Bạn đã bao giờ tự hỏi, từ khi nào ly rượu vang óng ánh sủi bọt này lại gắn liền với lễ hội?
Như một thông lệ, cứ vào đêm giao thừa, chúng ta thường trao nhau những lời chúc bên ly champagne. Bạn đã bao giờ tự hỏi, từ khi nào ly rượu vang óng ánh lại gắn liền với lễ hội?
Xa xôi hơn, bạn có biết vì sao người ta khám phá ra loại thức uống này? Nếu chưa, hẳn bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng đáng lý ra chúng ta đã không có một sâm-panh (champagne) như ngày nay.
Từ một tai nạn...
Champagne vốn là tên của một vùng sản xuất rượu ở Pháp, nhưng từ lâu họ luôn phải nấp sau cái bóng của “người anh em” vùng đông nam là Burgundy với loại rượu đỏ hảo hạng. Đặc thù khí hậu lạnh ở miền bắc gây khó khăn trong quá trình trồng nho ủ rượu. Nhưng cũng chính nhờ vậy mà rượu champagne ra đời – đến từ một “tai nạn”.
Trong sản xuất, men rượu sẽ phân giải đường từ nho và chuyển hoá thành cồn và CO2. Thông thường đường sẽ được chuyển hoá gần như hoàn toàn, nhưng trong khí hậu lạnh, nhiệt độ có thể giảm sâu vào mùa thu (cũng là giai đoạn ủ rượu) tới mức men rượu không còn hoạt động nữa. Do đó trong thành phẩm sẽ còn lại đường chưa phân giải.
Đây hoàn toàn không phải là chủ đích ban đầu, nhưng nếu không có những phương pháp kiểm soát nhiệt độ, ngay cả những “nghệ nhân” như Dom Perignon cũng phải chấp nhận rằng một số thành phẩm sẽ không “chuẩn”.
Quy trình sẽ được tiếp tục khi rượu được đóng vào chai và tiêu thụ ra thị trường. Vấn đề là khi mùa xuân tới, nhiệt độ cao sẽ “đánh thức” men rượu và phân giải lượng đường còn lại – một quy trình sẽ sản sinh ra khí CO2. Lúc bấy giờ, hơn một nửa số chai rượu bị bể do nổ khí từ áp suất.
… trở thành rượu hảo hạng
Sự ra đời không mấy suôn sẻ khiến rượu champagne luôn bị xem là thất bại trong hàng thế kỷ ở Pháp. Mặc dù vậy, vùng đất Champagne lại luôn được giới quyền quý tin tưởng. Bắt đầu từ năm 898, nhà vua sẽ lên ngội tại điện Reims đặt tại thủ phủ của khu vực này. Vì vậy rượu ở đây luôn được sử dụng tại các buổi tiệc hoàng gia, giữ ngôi vị là thức uống của vua chúa và giới cầm quyền.
Vào thế kỉ thứ 17, thứ rượu “lỗi” có bước chuyển mình vĩ đại. Vào năm 1662, 30 năm sau khi Dom Perignon sản xuất những chai rượu đầu tiên ở Champagne, nhà khoa học người Anh Christopher Merret nhận ra rằng đường là tác nhân của quá trình carbonat hoá, do đó người làm rượu có thể thêm một lượng đường nhỏ để kiểm soát hiệu ứng này. Tại Anh, thứ rượu này hoá ra lại không bị cho là “lỗi”. Ngược lại, theo Merret, nhờ có đường mà rượu sủi bọt, óng ánh và có linh hồn hơn.
Dĩ nhiên, một khi Pháp nhận ra tiềm năng của thị trường tại Anh Quốc, rượu champagne được chú ý nhiều hơn cả. Từ đầu thế kỷ 18, vua Philippe II, Công tước xứ Orleans, bày tỏ sự yêu thích của mình với champagne, và kể từ đó, người Pháp bắt đầu chen nhau để được sở hữu những chai vang óng ánh này.
Cải thiện sản xuất
Rượu champagne được chăm chút kĩ hơn trong khâu sản xuất, và những tiến bộ khoa học – kĩ thuật cũng được áp dụng trong thời kì cách mạng công nghiệp. Vỏ chai được sản xuất dày hơn, có thể chịu được áp suất cao từ CO2 trong rượu. Đường cũng được thêm vào mùa xuân với liều lượng được tính toán trước để kích hoạt quá trình lên men thứ cấp – mà sau này chúng ta biết đến với cái tên mỹ miều là “methode champenoise”.
Vào đầu thế kỷ 19, quy trình loại bỏ cặn lắng đọng dưới đáy chai từ tế bào men chết (goi là “degorgement”) được cải thiện. Madame Clicquot là người đã phát minh ra hệ thống giúp đẩy cặn men lên cổ chai để loại bỏ dễ dàng hơn, với mục tiêu sản xuất ra một loại rượu “trong như nước suối”.
Thăng trầm
Cuộc cách mạng công nghiệp cũng giúp champagne tiếp cận những thị trường mới và nhanh chóng trở thành loại rượu được yêu thích trong xã hội. Góp một phần không nhỏ vào thành công đó là các chiến lược marketing từ các nhà sản xuất vang như Moet. Năm 1866, Moet thuê George Leybourne để viết ca khúc “Champagne Charlie”, gắn liền thứ rượu này với những bữa tiệc linh đình của giới quý tộc và hoàng gia, và do đó ai thưởng thức rượu cũng sẽ được xem như “ông hoàng”.
Thị trường xuất khẩu rượu cũng không kém phần nhộn nhịp với sự chú ý của Nga. Để phù hợp với khẩu vị của người dân Nga, rượu champagne được thêm nhiều đường hơn – một điều trái ngược hoàn toàn với khẩu vị của dân chúng Anh Quốc. Chính điều này là tiền đề để ra đời thang đo độ ngọt của rượu mà chúng ta dùng ngày nay.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Vào cuối thế kỉ 19, đại dịch phylloxera đã tàn phá các cánh đồng trồng nho trên toàn châu Âu. Đầu những năm 1900, hơn 70% diện tích trồng nho tại Pháp bị phá huỷ. Không lâu sau, các cánh đồng trở thành chiến trường khi Thế Chiến I nổ ra. Cùng thời điểm, tuyên ngôn cộng sản của Karl Marx cũng gây ảnh hưởng tới thị trường rượu champagne hảo hạng tại Nga, đóng lại cánh cửa giao thương với quốc gia này.
Cuộc Đại Khủng hoảng và Thế chiến II tiếp tục khiến sản xuất bị đình trệ trong nhiều năm liền. Mãi cho đến khi chiến tranh thế giới kết thúc với thắng lợi của phe đồng minh, những chai vang mới được khui trở lại.
Nhà sử học về rượu Don Kladstrup đã nói rằng “vụ nổ cuối cùng của chiến tranh là âm thanh của chai vang". Chính vì giá trị của nó mà một hệ thống đã được ra đời vào năm 1936 nhằm kiểm tra chất lượng và đặt tên cho rượu. Một loại rượu chỉ được gọi là rượu champagne khi nguyên liệu nho sử dụng được trồng ở khu vực Champagne.
Còn tiếp Phần 2: Câu chuyện Sâm-panh - tới bài học marketing
Có thể bạn quan tâm