Năm 2021, cắt giảm khoảng 1,3 tỷ KWh điện năng lượng tái tạo do sự tăng trưởng đột ngột, doanh nghiệp năng lượng tái tạo cần sự công bằng.
Ông Nguyễn Đức Ninh - Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết, trong năm 2020, ngành điện chứng kiến sự tăng trưởng đột biến của năng lượng tái tạo. Đặc biệt, đáng chú ý là sự bùng nổ điện mặt trời áp mái.
Cụ thể, tháng 6 năm 2020, sản lượng điện mặt trời áp mái từ 6.000 MWp đã lên 10.000 MWp. Đặc biệt, 1 tuần cuối của năm, con số ghi nhận thêm là 3.000-4.000 MWp. Trong năm 2020, cơ quan điều tiết phải giảm 365 triệu kWh điện mặt trời không khai thác được.
Ông Ninh phân tích thêm, số điện này do quá tải lưới nội vùng, chủ yếu là khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh miền trung. Đến nửa cuối tháng 11/2020, do tăng trưởng nóng trang trại điện mặt trời và điện mặt trời áp mái, ngành điện phải thực hiện khoảng 20 lần cắt giảm số giờ do thừa nguồn, tổng sản lượng cắt giảm là 35 triệu kWh.
Do đó, ông Ninh cho biết năm 2021, dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 1,3 tỷ KWh năng lượng tái tạo thay vì con số 365 triệu KWh trong năm 2020 (gấp 3,56 lần). Trong đó, có hơn 500 triệu KWh do vấn đề thừa nguồn vào các thời điểm trưa, quá tải đường dây 500kw.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Bùi Văn Thịnh - Hiệp hội Điện gió & Mặt trời Bình Thuận lý giải, với hệ thống truyền tải lưới điện Quốc gia đang xuống cấp, quá tải cục bộ, tiếp đó nhu cầu sử dụng điện không tăng thậm chí có nguy cơ giảm trong năm tới. Trong khi đó lượng điện năng lượng tái tạo chiếm hơn 25% điện năng toàn quốc, để đảm bảo an toàn lưới điện không còn cách nào khác ngoài việc cắt giảm điện năng lượng tái tạo.
Nói tới quy hoạch năng lượng tái tạo ông Thịnh cho biết, trong quy hoạch 6, quy hoạch 7, sắp tới là quy hoạch 8, quy định rất rõ ràng việc phát triển năng lương tái tạo bao gồm cả điện và lưới. Quan trọng hơn đó là việc tuân thủ quy hoạch chưa được quan tâm, cơ chế xin cho bổ sung quy hoạch dẫn tới gây cho áp lực truyền tải là rất lớn.
Giải quyết cho vấn đề này trước hết cần chấn chỉnh lại việc xin cho, bổ sung quy hoạch dự án khi dự án lưới điện chưa thể đáp ứng được, đồng bộ với việc nâng cấp đường truyền tải lưới điện. Ngoài ra, "cần có phương án kết nối lưới điện với các quốc gia trong khu vực, đây là kênh xuất khẩu điện và hài hòa cho điện cả khu vực" - ông Thịnh cho biết.
Ông Đào Du Dương - Phó chủ tịch thường trực Đại diện Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam tại TPHCM cho biết, việc bảo đảm an toàn an ninh năng lượng điện Quốc gia được giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang hết sự bị động, EVN không đưa ra được kế hoạch lâu dài, cũng như không dự đoán được sự bùng nổ của năng lượng tái tạo trong năm vừa qua.
Trong đó, các dự báo của EVN cũng như Bộ Công thương về năng lượng tái tạo đều không xác với thực tế, không đánh giá hết được năng lực của việc doanh nghiệp năng lượng tái tạo Việt Nam. Ngoài ra, các quy hoạch điện còn mang tích chất chủ quan, độc quyền dẫn đến các quy hoạch không được kiểm soát. Từ đó, dẫn tới việc buộc phải cắt giảm điện năng lượng tái tạo.
Ông Dương nhấn mạnh, "cần có một cuộc cách mạng thật triệt để đối với ngành điện lực, chứ không phải là điều chỉnh một vấn đề nào cả, vì sẽ không giải quyết được vấn đề gì nếu không phá vỡ thế độc quyền của ngành điện. Tạo ra thế cạnh tranh thì mới thúc đẩy được sự phát triển cho ngành".
Có thể bạn quan tâm
Hút dòng vốn FDI vào năng lượng tái tạo: “Chất xanh” sẽ song hành cùng chất xám
03:30, 03/01/2021
Nâng tầm "chất xanh" để thu hút dòng vốn FDI đầu tư vào năng lượng tái tạo
13:20, 26/12/2020
Kiến nghị kéo dài giá FIT điện năng lượng tái tạo thêm "ít năm nữa"
11:00, 08/12/2020
Phát triển năng lượng tái tạo - Năng lượng của tương lai
11:03, 25/11/2020