Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế sẽ phân bổ cho Bắc Giang, Bắc Ninh mỗi tỉnh 150.000 liều vaccine và sẽ hỗ trợ để địa phương hoàn thành tiêm chủng trong vòng 1-2 tuần.
Tại cuộc họp khẩn với hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì sáng 26/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã thông tin thêm về tình hình dịch tại hai địa phương này.
Với Bắc Giang, Bộ trưởng Y tế lưu ý tỉnh phải dập dịch nhanh trong các khu công nghiệp, đặc biệt là các khu công nhân, để đưa trở lại hoạt động bình thường. Còn với Bắc Ninh, phải dập dịch bằng được trong cộng đồng, bảo vệ cộng đồng sạch để ngăn việc lây nhiễm từ cộng đồng vào các khu công nghiệp.
Bộ trưởng Y tế đề nghị tăng cường lực lượng giám sát kiểm tra, lắp đặt camera và xử lý các vi phạm về cách ly y tế. Nhất trí phương thức xét nghiệm nhanh của 2 địa phương, ông Long cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế sẽ phân bổ cho Bắc Giang, Bắc Ninh mỗi tỉnh 150.000 liều vaccine và sẽ hỗ trợ để hoàn thành tiêm chủng trong vòng 1-2 tuần.
Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ngay khi nhận được báo cáo về việc Bắc Giang có hơn 300 ca mắc COVID-19 vào đầu giờ chiều 25-5, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt đến tỉnh Bắc Giang.
Phó Thủ tướng nhắc nhở tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục tuân thủ tốt các quy định trong cách ly, chủ động, sáng tạo trong phòng, chống dịch tại các khu dân cư, khu công nghiệp. Phó Thủ tướng chỉ ra việc giãn cách từ nơi có mật độ dân cư đông đúc trong vùng dịch sang vùng mật độ thấp là rất cấp thiết. Bên cạnh đó, tỉnh cần quyết đoán hơn nữa trong các kế hoạch mở rộng các khu vực cách ly, bằng mọi cách phải dập dịch triệt để.
Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đánh giá cao công tác phòng, chống dịch của tỉnh Bắc Giang. Tỉnh đã chủ động, sáng tạo trong phòng, chống dịch, lấy mẫu xét nghiệm như: Thí điểm tự cách ly, tự lấy mẫu xét nghiệm; thành lập các tiểu ban xét nghiệm; các địa phương trong tỉnh đã chủ động khoanh vùng, bố trí khu cách ly hợp lý, lập nhiều Tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch... Tỉnh cũng đã nhanh chóng lắp đặt nhiều camera giám sát tại các khu cách ly, tăng cường lực lượng an ninh xử lý nghiêm các vi phạm trật tự khu cách ly.
Phó Thủ tướng yêu cầu, ngành Y tế tạo điều kiện tối đa, hỗ trợ tỉnh có đủ vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch; cố gắng không để xảy ra trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, tỉnh cần chủ động áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ vùng sản xuất vải thiều; tạo điều kiện thuận lợi cho sự giao thương nhưng vẫn bảo đảm an toàn phòng dịch; ứng dụng công nghệ, nhất là thương mại điện tử để tiêu thụ nông sản...
Báo cáo trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết tính đến tối qua, số ca F0 tại Bắc Giang là 1.399, tất cả số này trong các khu cách ly tập trung, nằm trong kịch bản mà Tổ công tác của Bộ Y tế đã dự báo trước.
Bài toán đặt ra hiện nay là dập dịch trong các khu công nghiệp, chống lây ra cộng đồng. Cùng với đó, chăm lo đời sống cho hơn 60.000 công nhân từ các tỉnh, thành phố khác được giữ lại để ngăn không cho dịch lây lan rộng.
Ông Dương cho biết địa phương đã xây dựng kế hoạch từng bước khởi động lại các khu công nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, chọn 8 doanh nghiệp làm thí điểm. Ngày 27/5 sẽ có những doanh nghiệp đầu tiên hoạt động trở lại.
