Tình trạng khan cá tra nguyên liệu của doanh nghiệp và cả cá tra giống tại các hộ dân đang khiến giá cá tra nguyên liệu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt mức giá kỷ lục trong nhiều năm qua.
Theo Bộ NN&PTNT, giá cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long đang tăng trên 30.000 đồng/kg, tùy hình thức thanh toán. Đây là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua, với mức giá này người nuôi có lãi từ khoảng 6.000 đ/kg trở lên. Nguyên nhân do tình trang thiếu nguyên liệu trầm trọng của các doanh nghiệp.
Bỏ không ao nuôi
Theo một chủ hộ nuôi cá tra tại Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ trước Tết gia đình đã vệ sinh ao nuôi chờ ra Tết sẽ mua cá giống để thả.
“Tuy nhiên, gọi tới trại giống nào cũng nhẹ nhàng từ chối vì không đủ số lượng cung cấp. Thậm chí một số ao nuôi trong vùng “tự chủ” nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu còn cho người chạy ra ngoài tìm cá giống mua thêm. Vậy mà họ không tìm mua đủ cá giống nên vẫn còn ao để không”, vị này chia sẻ.
Theo đó, tình trạng “đói” cá tra giống dẫn tới tình trạng tăng giá của cá tra giống mà vẫn không đáp ứng đủ nguồn cung. Cụ thể, trước tết cá giống loại 30 con/kg có giá 50.000 đ/kg, thì đến nay giá đã tăng vọt lên 70.000 đ/kg.
Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, hiện tại ngành cá tra đang thiếu hụt con giống trầm trọng, do thời gian qua việc ương nuôi cá giống gặp khó khăn dẫn đến nguồn cung không đủ.
Có cùng quan điểm, ông Dương Ngọc Minh, TGĐ Cty cổ phần Tập đoàn Hùng Vương từng cho rằng: Một điểm yếu của ngành hàng này chưa được quan tâm nhiều là số lượng và chất lương con giống. “Mỗi năm, ĐBSCL cần hơn 30 tỷ cá tra bột để ươm giống để phục vụ nhu cầu nuôi xuất khẩu nhưng khâu này chưa được quan tâm, dẫn đến mạnh ai nấy làm, chất lượng con giống không bảo đảm, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu", ông Minh nói.
Bên cạnh đó, theo GS-TS Nguyễn Thanh Phương, sản lượng cá tra bột toàn vùng ĐBSCL đã tăng vọt từ gần 500 triệu con vào năm 2000 lên hơn 30 tỷ cá tra bột hiện nay, trong khi đó sản lượng cá tra giống hiện nay chỉ hơn 2 tỷ con. Điều này cho thấy sản lượng cá bột tăng nhưng cá giống không tang. “Nói cách khác là tỷ lệ sống trong quá trình ương nuôi cá tra giống đang giảm”, GS-TS Thanh Phương nhấn mạnh.
Nguyên nhân được vị chuyên gia này đưa ra là do mật độ ương quá cao nên thức ăn tự nhiên ban đầu cho cá bột không đủ, môi trường ao ương xấu…
Giữ giá mức tốt năm 2018
Đặc biệt, theo các chuyên gia, việc thiếu nguồn cung cá giống sẽ dẫn đến thiếu cá nguyên liệu. “Điều này dẫn tới các doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp không có vùng nuôi đang phải đối mặt với tình trạng khan hàng trầm trọng”, ông Quốc cho biết.
Hiện, cá tra của Việt Nam đã có mặt ở nhiều thị trường trên thế giới, với hai thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Mặc dù năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,75 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2016, tuy nhiên cũng phải nhìn vào thực tế, việc thiếu nguyên liệu và cá tra giống không phải bây giờ mới xảy ra. Nguyên liệu của ngành hiện chủ đạo vẫn dựa vào vùng nuôi của các doanh nghiệp và các hộ nông dân có liên kết với doanh nghiệp.
Trong khi đó, số lượng người nuôi tự phát chiếm rất tỷ lệ rất nhỏ do những yêu cầu khắt khe của đơn vị thu mua đối với cá nguyên liệu.
Lãnh đạo ngành Hiệp hội cá tra nhận định, đây là bài học nhãn tiền cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra mà không có hay không chú ý đến việc xây dựng nguồn nhiên liệu. Do đó, việc thiếu hụt nguyên liệu thời gian qua chính là điều kiện để các ngành chuyên môn có giải pháp cải thiện chất lượng con giống cùng với các công nghệ nuôi mới để có sản phẩm tốt. Nói cách khác, việc cần làm ngay bây giờ của ngành cá tra là làm sao để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, các chuyên gia và doanh nghiệp đều nhận định, nguồn cá nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu trong năm 2018 sẽ gặp khó. Bù lại, giá cá tra xuất khẩu sẽ được giữ ở mức tốt và có thể kéo dài cả năm 2018.