Sạt lở bờ sông, dân mất đất sản xuất, uy hiếp nhà dân… là những gì đang diễn ra dọc bờ sông La (Hà Tĩnh). Hệ lụy đã rõ, thế nhưng cuộc chiến chống cát tặc đến nay vẫn chưa có hồi kết.
>> Cách nào ngăn chặn nạn “cát tặc”?
Nhiều năm nay, khúc sông La đã trở thành điểm nóng về khai thác cát trái phép trên địa bàn Hà Tĩnh, nhất là đoạn qua địa bàn các xã Trường Sơn, Liên Minh và Tùng Châu. Đặc biệt, địa phương này lại tiếp giáp với các huyện của tỉnh Nghệ An nên các đối tượng khai thác cát đã lợi dụng địa hình giáp ranh để hoành hành.
Ông T.V.N (người dân xã Trường Sơn) bức xúc: “Tình trạng cát tặc hoành hành trên bờ sông đã diễn ra từ nhiều năm nay. Nhà cửa, vườn tược, đất đai sản xuất của người dân đều trôi toạc xuống sông, nhiều mảng đất bị xói thành hàm ếch sâu hoắm. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương. Năm ngoái, xã đã thành lập đoàn và cắt cử người túc trực nhưng khi nào đoàn nghỉ là họ lại thả vòi xuống hút”.
Tại ngã ba sông nơi hợp lưu của sông La, sông Cả và sông Lam là điểm giáp ranh giữa huyện Đức Thọ và huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) cũng là điểm nóng về khai thác cát trái phép. Việc truy bắt các đối tượng hút cát trái phép tại đây gặp nhiều khó khăn do khi phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng lại nổ máy chạy sang tỉnh bạn nên không thể xử lý. Trong khi theo quy định, phải bắt quả tang mới áp dụng được các hình thức xử phạt.
Theo báo cáo của Công an huyện Đức Thọ, trong năm 2021, lực lượng chức năng huyện, Phòng CSGT đường bộ, đường thủy, Công an tỉnh đã phát hiện và xử lý 36 vụ vi phạm, phạt tiền gần 300 triệu đồng.
>> Nạn “cát tặc” hoành hành trở lại
Để ngăn chặn tình trạng này, ngành chức năng cùng chính quyền địa phương đã lập tổ công tác chốt chặn, túc trực 24/24h tại các khu vực giáp ranh. Các cơ quan chức năng đến nhắc nhở các chủ mỏ chấp hành nghiêm việc cắm phao tiêu, xác định ranh giới mỏ, thực hiện nghiêm việc khai thác cát trong phạm vi mỏ đã được cấp phép, đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra định kỳ tại các mỏ, bãi tập kết cát trên địa bàn.
Thế nhưng, những giải pháp này cũng chỉ mang tính thời điểm, còn hiệu quả vẫn như “bắt cóc - bỏ đĩa”, bởi khi không có mặt lực lượng chức năng thì các đối tượng thả vòi xuống hút, còn có mặt lực lượng chức năng thì họ lại rút ống rời đi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn huyện Đức Thọ hiện có 2 mỏ cát được cấp phép khai thác và 8 bến bãi tập kết cát được chính quyền địa phương cho thuê đất. Ngoài ra còn có 9 điểm tập kết kinh doanh cát tự phát sử dụng đất sai mục đích. Bên cạnh nguồn cát hợp pháp thì đây cũng là địa điểm tiêu thụ lượng cát khai thác bất hợp pháp.
Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Trần Quang Tuấn cho biết, đơn vị đã giao Công an huyện, các phòng ban liên quan tăng cường kiểm tra nếu phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm. Các đơn vị sẽ kiểm tra hóa đơn xuất ra từ các mỏ, nắm trữ lượng khai thác của mỏ làm căn cứ xử lý.
Tuy nhiên, rõ ràng các biện pháp xử lý của địa phương vẫn chưa hiệu quả. Để chấm dứt nạn khai thác cát trái phép, điều quan trọng là các địa phương cần có sự phối hợp hành động thực chất và quyết liệt.
Có thể bạn quan tâm