năng lượng sẽ như thế nào, thưa ông?

Thực tế, ngoài điện than chúng ta còn điện khí, mặc dù điện khí đắt hơn nhưng bảo vệ môi trường tốt hơn điện than. Bên cạnh đó còn phát triển thêm các nguồn điện khác.

Và đặc biệt, làm sao chúng ta có thể biết được xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ giải quyết được vấn đề năng lượng của Việt Nam?

Nếu có sự chọn lựa giữa lợi và hại, thì bao giờ cũng lựa chọn sự an toàn và tính thiết thực của dự án. Và sự an toàn phải đặt lên trên hết.

Vậy, tại sao chúng ta không đặt vấn đề tiết kiệm điện bằng công nghệ và bằng sự vận động của người dân? Hiện nay lãng phí và thất thoát điện rất nhiều.

Có rất nhiều giải pháp để chúng ta đảm bảo an ninh năng lượng, và cũng không ai nói rằng có điện hạt nhân Ninh Thuận thì giải quyết được việc thiếu điện ở Việt Nam.

Nhưng nhà máy điện hạt nhân ở đó, trong một thế kỷ tới đây sẽ là nguồn nguy hiểm “cao độ”. Nếu không may có sự cố thì việc khắc phục của thể phải kéo dài đến vài thập kỷ. Và câu trả lời ở đây là sự chọn lựa của người lãnh đạo.

Trân trọng cảm ơn ông!

 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: Điện hạt nhân sẽ có giá “không rẻ” tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714134917 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714134917 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10