Cẩn trọng với “siêu” phố đi bộ

ĐÌNH ĐẠI 03/10/2020 06:00

Phát triển “siêu” phố đi bộ, nếu thực hiện không khéo, không đúng thời điểm sẽ là “lợi bất cập hại”, vô tình làm hạn chế sự phát triển chung của Thành phố.

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM (Sở GTVT) lại trình Đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm Thành phố để lấy ý kiến các Sở, ngành. Theo đó, khu vực được đề xuất nghiên cứu đợt này bao gồm đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Quách Thị Trang, Tôn Đức Thắng và khu vực xung quanh nhà thờ Đức Bà.

Doanh thu từ Phố đi bộ Bùi Viện chủ yếu là

Doanh thu từ Phố đi bộ Bùi Viện chủ yếu là "chảy" vào túi của các hộ kinh doanh, chưa có sự tái đầu tư bài bản để phát triển phố đi bộ.

Lý giải về việc chọn khu vực trung tâm Q.1 để quy hoạch các tuyến phố đi bộ, đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng đường bộ TP. HCM (TTQLHTĐB), đơn vị được giao làm chủ đầu tư Đề án cho rằng, mạng lưới giao thông tại khu vực này có hình vuông đặc trưng, các mô hình kinh doanh chủ yếu là hỗn hợp, cửa hàng, bán lẻ, nhà hàng, quán cà phê, chợ truyền thông và các Trung tâm Thương mại hiện đại.

Ngoài ra, theo nhận định của TTQLHTĐB, theo quy hoạch phát triển giao thông TP. HCM, sau năm 2020 Thành phố sẽ có 8 tuyến Metro và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray với tổng chiều dài khoảng 160 km. Khi các tuyến metro số 1 và 2, tuyến xe điện mặt đất số 1 đi vào hoạt động, khu vực nhà ga chợ Bến Thành sẽ là điểm đầu mối giao thông công cộng, dự báo sẽ có khoảng 800.000 đến 1,2 triệu khách bộ hành đi và đến nhà ga này. Vì vậy, nhu cầu đi bộ tại khu vực này sẽ rất cao.

Đây không phải lần đầu tiên TP.HCM nghiên cứu hình thành một “siêu” phố đi bộ tại khu vực trung tâm. Đề án này đã được Sở GTVT xây dựng kế hoạch từ đầu năm 2017 với không gian đi bộ trên 8 tuyến đường: Đồng Khởi, Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Đức Thắng, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Phạm Ngọc Thạch, Võ Văn Tần và Trần Cao Vân.

Tuy nhiên, Đề án này đã không nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia quy hoạch do lo ngại không khả thi về tổ chức giao thông.

Giới chuyên gia cho rằng, với mật độ giao thông như hiện nay, Thành phố cần cân nhắc kỹ về phạm vi hình thành một “siêu” phố đi bộ. Cần phải xác định được phương án tài chính và mô hình quản lý của phố đi bộ. Thực tế, cả 3 tuyến phố đi bộ của Thành phố hiện nay là Nguyễn Huệ, Bùi Viện và Đường sách đều chưa thật sự hiệu quả về tài chính cũng như mô hình quản lý.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ chủ yếu là sử dụng ngân sách Nhà nước, hoạt động chưa hiệu quả. Trong khi đó, doanh thu từ Phố đi bộ Bùi Viện chủ yếu là “chạy” vào túi của các hộ kinh doanh, chưa có sự tái đầu tư bài bản để phát triển phố đi bộ.

Ngoài ra, cần phải có phương án quy hoạch, tổ chức không gian sử dụng đất, các không gian chức năng phục vụ cho phố đi bộ. Đây là những đặc thù không thể thiếu của các phố đi bộ.

5 tuyến đường đi bộ đề xuất (màu xanh) và 2 phố hiện hữu (đỏ).

5 tuyến đường đi bộ đề xuất (màu xanh) và 2 phố hiện hữu (đỏ). Ảnh VNE

Theo nhận định của giới chuyên gia về quy hoạch đô thị, nếu hình thành một “siêu” phố đi bộ tại khu vực trung tâm Q.1, nguy cơ làm xáo trộn giao thông là rất lớn. Đặc biệt, sẽ có nguy cơ cắt trung tâm thành phố làm đôi khi ưu tiên đường Lê Lợi tiếp nối trục đường Nguyễn Huệ thành không gian đi bộ kéo dài, các phương tiện tham gia giao thông sẽ phải đi đường vòng và đường Pasteur, một trong những tuyến đường xương sống quan trọng sẽ bị đứt khúc.

Bên cạnh đó, việc hạn chế phương tiện vào khu trung tâm cũng có thể dẫn đến hệ quả sụt giảm kinh tế ở khu vực này, do lưu lượng người qua lại giảm.

Phát triển phố đi bộ, tăng không gian xanh cho khu vực trung tâm là điều mà người dân Thành phố ai cũng mong muốn. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông vào nội đô. Tuy nhiên, nếu thực hiện không khéo, không đúng thời điểm thì sẽ là “lợi bất cập hại”, vô tình làm hạn chế sự phát triển chung của Thành phố, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Nội cứ mưa là ngập: Quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn

    Hà Nội cứ mưa là ngập: Quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn

    11:00, 18/08/2020

  • Quy hoạch đô thị bị phá nát như thế nào?

    Quy hoạch đô thị bị phá nát như thế nào?

    12:30, 26/03/2020

  • TP. HCM khởi công xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo

    TP. HCM khởi công xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo

    15:58, 01/10/2020

  • TP. HCM khởi động chiến dịch “TP. HCM Xin chào - Hello Ho Chi Minh City”

    TP. HCM khởi động chiến dịch “TP. HCM Xin chào - Hello Ho Chi Minh City”

    13:00, 01/10/2020

  • TP. HCM: Nâng cao nhận thức của người dân về rác thải

    TP. HCM: Nâng cao nhận thức của người dân về rác thải

    11:00, 21/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cẩn trọng với “siêu” phố đi bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO