Nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng khi tham gia quảng bá cho sản phẩm, dù là hình thức nào cũng không nên vì quyền lợi cá nhân mà thổi phồng, nói quá mức về tác dụng của sản phẩm.
>>“Vạch mặt” hàng giả, hàng nhái lừa dối người tiêu dùng
Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt văn nghệ sĩ thổi phồng công dụng, quảng cáo sản phẩm có tác dụng như thuốc nhưng không phải là thuốc. Theo đó, văn bản do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên ký ngày 18/1 thông tin thời gian qua, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh đã lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng.
Bên cạnh đó, các cơ sở này sử dụng các danh hiệu như “nhà thuốc gia truyền”, “danh y”, “thần y” để quảng cáo sản phẩm có tác dụng như thuốc điều trị các bệnh mạn tính như xương khớp, huyết áp, tiểu đường, bệnh về mắt... trên các mạng xã hội. Đặc biệt, các sản phẩm này chưa được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, lưu hành tại Việt Nam.
Trước đó, trong một Hội thảo do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phối hợp tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng thông tin, nhiều doanh nghiệp đang có tình trạng “đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo”. Không ít đơn vị đã lợi dụng hình ảnh các y bác sĩ, người nổi tiếng, diễn viên để "thổi phồng" tác dụng của thực phẩm chức năng. Cục An toàn Thực phẩm đã công khai thông tin trên website của cơ quan này để cảnh báo nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra phổ biến.
Bên cạnh việc quảng cáo thuốc trị bệnh, thực phẩm chức năng, và các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, còn rất nhiều các quảng cáo về bất động sản, cho vay tiền, thậm chí cả làm bằng lái xe, bằng tốt nghiệp giả… tràn lan trên mạng, bằng nhiều hình thức quấy rối cuộc sống hàng ngày của người dân.
Thực tế, việc quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua hình thức online, gọi điện thoại cho người tiêu dùng là hình thức phổ biến. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng này để tư vấn thổi phồng công dụng sản phẩm sai quy định của pháp luật. Đáng chú ý, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã lợi dụng hình ảnh các nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng để quảng cáo cho sản phẩm của mình.
>>Xử lý hàng giả, hàng nhái sao cho “bén”
>>Thực trạng hàng giả, hàng nhái vẫn tồn tại phức tạp và tinh vi
Điều đáng nói cho đến thời điểm hiện tại, rất nhiều đoạn quảng cáo quá lố, và không có tính khoa học, đặc biệt là những tuyên bố chữa dứt những căn bệnh mãn tính, sặc mùi lừa đảo xuất hiện đầy rẫy trên mạng xã hội. Thậm chí, Đài truyền hình giờ cũng thành công cụ để phổ biến thuốc của lắm thầy lang. Đến nỗi Đại biểu Quốc hội phải lên tiếng trong diễn đàn.
Đến nỗi có Đại biểu Quốc hội đã phải thốt lên rằng: “Nghệ sĩ, diễn viên yếu đuối quá, bị bệnh nhiều quá, nào là thấp khớp, tiểu đường, cao máu, trĩ nội, trĩ ngoại, tóc bạc, đau gan, đau thận, xuất tinh sớm, yếu sinh lý, cao mỡ… Nhưng lạ ở chỗ, bệnh tự nhiên xuất hiện khi đi đóng quảng cáo chứ thường ngày thì không thấy…
Lạ hơn nữa, là không cần trường lớp gì, cứ bị bệnh xong là chuyển nghề bác sĩ luôn. Tư vấn rành rọt, cảm kết nghe rất chất lượng. Nhưng nếu bệnh nhân không hết, hoặc xảy ra việc gì thì bác sĩ nghệ sĩ không chịu trách nhiệm. Tội nghiệp cho người bệnh vái tứ phương, thấy nghệ sĩ mình hâm mộ là nhào vô đăng ký ngay. Giá không hề rẻ vì cộng thêm tiền thuê nghệ sĩ có tiếng quảng cáo nhưng có tác dụng hay không thì khó ai biết được. Nhất là những người ở nông thôn, tỉnh lẻ hâm mộ nghệ sĩ thành lòng tin mà bỏ tiền ra mua.”
Nghệ sĩ cũng có gia đình, họ cũng cần tiền như bao người khác. Nhưng có đồng tiền sạch và cũng có đồng tiền bẩn. Những đồng tiền sạch mà những người nghệ sĩ kiếm được dựa trên thành tựu lao động chân chính của họ, từ những tác phẩm nghệ thuật, thù lao từ tham gia gameshow, từ nhà tài trợ, từ những nhãn hàng uy tín, tên tuổi, có kiểm định,… Còn tiền bẩn được hình thành từ việc bất chấp pháp luật và đạo lý, không quan tâm đến người hâm mộ, họ ra sức quảng bá, PR cho những sản phẩm kém chất lượng, thiếu kiểm chứng, đa cấp, biến tướng.
Đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng. Người nổi tiếng nếu thông tin quảng cáo hoặc chuyển tải các nội dung gây lầm tưởng có tác dụng điều trị, có thể khiến người bệnh xao nhãng hoặc không tuân thủ điều trị theo đơn của bác sĩ, gây hệ lụy ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí khiến bệnh nặng hơn.
Chỉ mong rằng, khi các cá nhân là nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng – người có tầm ảnh hưởng nhất định đến công chúng một khi tham gia quảng bá cho sản phẩm, dù là hình thức nào cũng cần thông tin đúng về sản phẩm trên cơ sở nội dung quảng cáo đã được cấp phép. Không vì quyền lợi cá nhân mà thổi phồng, nói quá mức về tác dụng của sản phẩm.
Có lẽ đã đến lúc cân phải có cơ chế xử phạt những người tiếp tay cho thực phẩm giả chứ không thể nào cứ mãi đưa trách nhiệm cho lực lượng chức năng được.
Có thể bạn quan tâm
03:00, 13/01/2023
05:00, 09/01/2023
14:00, 09/12/2022
03:00, 02/12/2022