Sau khi tiến hành cổ phần hóa năm 2014, Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng đã có sức bật vượt trội.
Cùng với Cảng Sài Gòn và Cảng Hải Phòng, Cảng Đà Nẵng - thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, là cảng biển trọng điểm của cả nước. Sau khi tiến hành cổ phần hóa năm 2014, Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng đã có những bước tăng trưởng đáng khích lệ, tạo ra hình ảnh mới, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố Đà Nẵng cũng như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Những con số "biết nói" sau khi cổ phần hóa
Sức bật của Cảng Đà Nẵng được thể hiện rõ nét từ sau cột mốc cổ phần hóa vào tháng 7 năm 2014. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng hóa thông qua cảng khoảng 12%/ năm (riêng container tăng bình quân 20%/năm), lợi nhuận bình quân tăng gấp 5 lần so với thời điểm trước cổ phần hóa. Tiền lương của người lao động luôn có sự tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước, lương bình quân hiện nay tăng 71% so với trước khi cổ phần hóa.
Ông Nguyễn Hữu Sia - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cảng Đà Nẵng cho biết: "Sau khi cổ phần hóa, với định hướng chiến lược đúng đắn về phát triển container, tàu du lịch, tàu có tải trọng lớn, cảng Ðà Nẵng đã mạnh dạn nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư thiết bị mới. Trong 3 năm gần đây, việc đầu tư tại Cảng đã gần bằng cả 20 năm trước đây".
Hiện nay có 16 hãng tàu container thường xuyên có tàu đến Cảng Đà Nẵng với trung bình 22 - 25 chuyến tàu container/tuần, tỷ trọng container chiếm khoảng 65% so với toàn khu vực miền Trung.
Qua 7 tháng đầu năm 2018, Cảng Đà Nẵng đã hoàn thành tiến độ kế hoạch sản xuất kinh doanh một cách tốt đẹp, đặc biệt là trên 2 chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận. Đây là cơ sở để Cảng hoàn thành kế hoạch cho cả năm 2018 với các con số được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giao cho: sản lượng thông qua đạt 8.820.000 tấn, container đạt 365.000 teus, doanh thu đạt 682 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 180 tỷ đồng.
Tiếp tục đầu tư phát triển bền vững
Ngày 28/07/2018 vừa qua, Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng đã tổ chức khánh thành Dự án mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn II sau 2 năm thực hiện. Trong quá trình huy động vốn để triển khai dự án, Cảng Đà Nẵng đã nhận được cam kết và sự ủng hộ từ Công ty mẹ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, các quỹ đầu tư và ngân hàng lớn.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, được thực hiện hoàn toàn bằng nguồn vốn tự huy động, đã giúp chủ đầu tư - Cảng Đà Nẵng chủ động hơn trong quá trình xây dựng cũng như giảm thiểu rủi ro về tỷ giá như dự án ODA đã thực hiện trước đây.
Với việc đưa vào khai thác 2 cầu tàu, gồm một cầu 310 m với độ sâu trước bến đạt –14.3 m và một cầu tàu 210 m với độ sâu trước bến đạt –11 m, trang bị 2 hệ thống cẩu QCC Feeder Server với sức nâng đạt 40 tấn, tầm với 40 m và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đi kèm của Dự án mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn II, Cảng Đà Nẵng đã sở hữu gần 1.700 mét cầu bến có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp trọng tải đến 70.000 DWT, tàu container đến 4.000 teus, tàu khách loại lớn đến 150.000 GT. Hệ thống cầu bến cùng các thiết bị xếp dỡ, kho bãi hiện đại góp phần nâng cao năng lực xếp dỡ và chất lượng dịch vụ, đồng thời đảm bảo năng lực tiếp nhận hàng hóa qua Cảng Tiên Sa lên đến 12 triệu tấn/năm.
Bên cạnh hệ thống cơ sở hạ tầng, cảng Đà Nẵng cũng đầu tư đồng bộ hệ thống phần mềm quản lý khai thác container và hàng tổng hợp; hệ thống các phương tiện thiết bị xếp dỡ hiện đại, qua đó giúp Cảng tạo ra sự khác biệt về dịch vụ, ngày càng đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng trên nền tảng: thủ tục đơn giản, năng suất xếp dỡ cao, thời gian giao hàng nhanh và an toàn hàng hóa.
Trải qua chặng đường 117 năm hình thành và phát triển, Cảng Đà Nẵng đã và đang chứng tỏ được vai trò của mình cho sự phát triển đi lên của kinh tế - xã hội không chỉ riêng của thành phố Đà Nẵng mà còn trong khu vực, dần khẳng định là cảng biển số 1 tại miền Trung với mục đích thông suốt, nhanh chóng, an toàn của các dòng hàng hoá tạo ra chuỗi cung ứng dịch vụ logistics, tối ưu hóa chi phí cho khách hàng và tạo ra sự thịnh vượng cho xã hội.