Ở đầu cầu Bắc Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Đào Hồng Lan khẳng định công tác phòng chống dịch của tỉnh đang tập trung vào 4 mũi trọng yếu: Tại xã Mão Điền, huyện Thuận Thành (nơi xuất hiện ổ dịch đầu tiên ngày 5/5); các khu công nghiệp; các khu cách ly, cơ sở y tế; khoảng 30.000 người Bắc Giang làm việc tại Bắc Ninh và khoảng 3.600 người Bắc Ninh làm việc tại Bắc Giang.
Ngoài tập trung chống dịch tại khu công nghiệp, tỉnh còn chú ý công tác chống dịch tại nơi công nhân lưu trú.
Nhận định về tình hình điều trị các ca COVID-19 tại Việt Nam, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa Bệnh (Bộ Y tế) cho biết, thống kê từ Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho thấy, đợt dịch này khoảng 80% người mắc COVID-19 ít có triệu chứng, cơ thể ít biến đổi như sốt không cao, ít mệt mỏi, viêm phổi chưa biểu hiện.
“Chúng ta luôn phải cảnh giác ngay cả với những người ít triệu chứng. Những người này phải được đưa vào điều trị ở những nơi đảm bảo cách ly an toàn, theo dõi sát sao”, ông Khuê nói.
Hiện trên thế giới có những cảnh báo ban đầu về biến chủng SARS-CoV-2 B.1.167.2 từ Ấn Độ. Các bệnh nhân nhiễm biến chủng mới sẽ diễn biến bệnh khó lường, khó phát hiện. Có người xét nghiệm 2 lần đầu âm tính, lần thứ 3 mới dương tính, tức là thời gian ủ bệnh, lây truyền sang người khác có lúc nhanh, lúc rất khó đoán nên việc cách ly, theo dõi và quản lý tại khu cách ly hết sức quan trọng.
Tại Việt Nam, khoảng 20% bệnh nhân COVID-19 có thể diễn biến nặng. Trong đó, 10% dễ chuyển từ biểu hiện ho, sốt, khó thở sang cấp cứu. Còn lại, họ có nguy cơ cao chuyển sang nặng (5%) hoặc rất nặng (5%). Vì vậy ngành y tế xác định đây đều là những trường hợp dễ tử vong, cần phải đặc biệt chú ý và phản ứng nhanh. Đặc biệt, nhóm bệnh nhân này phải có tiêu chí cụ thể để thầy thuốc tại tất cả bệnh viện căn cứ vào đó xử lý, kết nối hội chẩn với các chuyên gia tuyến trung ương khi cần.
“Bệnh nhân nhẹ nhưng diễn biến nhanh là điều rất khó khăn với các thầy thuốc khi điều trị. Trên thế giới cũng có nhiều cảnh báo về diễn biến nhanh của chủng virus đợt này. Tại Việt Nam, hội chẩn cho thấy có ca bệnh biến chuyển rất nhanh”, ông Khuê nói.
Chuyên gia này cũng khuyến cáo, trong quá trình điều trị, nếu các thầy thuốc chỉ nhìn trên máy báo oxy 99% mà không để ý kỹ, bệnh nhân có thể diễn tiến nặng lên nhanh vì trên thực tế lâm sàng, bệnh nhân đã khó thở đến 22 lần. Bộ Y tế sẽ điều chỉnh phác đồ, cảnh báo sớm cho thầy thuốc. Các trường hợp khoẻ mạnh, không bệnh nền vẫn phải cảnh giác, đưa vào khu điều trị để đảm bảo an toàn, tăng cường thể trạng và theo dõi sát.
Hiện chiến lược điều trị trong giai đoạn hiện nay của ngành y tế vẫn tập trung vào khoảng 20% bệnh nhân có thể diễn biến nặng.
Ngành y tế đang xây dựng phần mềm có hỗ trợ trí tuệ nhân tạo nhằm phát hiện sớm người có nguy cơ cao, dễ diễn biến nặng. Phương án này được đưa ra sau khi Việt Nam ghi nhận nhiều trường hợp trẻ tuổi, không mắc các bệnh nền nhưng có diễn biến nặng trong thời gian ngắn.
Có thể bạn quan tâm
12:18, 26/05/2021
05:30, 26/05/2021
18:56, 25/05/2021
04:21, 25/05/2021
04:24, 24/05/2021