Nghiên cứu - Trao đổi

Cần xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các cơ quan trình dự án luật

Gia Nguyễn 06/02/2025 04:00

Để nâng cao cải cách, góp ý Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các cơ quan trình dự án luật…

Theo đó, Dự án Luật Ban hành hành văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng và vận hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Dự thảo Luật (sửa đổi) gồm 8 Chương, 72 Điều (giảm 9 Chương, 101 Điều so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015).

sua-luat-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-25.1.2.jpg
Dự thảo Luật (sửa đổi) gồm 8 Chương, 72 Điều (giảm 9 Chương, 101 Điều so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015) - Ảnh minh họa: ITN

Cụ thể, nội dung Dự án Luật (sửa đổi) tập trung vào 7 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật như: Tiếp tục đơn giản hóa hệ thống VBQPPL; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành pháp luật; phân định rõ thẩm quyền ban hành VBQPPL của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và văn bản dưới luật; bổ sung hình thức nghị quyết quy phạm pháp luật của Chính phủ; đổi mới việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội; đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL; đẩy mạnh phân cấp gắn với tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo; quy định việc chịu trách nhiệm đến cùng của các cơ quan trình dự án luật; hướng dẫn áp dụng VBQPPL.

Đặc biệt, Dự án Luật (sửa đổi) quy định đổi mới toàn diện, mạnh mẽ quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL, trong đó tập trung vào 2 vấn đề lớn, trọng tâm: Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bổ sung thẩm quyền quyết định của người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn...

sua-luat-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-25.1.1.jpg
Để tăng cường cơ chế giám sát, kiểm tra việc ban hành VBQPPL, tránh tình trạng lợi ích nhóm,… nhiều ý kiến cho rằng, Dự án Luật (sửa đổi), cần xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các cơ quan trình dự án luật - Ảnh minh họa: ITN

Đánh giá cao những nội dung, định hướng sửa đổi của Dự án Luật, tuy nhiên, tham gia góp ý xây dựng, hoàn thiện mới đây, không ít ý kiến cho rằng, để tăng cường cơ chế giám sát, kiểm tra việc ban hành VBQPPL, tránh tình trạng lợi ích nhóm, đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong hệ thống pháp luật… Dự án Luật (sửa đổi), cần xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các cơ quan trình dự án luật.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Thanh, trong quá trình xây dựng pháp luật, việc xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các cơ quan liên quan là điều kiện tiên quyết để bảo đảm chất lượng và tính khả thi của hệ thống luật pháp.

Dẫn kinh nghiệm từ Luật Nhà giáo vừa qua, bà Thanh cho rằng, nếu không làm rõ trách nhiệm của cả cơ quan trình dự án luật và các cơ quan thẩm tra như Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban chuyên môn chúng ta khó có thể đạt được một dự thảo luật thực sự có chất lượng. nếu không làm rõ trách nhiệm của cả cơ quan trình dự án luật và các cơ quan thẩm tra như Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban chuyên môn khó có thể đạt được một dự thảo luật thực sự có chất lượng.

“Việc quy định không chặt chẽ có thể dẫn đến những định hướng sai lệch ngay từ đầu, ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung luật và quá trình thực thi sau này. Chính vì vậy, cần phát huy những quy định đang hiệu quả, đồng thời gia cố những nội dung chưa rõ ràng để bảo đảm tính ổn định và khả thi của luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Trong khi đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật (sửa đổi), đồng thời đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện Dự Luật này. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, dù có nhiều khó khăn nhưng Quốc hội đã đạt được kết quả ngoài mong đợi khi giảm từ 173 Điều xuống còn 72 Điều, một bước tiến đáng kể nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu quả hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, cần làm rõ lý do cắt giảm 101 Điều.

“Việc giảm số lượng điều khoản phải đi đôi với việc đảm bảo không gây xáo trộn hay làm mất đi tính toàn diện của luật, đồng thời phải tháo gỡ được những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật”, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.

Đồng thời cũng chỉ ra nhiều điểm cần rà soát về kỹ thuật lập pháp như: chuẩn hóa cách dùng từ, đảm bảo tính chính xác và thống nhất với các luật khác. Bên cạnh đó, bổ sung vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội vào các điều khoản liên quan đến giám sát và phản biện, nhằm đảm bảo đúng tinh thần của các quy định hiện hành.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh về trách nhiệm của các Bộ trưởng, trưởng ngành trong quá trình soạn thảo luật khi khẳng định, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối, không thể để tình trạng dự luật được trình ra Quốc hội nhưng thiếu sự tham gia của lãnh đạo bộ, ngành chủ quản.

“Nếu một dự án luật được đưa ra thảo luận mà không có mặt Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng phụ trách thì phải dừng lại, chờ Bộ trưởng trực tiếp trình bày. Việc này nhằm đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và nâng cao chất lượng của quá trình lập pháp”, Chủ tịch Quốc hội đề xuất.

Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng, nếu được thực hiện tốt, Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp Luật (sửa đổi) sẽ tạo bước đột phá trong hệ thống lập pháp Việt Nam, giúp các quy định pháp luật trở nên chặt chẽ, khả thi hơn, đồng thời giảm thiểu tình trạng chồng chéo, bất cập trong thực tiễn. Đây sẽ là tiền đề quan trọng cho việc cải cách lập pháp trong các kỳ họp tiếp theo và hướng tới một hệ thống pháp luật tinh gọn, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho sự phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các cơ quan trình dự án luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO