VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát toàn bộ nội dung trong các Thông tư được sửa đổi để cập nhật đồng bộ tên gọi các cơ quan quản lý trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực tài nguyên nước (Dự thảo). Trên cơ sở rà soát và đánh giá tổng thể, VCCI cho rằng việc điều chỉnh là cần thiết, tuy nhiên cần đảm bảo tính đồng bộ và nhất quán với mô hình tổ chức bộ máy mới của các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo VCCI, Dự thảo đã kịp thời cập nhật các quy định liên quan đến cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương theo mô hình địa phương hai cấp tại các Thông tư trong lĩnh vực tài nguyên nước để đảm bảo các quy định của Luật Tài nguyên nước được triển khai kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả ngay sau khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, bên cạnh việc điều chỉnh ở cấp địa phương, VCCI lưu ý rằng hiện nay, việc sắp xếp tổ chức còn diễn ra ở cấp Trung ương, tiêu biểu là việc hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Điều này kéo theo thay đổi tên gọi và chức năng nhiệm vụ của các cơ quan tương ứng ở cả trung ương và địa phương, như ở địa phương sẽ có Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Thực tế, trong ba Thông tư được sửa đổi tại Dự thảo (gồm Thông tư 03/2024/TT-BTNMT, Thông tư 04/2024/TT-BTNMT, Thông tư 05/2024/TT-BTNMT), một số điều khoản đã thay đổi tên gọi của các cơ quan quản lý ở cấp Trung ương. Tuy nhiên, phần lớn quy định khác vẫn sử dụng tên gọi cũ, hoặc chưa điều chỉnh phù hợp với mô hình tổ chức mới. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ.
Từ thực tế nêu trên, VCCI kiến nghị cơ quan soạn thảo rà soát toàn bộ nội dung trong ba Thông tư nêu trên để cập nhật đồng bộ tên gọi các cơ quan quản lý trong lĩnh vực tài nguyên nước, cả ở cấp Trung ương lẫn địa phương. Đồng thời, điều chỉnh nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các bộ đã bị sáp nhập, tránh tình trạng quy định chồng chéo hoặc không còn phù hợp với cơ cấu tổ chức mới.
Ví dụ, Thông tư 04/2024/TT-BTNMT tại khoản 2 Điều 7 quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm. Vì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sáp nhập vào Bộ Tài nguyên và Môi trường nên sẽ thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này. Do đó, đề nghị bỏ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tương tự, cần bỏ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại khoản 2, khoản 3 Điều 8 về rà soát, xử lý chồng chéo, trùng lặp trong việc thực hiện kiểm tra.