Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, phương án xây mới cảng Liên Chiểu phải tính toán thận trọng, tránh tình trạng lạm phát cảng biển, đổ tiền đầu tư nhưng không hiệu quả.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có văn bản chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu theo quy định của pháp luật. Phó Thủ tướng khẳng định, việc đầu tư cảng Liên Chiểu dần thay thế cho cảng Tiên Sa là cần thiết và cấp bách.
Cần nghiên cứu kỹ
Tuy nhiên, trao đổi cùng Diễn đàn Doanh nghiệp,TS. Huỳnh Huy Hòa – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế xã hội TP Đà Nẵng trả lời với tư cách cá nhân: thứ nhất, vị trí Cảng hiện tại của Đà Nẵng giao thông không thuận lợi, vị trí Cảng Liên Chiểu là tốt hơn nhiều, giao thông, container rất thuận lợi, phù hợp là cảng hàng hóa. “Muốn Cảng Tiên Sa thành cảng du lịch thì buộc phải có Cảng Liên Chiểu, nếu Đà Nẵng định hướng trung tâm du lịch của miền Trung thì cảng Tiên Sa nên phát triển thành cảng du lịch như các nước phát triển du lịch -chẳng hạn Singapore”.
Nếu so sánh các tỉnh, vị trí của Miền Trung là điểm cuối hành lang kinh tế Đông Tây thì Đà Nẵng có điều kiện thuận lợi hơn Bình Định, Quy Nhơn, Quảng Ngãi.
“Vấn đề là có đầu tư hay không đầu tư, nếu từ trước chúng ta đầu tư hơn cho Tiên Sa thì bây giờ cảng đã lớn hơn nhiều, hiện quy mô Tiên Sa cũng không phải nhỏ, đã tương đối nhưng đã thua cảng của Quy Nhơn”, theo ông Hòa.
Ông Nguyễn Hữu Sia – Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng cho biết: dọc biển miền Trung có nhiều vị trí để làm cảng và vịnh Đà Nẵng là vị trí lý tưởng.
Theo ông Sia, đến năm 2022-2024 Cảng Tiên Sa bảo đảm sứ mạng vận tải hàng container, hành khách, hàng có trọng tải lớn. Cảng mới sẽ giải quyết các vấn đề đặt ra hiện nay là khắc phục điểm yếu về mặt bằng cảng Tiên Sa, phạm vi hẹp và đường đi qua thành phố gây xung đột giao thông. Theo ông, “Cảng Liên Chiểu nếu làm nhanh cũng đến năm 2022 hoặc 2024 mới có thể chia sẻ một phần hàng hóa”.
Báo cáo tiền khả thi dự án cho biết Cảng Liên Chiểu có quy mô 220 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 32.860 tỷ đồng, được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, riêng giai đoạn 1 (đến năm 2022) có tổng mức đầu tư hơn 7.370 tỷ đồng, thực hiện những bước cơ bản như đê chắn sóng, nạo vét…
Vấn đề đang thu hút sự quan tâm chính là bỏ ra một nguồn vốn lớn như thế để xây dựng Cảng mới liệu tương lai có đảm bảo nguồn hàng?
Theo TS. Huỳnh Huy Hòa, “suy cho cùng, hành lang kinh tế Đông Tây mình chưa tận dụng được gì, nếu nhộn nhịp thì sẽ không lo thiếu hàng. Hành lang kinh tế Đông Tây đã có từ 10 năm nay nhưng Cảng Đà Nẵng phát triển không phải do hành lang này mà do đời sống phát triển, lượng hàng trong nước phát triển”.
Ở vế thứ hai, Cảng Liên Chiểu làm thế nào để hiệu quả với số vốn? Ông Hoà khẳng định cũng sẽ là vấn đề đau đầu, phải nghiên cứu.
Đặt giải thiết trong 5-10 năm nữa chúng ta chuyển ngang sang hoạt động hết ở Cảng Liên Chiểu, nếu trong thời gian đó hành lang kinh tế Đông Tây phát triển thì sẽ phù hợp, đảm bảo được nguồn hàng, hoạt động Cảng.
Nhưng ngoài lợi thế này, Cảng Liên Chiểu còn có gì trong cạnh tranh với bối cảnh nở rộ cảng biển? Ông Hòa thừa nhận, nếu có quy hoạch thật sự của Chính phủ thì mới thay đổi được và “nếu nói về độ thu hút thì còn phụ thuộc vào doanh nghiệp nữa. Doanh nghiệp cảng - nếu năng động thì kéo lượng hàng về nhiều hơn, nếu doanh nghiệp kém năng động thì sẽ kém”.
“Đà Nẵng đang mong muốn xây dựng chính quyền cảng, nếu là khu đô thị cảng thì có cơ sở, nói như thế cũng chỉ là chung chung, muốn có kết luận thì phải có nghiên cứu” – TS. Hòa cho biết.
Có thể bạn quan tâm
09:47, 31/10/2018
15:00, 17/06/2018
10:15, 16/12/2018
04:18, 14/01/2019
13:57, 15/01/2019
06:00, 08/01/2019
12:00, 04/11/2018
Phải tạo sự khác biệt?
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Sia khẳng định cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường là tất yếu, nếu cảng Liên Chiểu biết xây dựng tạo sự khác biệt về dịch vụ chẳng hạn mép nước sâu hơn, tạo cảng container, cho hàng tổng hợp tải trọng lớn, năng suất tốt hơn, công nghệ khai thác tốt hơn, nguồn nhân lực chuyên nghiệp, không áp lực về tài chính, “con người sẽ đem lại sự khác biệt cho một dịch vụ” – theo ông Sia.
Vị Giám đốc có nhiều năm kinh nghiệm cho rằng ở Miền Trung nhiều cảng nhưng có tầm vóc quy mô khai thác chuyên nghiệp thì không phải đâu cũng có.
“Chẳng hạn, chúng tôi mong muốn đến 1 cảng trung chuyển, Sài Gòn có Cái Mép Thị Vải là quy mô cảng nước sâu tiếp nhận tàu lớn, khu vực Hải Phòng có Lạch Huyện tiếp nhận được tàu lớn. Đà Nẵng với mong muốn thành trung tâm logistics thì phải là Cảng Liên Chiểu, và vùng hậu phương cũng hướng đến Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan”. Ông Sia nói về xu hướng tương lai để phát triển. Ông thừa nhận vấn đề cảng biển của Việt Nam là “manh mún”. Các nước trên thế giới cảng tập trung nhưng chúng ta thì trải mỏng.
Điều sau cùng, thị trường sẽ quyết định, hãng tàu chọn lựa ai để họ đến là do khác biệt dịch vụ, năng suất, chất lượng, giá cả. Cảng Liên Chiểu thực sự để xây dựng hiệu quả phải hiện đại hóa và có sự khác biệt – theo ông Nguyễn Hữu Sia.