24h

Cảnh báo lừa đảo mua hàng online dịp Tết

Trung Thành 06/01/2025 00:15

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và không gian mạng, nhu cầu mua hàng online gia tăng, các thủ đoạn lùa đảo bán hàng này cũng ngày càng phong phú và biến hóa.

Xu hướng thời đại

Theo Sở Công Thương Quảng Ninh: Chỉ còn gần hơn 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, không khí mua bán hàng hóa phục vụ Tết đã rộn ràng, tấp nập. Hiện nay, xu hướng bán hàng online đã được các doanh nghiệp tích cực cập nhật và sử dụng rất phổ biến.

Để thu hút người tiêu dùng dịp Tết, các nhà bán hàng trên mạng được khuyến cáo đẩy mạnh ngân sách chạy quảng cáo cao hơn 10-30% so với ngày thường. Bên cạnh việc bán trên các sàn thương mại điện tử, các đơn vị còn chủ động mở nhóm chat trên zalo để chào bán sản phẩm và tương tác với khách hàng.

Bà Nguyễn Thuý Hà - Giám đốc HTX Nông - Lâm - Ngư nghiệp Việt Hưng (TP Hạ Long), chia sẻ: Bên cạnh việc chuẩn bị hàng hóa để bán trực tiếp ở cửa hàng, tôi liên tục cập nhật các mặt hàng Tết trong nhóm zalo. Đây đều là nhóm khách hàng thân thiết đã mua hàng nhiều lần, yên tâm về nguồn gốc, chất lượng nên chỉ cần hàng gì, khách nhắn là cửa hàng sẽ giao ngay. Thời gian vận chuyển trong ngày, đôi khi chỉ mất 1-2 tiếng, khách muốn nhận giờ nào cũng đều giao được.

1(1).jpg
Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, không khí mua bán hàng hóa online tăng mạnh (Ảnh minh họa)

Cũng theo bà Hà, dịp Tết khách hàng ưu tiên lựa chọn các mặt hàng thiết yếu và nông sản địa phương. Do đó, lượng hàng tiêu thụ dịp này tăng gấp 5 lần ngày thường. Cùng với cách thức mua hàng truyền thống tại các chợ, cửa hàng, siêu thị, xu hướng mua hàng online lên ngôi đã và đang giúp khách hàng mua sắm dễ dàng và thuận tiện, nhanh chóng hơn.

Tuy nhiên, nhiều đối tượng cũng lợi dụng thời điểm này để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nên người dân cần hết sức cảnh giác. Đặc biệt, lợi dụng việc mua sắm cao điểm cuối năm, các đối tượng lừa đảo thực hiện thủ đoạn giả danh nhân viên giao hàng (shipper) để lừa chuyển khoản nhằm chiếm đoạt tài sản.

Lợi dụng những sơ hở trong quá trình thanh toán số, sự thiếu cẩn trọng của người mua và người bán, các đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi "chốt đơn" hàng bán hàng online trên các mạng xã hội Facebook, Tiktok,… khách hàng thường để lại thông tin như số điện thoại, địa chỉ công khai trên các bình luận.

Các đối tượng lừa đảo qua đó đã tìm hiểu và theo dõi quá trình mua, bán này. Sau đó các tài khoản Zalo có tên trùng với tên của cửa hàng, trực tiếp nhắn tin với khách hàng để “chốt đơn” và cung cấp số tài khoản nhận tiền trùng với tên của chủ cửa hàng. Người mua do chủ quan, khi thấy tài khoản Zalo và số tài khoản ngân hàng trùng với tên cửa hàng mình mua nên đã chuyển tiền mua hàng.

Một chủ cửa hàng bán đồ uống online trên Facebook cho biết tài khoản zalo, facebook, ngân hàng của anh không bị tội phạm chiếm đoạt và phong tỏa. Tuy nhiên, khi người giao hàng yêu cầu khách hàng trả tiền đơn đặt từ cửa hàng, mới phát hiện ra người mua đã chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo.

Do đối tượng đã xem bình luận "chốt đơn" của cửa hàng anh H để nhắn tin cho khách yêu cầu chuyển khoản bằng tài khoản Zalo và tài khoản ngân hàng đúng tên anh H. Do đây là cửa hàng quen, từng nhiều lần giao dịch nên khách không "ngần ngại" chuyển vào số tài khoản các đối tượng lừa đảo cung cấp hơn 2 triệu đồng. Chỉ đến khi người giao hàng đến yêu cầu thanh toán, cả người mua và người bán phát hiện mình đều là “nạn nhân”.

