Gần đây, nạn "cát tặc" trên địa bàn xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) lại có dấu hiệu bùng phát trở lại. Điều này khiến người dân bất an cùng nhiều đất hoa màu bị sạt lở nghiêm trọng.
“Cát tặc” tái diễn
Ông Đức Hanh, thôn Quyết Thắng, xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) không khỏi lo lắng cho biết, sau sự cố tranh chấp bãi khai thác dẫn đến một cuộc hỗn chiến của các đối tượng nạo hút cát trái phép năm 2009 khiến nhiều người thương vong, tình hình khai thác cát lậu phần nào được chấn chỉnh và lắng xuống. Tuy nhiên, khoảng hơn 1 năm trở lại đây, hoạt động khai thác cát lậu đang có dấu quay trở lại khi nhiều thuyền cát đã vào sát bờ bãi, cắm vòi rồng xuống lòng sông nạo hút cát. Điều này đã khiến một diện tích không nhỏ đất bãi bồi mãu mỡ của người dân Thiệu Thịnh biến mất vào lòng sông.
Dẫn chúng tôi ra sát bờ sông, nơi tình trạng sạt lở đang diễn ra liên tục và ngày càng nghiêm trọng, ông Hanh không nén được tiếng thở dài của mình nói: “Chỉ hai năm trước, diện tích bãi ngô, mía xanh mướt tại đây còn vươn mãi ra tận gần giữa sông nhưng bây giờ chỉ còn là một dải nước mênh mông, tất cả như chưa hề tồn tại. Cứ đà này, chỉ ít thời gian nữa thôi, cả bãi bồi này sẽ bị mất đi phân nửa diện tích là điều khó tránh khỏi”.
“Phần đất này nhiều hộ dân chúng tôi cho ông Nam (người thôn Thống Nhất, xã Thiệu Thịnh) thuê để trồng mía với diện tích đến cả chục ha. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm, toàn bộ diện tích này đã bị cuốn trôi. Vừa rồi thôn đã phải xuống kiểm kê và xác nhận toàn bộ số diện tích đã mất cho phía ông Nam được miễn tiền thuê đất” – ông Hanh cho biết thêm.
Theo hướng ông Hanh chỉ, cả một vùng bãi bồi phía tả ngạn sông Mã đã bị biến mất, thay vào đó là một vòng cung sạt lở rộng lớn, ăn sâu vào phía chân đê. Cung sạt lở này có đoạn tạo thành ta luy thẳng đứng cao đến gần 3m, phía dưới, những con sóng đục ngầu liên tiếp vỗ xoáy vào bờ. Cứ sau mỗi con sóng, từng tảng đất màu nâu vàng lại đổ ụp xuống lòng sông, mang theo những thân mía mập mạp. Phía sau, đất nứt tạo thành nhiều vòng cung khác, chờ sạt.
Theo nhiều người dân cho biết, có nhiêu nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở như hiện tại như: mưa lũ, dòng chảy thay đổi nhưng cái chính vẫn là do tình trạng khai thác cát trái phép tiếp tục tái diễn. Do có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, các thuyền hút cát chủ yếu hoạt động về nửa đêm, rạng sáng nên rất khó phát hiện các thuyền cho máy vào trộm cát.
Chính quyền xã lập chốt gác
Tìm hiểu thêm từ phía chính quyền xã Thiệu Thịnh chúng tôi được biết: Toàn xã có hơn 120ha đất bãi bồi (chiếm 50% diện tích đất nông nghiệp của địa phương). Tình trạng sạt lở như vừa nêu ở trên chỉ bắt đầu trở lại từ cuối năm 2018 và cũng từ đó đến nay, toàn xã đã bị mất từ 4 – 5 sào đất đất cơ bản của người dân. Thiệt hại nặng nề nhất là người dân tại thôn Thống Nhất, đây là vị trí tiếp giáp với xã Thiệu Hợp – nơi có mỏ cát số 2 đang hoạt động.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề nêu trên, ông Lê Hữu Hoàn – Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Thịnh cho biết: Sau vài năm yên ắng, từ 2018 đến nay, khi thoảng có một vài tàu cát vào hút trộm. Trước tình hình này, xã đã lập một tổ đội với lực lượng bao gồm: Công an, dân quan tự vệ, cán bộ công chức… dựng chốt canh gác thường xuyên, liên tục cả ngày lẫn đêm ngay bên cạnh bờ sông để dễ bề kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, cái khó nhất là do vị trí sạt lở nằm khá xa khu dân cư (cách hơn 3km), lực lượng cát tặc lại thường xuyên lợi dụng đêm tối, nhất là vào các đêm mưa bão để hoạt động nên lực lượng canh gác không phát huy được nhiều hiệu quả.
“Trong công tác quản lý và xử lý, chính quyền cấp xã đang gặp rất nhiều khó khăn. Biện pháp để tháo gỡ trước mắt là báo cáo thực trạng lên UBND huyện Thiệu Hóa, các tổ liên ngành đề nghị thắt chặt công tác quản lý cũng như tuần tra, kiểm soát để hạn chế hoạt động khai thác cát trái phép đang diễn ra tại đây. Đồng thời tiến hành kiểm đếm diện tích đã mất và có biện pháp hỗ trợ sản xuất đối với các hộ dân bị mất đất”, ông Hoàn cũng cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm