24h

Cần xác định rõ mục đích và phạm vi sửa đổi Luật Quy hoạch

Gia Nguyễn 09/05/2025 10:00

Để đáp ứng yêu cầu về tiến độ sửa đổi Luật Quy hoạch theo Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo cần xác định rõ mục đích và phạm vi sửa đổi.

Theo đó, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 09/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.

sua-luat-quy-hoach-9.5.2.jpg
Tại phiên họp sáng 09/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch - Ảnh: Media Quốc hội

Trình bày Tòa trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính – Nguyễn Văn Thắng cho biết, Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã giao Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Quốc hội chủ trì, chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, các luật liên quan và hoàn thành sửa đổi, bổ sung pháp luật chậm nhất ngày 30/6/2025.

Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội đã giao Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các nội dung có liên quan đến quy hoạch để khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch và các luật có liên quan đến quy hoạch.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc sắp xếp đơn vị hành chính sẽ có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ các quy hoạch của hệ thống quy hoạch quốc gia, do vậy, cần rà soát, điều chỉnh hệ thống quy hoạch trong bối cảnh không tổ chức cấp huyện và điều chỉnh các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 để phù hợp với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Việc xây dựng và ban hành Dự án Luật trong giai đoạn hiện nay là rất cấp thiết để kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.

sua-luat-quy-hoach-9.5.1.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội - Phan Văn Mãi Báo cáo thẩm tra Dự án Luật tại phiên họp - Ảnh: Media Quốc hội

“Luật được sửa đổi nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch để phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, kiểm soát quyền lực chặt chẽ. Rà soát, sửa đổi các quy phạm pháp luật còn chồng chéo, bất cập cản trở sự phát triển, khơi thông các điểm nghẽn, tạo động lực mới cho phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.

Đồng thời cho hay, Dự thảo Luật bao gồm 02 Điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 33 Điều, khoản của Luật Quy hoạch với nội dung chủ yếu và điểm mới như: Hoàn thiện hệ thống quy hoạch; Đơn giản hóa nội dung quy hoạch; Bổ sung quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 để đáp ứng yêu cầu sắp xếp lại đơn vị hành hành chính cấp tỉnh theo hướng đơn giản hóa và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; Tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về quy hoạch; Hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục của hoạt động quy hoạch và trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nhà nước về quy hoạch; Bổ sung quy định chuyển tiếp đối với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Báo cáo thẩm tra nội dung Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội - Phan Văn Mãi thông tin, một số ý kiến cho rằng, nội dung vướng mắc về quy hoạch hiện nay không chỉ liên quan đến quy định của Luật Quy hoạch mà còn liên quan đến nhiều luật khác có quy định về sự phù hợp với quy hoạch. Do đó, việc sửa đổi Luật Quy hoạch lần này mới chỉ là giải pháp tình thế mà chưa xử lý được triệt để các điểm nghẽn đã được nhiều địa phương phản ánh trong thời gian qua.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu về tiến độ sửa đổi Luật Quy hoạch theo Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, đề nghị Cơ quan soạn thảo cần xác định rõ mục đích và phạm vi sửa đổi Luật Quy hoạch lần này nhằm bảo đảm tính khả thi; trong đó tập trung giải quyết các vấn đề mang tính cấp bách cần xử lý ngay, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 02 cấp. Đối với các nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau thì cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng khi sửa đổi toàn diện Luật Quy hoạch.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo khẩn trương rà soát các Dự án luật có liên quan đến quy hoạch đang trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 để kịp thời có phương án sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Đối với những Dự án luật có liên quan đến quy hoạch mà chưa được sửa đổi, bổ sung lần này thì cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu và có lộ trình, kế hoạch cụ thể để trình Quốc hội xem xét, thông qua nhằm đáp ứng yêu cầu tại Kết luận số 121-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị, tránh tình trạng khơi thông được điểm nghẽn này lại phát sinh thêm điểm nghẽn mới.

Cùng với các nội dung đã nêu, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cân nhăc, xem xét một số nội dung liên quan đến: Mối quan hệ giữa các quy hoạch; Phân cấp thẩm quyền quyết định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch; Đơn giản hóa nội dung quy hoạch và đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch; Trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; Danh mục các quy hoạch ngành, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành tại Phụ lục I và Phụ lục II của Luật Quy hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần xác định rõ mục đích và phạm vi sửa đổi Luật Quy hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO