Để hỗ trợ các doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, cần có giải pháp tái cấu trúc toàn diện Quỹ bảo lãnh tín dụng (BLTD).
>>>Tạo dựng niềm tin với trái phiếu doanh nghiệp: Cần có Quỹ bảo lãnh trái phiếu
Theo Nghị định 34/2018, vốn điều lệ tối thiểu của Quỹ BLTD địa phương chỉ 100 tỷ đồng - khá khiêm tốn so với một địa phương.
Số lượng Quỹ BLTD từ năm 2018 đến nay thậm chí có xu hướng giảm, cụ thể trong năm 2018 và 2019 cả nước có 27 quỹ BLTD hoạt động. Tuy nhiên, Quỹ BLTD Đà Nẵng giải thể vào năm 2020, nên chỉ còn 26 quỹ và tiếp tục giảm xuống còn 25 quỹ vào năm 2021.
Một trong những vấn đề nổi lên trong quá trình triển khai thời gian qua là ở một số địa phương không có tiêu chí rõ ràng để bảo lãnh cho doanh nghiệp. Trong khi đó, một số địa phương cũng chưa thực sự quan tâm đến vai trò của Quỹ.
>>>Cần thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn
Ngay cả việc cấp vốn cho quỹ, mặc dù Nghị định 34/2018 và các văn bản hướng dẫn đã yêu cầu khá cụ thể về việc nguồn vốn cho Quỹ BLTD chủ yếu là hỗ trợ từ ngân sách địa phương (cấp vốn điều lệ ban đầu, cấp bổ sung vốn điều lệ). Tuy nhiên, tính đến 31/12/2021, mới chỉ có 10 Quỹ BLTD có vốn điều lệ tối thiểu đạt 100 tỷ đồng, một số quỹ BLTD khác có vốn điều lệ chỉ từ 4 - 80 tỷ đồng, riêng Quỹ BLTD Đồng Nai có vốn điều lệ thực có thấp nhất là 4 tỷ đồng.
Do vốn điều lệ của các Quỹ BLTD cho DNNVV 100% từ ngân sách nhà nước nên việc quy trách nhiệm khi xảy ra thua lỗ, thất thoát vốn do bảo lãnh, cho vay DNNVV cũng khá chặt chẽ, trong khi tỷ lệ rủi ro không nhỏ. Do đó, dư nợ bảo lãnh tín dụng của các Quỹ BLTD khá thấp. Tính đến cuối tháng 2/2023, tổng dư nợ có bảo lãnh của Quỹ mới chỉ đạt 261,327 tỷ đồng.
Những khó khăn, vướng mắc nói trên đã và đang khiến các Quỹ BLTD địa phương gặp nhiều thách thức trong việc cung cấp dịch vụ bảo lãnh cho doanh nghiệp.
Đề xuất nâng vốn điều lệ của Quỹ BLTD địa phương lên 10.000 tỷ đồng như một số chuyên gia đề cập là rất cần thiết để có thể bảo lãnh cho các doanh nghiệp trên toàn quốc. Chúng ta nên có một lộ trình tăng vốn điều lệ cho Quỹ BLTD, ban đầu là 10.000 tỷ đồng và sau đó có thể nâng lên 30.000 tỷ đồng, được tích lũy từ các nguồn lực do Nhà nước tính toán, như chênh lệch giữa thu chi, hoặc sau khi trích quỹ khen thưởng cho nhân viên hoạt động quỹ, còn lại sẽ đưa vào vốn điều lệ để bảo đảm mở rộng khả năng bảo lãnh.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp phản ánh, một trong những rào cản lớn trong BLTD là phải có tài sản thế chấp. Điều này gây ra tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" cho các Chủ tịch hoặc Hội đồng tín dụng Quỹ BLTD khi phải chịu trách nhiệm bảo toàn vốn và quản lý tài chính, mà không dám bảo lãnh cho vay.