Theo thông tin từ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Quảng Ninh, khi đã có được thông tin, các đối tượng lừa đảo sẽ giả danh là shipper gọi giao hàng vào giờ hành chính hoặc khi khách hàng không có nhà. Nếu người nghe nói không nhận hàng được, các đối tượng sẽ thúc giục nạn nhân nhận hàng qua người quen, hàng xóm để đảm bảo doanh số và yêu cầu chuyển tiền thanh toán đơn hàng.

Sau khi nhận được tiền, các đối tượng lừa đảo có thể sẽ tiếp tục dùng nhiều lý do như: Nhắn nhầm tài khoản thanh toán hội viên để hù dọa trừ tiền yêu cầu nạn nhân nhấn vào đường link mà chúng cung cấp để khai báo huỷ tư cách hội viên; báo chuyển nhầm đơn hàng sau đó lừa nạn nhân nhấn vào đường link khai báo thông tin khách hàng để được hoàn lại tiền... Đối tượng sử dụng thông tin mà nạn nhân khai báo để tấn công chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tiền của nạn nhân rồi cắt đứt liên lạc

Cảnh giác

Để chủ động phòng ngừa với thủ đoạn lừa đảo trên, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua, không chuyển khoản hoặc thanh toán các đơn hàng không có ảnh chụp rõ mã vận đơn, thông tin người nhận và tuyệt đối không ấn vào bất cứ đường link nào do người lạ gửi tới để tránh “mắc bẫy” lừa đảo. Bên cạnh đó, khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường, phải dừng giao dịch ngay và trình báo vụ việc đến cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý.

3.jpg
Các cửa hàng liên tục cập nhật và bán hàng hóa dịp Tết cho khách hàng thân thiết trong hội nhóm Zalo

Mới đây, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đã đưa ra cảnh báo lừa đảo khi mua sắm trực tuyến dịp cuối năm. Theo đó, lợi dụng thời điểm cuối năm có nhiều dịp lễ như Giáng Sinh, năm mới cùng với hàng loạt các sự kiện sale lớn cuối năm, các đối tượng lừa đảo đã tung ra những chiêu trò khiến nhiều người dân sập bẫy. Cụ thể, lợi dụng tâm lý “săn sale” (săn mã giảm giá, ưu đãi), các đối tượng xấu sẽ chủ động tiếp cận nạn nhân qua các email, tin nhắn khuyến mãi giả mạo từ các sàn thương mại điện tử quen thuộc như Shopee, Lazada, Tiki.

Ngoài ra, lợi dụng tính năng phân tích thói quen người dùng của các nền tảng mạng xã hội, đối tượng tạo các trang fanpage giả mạo hoặc website giả mạo giống hệt với trang chính thống của các thương hiệu lớn để tiếp cận nạn nhân qua quảng cáo về những sản phẩm mà nạn nhân đang quan tâm, từ đó dẫn dụ nạn nhân đặt mua với mức chiết khấu cao nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Trước tình hình lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng vào dịp cuối năm, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân nên thận trọng khi thực hiện giao dịch mua bán trên mạng xã hội hoặc qua hình thức trực tuyến.

Để phòng tránh lừa đảo, lực lượng chức năng khuyến cáo: Đối với người bán: cần công khai các thông tin về địa chỉ, số điện thoại, tài khoản mạng xã hội và tài khoản thực hiện giao dịch. Đối với người mua: cần kiểm tra lại thông tin của người bán trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Nên sử dụng dịch vụ “ship COD” trong các giao dịch mua bán. Thận trọng trước khi thực hiện bất kỳ một giao dịch tài chính thông qua mạng xã hội.

Cần kiểm tra kỹ thông tin về người bán hàng, sản phẩm, giá cả, chính sách bảo hành và hoàn trả hàng; không chuyển tiền trước khi nhận được hàng hoặc chỉ chuyển qua các kênh thanh toán uy tín; không để lộ thông tin cá nhân, thẻ ngân hàng hay mã OTP cho người lạ; khi phát hiện bị lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý kịp thời theo quy định.

Dù bằng hình thức mua sắm nào thì mỗi người dân luôn cần chủ động, tỉnh táo, lựa chọn hàng hóa từ các địa chỉ uy tín, chất lượng, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của cá nhân, gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cảnh báo lừa đảo mua hàng online dịp Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO