Là người mê khám phá từng miền đất nước, tôi luôn dành cho Cát Bà một vị trí đặc biệt trong tim – nơi vẻ đẹp hoang sơ gợi lên tình yêu sâu sắc với quê hương biển đảo.
Tránh tình trạng đông đúc, quá tải vào dịp hè hay lễ, Tết, tôi thường đi Cát Bà vào dịp thấp điểm, cũng là một cách để “nhường” Cát Bà cho du khách ở xa đến thưởng ngoạn vẻ đẹp biển trời quê hương.
Tiết trời tháng Tư ấm áp, dễ chịu, gió nam đã nổi nhưng biển vẫn êm, ít sóng lớn, điều kiện lý tưởng để du khách ghé thăm vịnh biển mà không lo say sóng hay mệt mỏi. Thay vì đi từ bến phà Gót (Hải Phòng) thường xuyên ùn tắc vào mùa cao điểm, tôi lựa chọn hướng đi từ Quảng Ninh, qua cảng Tuần Châu rồi đi phà Gia Luận để tới đảo Cát Bà.
Giá vé ô tô dưới 9 chỗ ngồi hiện ở mức 300.000 đồng/lượt. Dù thời gian di chuyển trên phà kéo dài hơn một tiếng, tuyến này lại có ưu điểm là không phải chờ đợi lâu, giao thông thông suốt và hành trình qua vịnh cũng mang lại nhiều trải nghiệm ngắm cảnh đáng giá.
Chạy phà chầm chậm trên vịnh chẳng khác gì chuyến du hành ngắm vịnh từ trên cao của tàu du lịch, nên với tôi, giá vé này khá rẻ. Phà tự hành ủn làn nước xanh trong, lầm lũi bò đi trong vịnh thăm thẳm với núi non trập trùng vây quanh. Trên cao còn rơi rớt lại mây mù của tiết trời cuối xuân, thi thoảng mới lộ ra khoảng da trời xanh ngắt. Những vệt nắng tháng Tư hắt nghiêng xuống mặt nước, như dát vàng mặt biển.
Vách núi đá sừng sững nghìn năm, những đường vân như trang sử ký khắc ghi bao thăng trầm của đất nước nơi biển đảo tiền tiêu. Chân núi, nước biển vỗ vào tạo thành hõm lõm, tạo ra dáng vẻ chênh vênh. Trên cao, núi xếp đá tạo thành muôn hình vạn trạng, rất đẹp mắt, nhất là khi bóng núi in xuống mặt biển, lấp loáng bóng núi hoà trong màn nước màu xanh.
Từ Gia Luận vào trung tâm Cát Bà, con đường xuyên rừng quốc gia từng bị cơn bão Yagi tàn phá, nay đã phần nào hồi sinh. Tôi bồi hồi khi thấy thảm thực vật hồi phục, cây rừng vươn chồi non xanh biếc, hình ảnh khiến tôi nghĩ đến tinh thần quật cường, hồi sinh mạnh mẽ của dân tộc sau những mất mát, đau thương.
Ghé thăm Vườn quốc gia Cát Bà, leo lên đỉnh Ngự Lâm, thu trọn cả vùng rừng, núi, biển vào tầm mắt, tôi chỉ biết thốt lên hai tiếng “tuyệt mỹ”. Thiên nhiên nơi đây như một bản giao hưởng, nơi mỗi ngọn cây, làn gió đều mang trong mình lời kể về một dải đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Thu hết vào tầm mắt quang cảnh của rừng Quốc gia Cát Bà, chỉ có thể thốt lên tiếng trầm trồ: “Quá đẹp!”. Có những khoảnh khắc giữa thiên nhiên hoang sơ ấy, lòng tôi chợt ngân lên vài vần thơ, như tiếng lòng của một người con yêu nước:
“Đi giữa rừng già anh nghe gió biển
Rì rào, rì rào như sóng hát trên cao
Cát Bà mùa xuân đất trời ngập nắng
Như lòng anh tràn đầy nỗi nhớ em…”
Rời Vườn Quốc gia, di chuyển về trung tâm Cát Bà, con đường trải nhựa mượt như con trăn trườn trên mặt cỏ. Hai bên đường, giờ đây nhà cửa san sát, hàng quán, homestay tấp nập. Khác hẳn mấy chục năm trước nơi đây hoang vu, đìu hiu, chẳng mấy người ra mà trụ lại được nơi hòn đảo ngọc ngà này. Cá thì sẵn, nhưng gạo và rau thì thiếu quanh năm. Dân thưa, người ít, không có dịch vụ, giải trí thì lại càng không. Vậy mà Cát Bà bây giờ không chỉ là điểm đến trong nước, mà còn là niềm tự hào khi đón du khách năm châu.
Buổi tối, tôi thuê tàu đi câu mực đêm. Chỉ cần ngọn đèn điện sáng, một chiếc cần câu và con mồi giả, nhấc lên đặt xuống là câu được mực. Dưới làn nước xanh, nhìn rõ đàn mực lao vào đuổi theo con mồi lên xuống. Nếu khách không sợ say sóng, tàu rời vịnh ra ngoài cửa biển thì mực nhiều hơn, bạo ăn mồi hơn; chỉ một lát câu là chắc chắn có mực ăn. Thứ mực tươi rói từ biển nhấc lên, luộc qua rồi chấm mù tạt ăn ngọt thỉu. Ai ăn được sống thì cho cả con mực vào miệng nhai luôn, mực phun ra đen cả mồm miệng, nhưng vừa ngon vừa giòn nhất hạng.
Giữa khung cảnh ấy, tôi chợt thấy lòng yêu biển quê hương như càng lắng sâu. Yêu vị mặn mòi, yêu sự trù phú, yêu cả những ngư dân cần mẫn gìn giữ biển trời của Tổ quốc.
Bập bềnh trên biển đêm, nhìn ra xa, đèn câu mực sáng như thành phố nổi trên mặt biển. Vọng xa xa không chỉ có tiếng máy nổ, tiếng gió, tiếng sóng ầm ì mà còn có cả tiếng người hát, tiếng nhạc đó đây vọng lại.
Bữa tối trên tàu với hải sản tươi ngon quả thật ngon hơn cả nhà hàng. Hải sản tươi chế biến rất dễ: mực thì luộc, tôm thì hấp, canh cá chỉ cần chút vỏ bứa chua với dứa, hành hoa là đủ thơm ngon. Ăn đến no cũng không ngán ngấy, lại rất dễ tiêu. Gió biển thổi lồng lộng, mát rượi, hàm lượng ôxy cao giúp tinh thần phấn chấn, đầu óc thư thái.
Một đêm ngủ ngon với không khí tươi sạch của Cát Bà. Sáng hôm sau, lên tàu đi khám phá vịnh Lan Hạ. Ngắm núi, ngắm biển trời cứ nối tiếp nhau hiện ra như cảnh ở trong phim. Từng đoàn, từng đoàn tàu chở khách đi tham quan trên vịnh. Có tàu rất nhiều khách ngoại quốc mặc bikini lao mình xuống làn nước trong xanh vùng vẫy, rồi lên những bãi cát thám hiểm những hang động.
Đoàn chúng tôi ăn trưa ngay bãi biển, với cả vài đồ biển mà trong lúc đi lội dọc các bãi cạn nhặt được thật tươi ngon. Có nhiều lối hang khuất sau hõm đá, phải bò vào trong mới khám phá được nhiều khu vườn thú vị trong đảo. Có chỗ, khách xếp các tháp đá lên làm kỉ niệm.
Cát Bà không chỉ là một danh thắng. Với tôi và với nhiều người con đất Việt, Cát Bà còn là một phần máu thịt quê hương, nơi khơi dậy niềm tự hào, tình yêu sâu đậm với non sông gấm vóc. Chỉ mong sao môi trường nơi đây được gìn giữ sạch đẹp hơn để Cát Bà mãi xứng đáng là một trong những vịnh biển đẹp nhất hành tinh và là biểu tượng sinh động của đất nước Việt Nam tươi đẹp, kiên cường.