Trên thực tế, đây dường như là bài toán khó giải bởi nếu DNNVV có tài sản đảm bảo, thì họ hoàn toàn có thể vay vốn trực tiếp từ các ngân hàng thương mại mà không cần thông qua Quỹ BLTD.
Như vậy, chúng ta cần cải cách sâu rộng và học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế để có sự thay đổi phù hợp hơn cho Quỹ BLTD, cụ thể như xây dựng một chính sách mới, dựa trên nguyên tắc gần như tín chấp 100%, trong đó thế chấp chỉ chiếm một phần nhỏ. Đặc biệt, đã bảo lãnh thì không thể hủy ngang.
Ngoài ra, cần đảm bảo một số yếu tố khác để giúp việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn:
Thứ nhất, Quỹ BLTD nên được đặt trực tiếp dưới sự giám sát của Chính phủ để cung cấp bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV. Đặc biệt, Quỹ BLTD phải áp dụng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro và một hệ thống xếp hạng tín dụng minh bạch thông qua quá trình đánh giá và chấm điểm tín nhiệm của các hiệp hội doanh nghiệp.
Thứ hai, tái cấu trúc hệ thống Quỹ BLTD hiện nay thành một chi nhánh dưới sự quản lý của Quỹ Trung ương, nhằm mục đích hợp nhất và tăng cường nguồn lực tài chính trên toàn quốc. Các sản phẩm bảo lãnh, cũng như các quy chế và quy trình liên quan, phải được Trung ương chấp thuận và quản lý để đảm bảo sự thống nhất và hiệu quả trong toàn bộ hệ thống.
Thứ ba, Quỹ BLTD phải đảm bảo việc sử dụng vốn đúng đối tượng, đúng mục đích và có tác động tích cực đến khả năng huy động vốn của doanh nghiệp.
Thứ tư, một yếu tố được nhấn mạnh là khả năng công khai và minh bạch trong việc thu phí bảo lãnh từ các DNNVV khi họ tìm kiếm sự hỗ trợ từ Quỹ BLTD. Mức phí hợp lý nên ở mức khoảng 2%, đảm bảo nguyên tắc thị trường và tạo điều kiện cho việc trích lập dự phòng rủi ro, bảo vệ quỹ khỏi các khoản lỗ có thể xảy ra.
Trong trường hợp doanh nghiệp phá sản hoặc giải thể, mọi nghĩa vụ bảo lãnh liên quan sẽ được xóa bỏ, giảm bớt gánh nặng tài chính cho những doanh nghiệp này trong tình huống khó khăn. Bởi vì việc yêu cầu Chủ tịch Quỹ BLTD chịu trách nhiệm bảo toàn vốn mà không hình thành cơ chế trích lập dự phòng, sẽ làm giảm động lực tham gia quản lý Quỹ BLTD hiệu quả vì lo ngại rủi ro mất vốn.
Thứ năm, tăng cường nguồn lực cho Quỹ BLTD. Nhà nước có thể nghiên cứu, đánh giá khả năng huy động vốn từ các quỹ dự trữ hiện có, cũng như xem xét khả năng tái cấp vốn từ NHTW. Sự hỗ trợ của Nhà nước không chỉ thể hiện qua việc cung cấp vốn ban đầu, mà còn qua việc tạo dựng một khuôn khổ pháp lý và quản lý tài chính linh hoạt, nhằm đảm bảo Quỹ BLTD hoạt động hiệu quả, bền vững trong dài hạn.
Có thể bạn quan tâm
GRDP TP.HCM tăng cao nhất 5 năm, tín dụng tăng tích cực
14:00, 04/04/2024
Cần hoàn thiện pháp lý cho phát triển tín dụng xanh
16:00, 03/04/2024
Agribank triển khai 8.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi cho ngành lâm, thủy sản
15:57, 01/04/2024
Bất cập “siết” hồ sơ tín dụng
03:18, 30/03/2024
Cần chính sách ưu tiên tín dụng để phát triển vận tải đường thủy
04:00, 29/03/2024