Larry Ellison, cái tên luôn xuất hiện trong top 5 những nhân vật siêu giàu do tạp chí Forbes bình chọn trong những năm gần đây.
Ông là nhà sáng lập, CEO, nhà đầu tư và là tỷ phú trong lĩnh vực sáng tạo, phát triển, sản xuất và kinh doanh phần mềm máy vi tính.
Với tố chất kinh doanh và bản tính lì lợm, ông đã sáng lập Tập đoàn phần mềm quốc tế Oracle và điều hành vượt qua khó khăn, trở thành một trong những tập đoàn công nghệ hùng mạnh trên thế giới, chỉ xếp thứ 2 sau Microsoft, xây chắc vị trí trong top 5 những tỷ phú hàng đầu trên thế giới.
Một trong những bí quyết thành công của Larry Ellison đó là thường xuyên trò chuyện, quan tâm đến đội ngũ nhân viên. Ông rất ghét những nhân viên chỉ biết phục tùng, bởi một nhân viên giỏi phải là người có chính kiến mạnh mẽ và sẵn sàng phản bác lại cấp trên vì lợi ích phát triển chung. Larry Ellison đã chấm dứt con đường học vấn của mình vào năm thứ 2 tại Trường đại học Illinos Urbana - Champaign (Mỹ). Sau đó, ông quay về quê nhà ở Chicago làm việc cho Tập đoàn Ampex, với sản phẩm đầu tay là phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu cho CIA có mật hiệu là “Oracle”. Đây cũng là tên Larry sử dụng chính thức cho công ty sau này.
Vào những năm 70 của thế kỷ trước, khi máy vi tính đang trên đà thịnh hành, nhu cầu về các phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu là điều cần thiết. Nhanh chóng nắm bắt xu thế thị trường, năm 1979 Larry cùng các đồng sự liều lĩnh tiên phong thành lập một công ty tư nhân Oracle với số vốn ban đầu 2.000USD, trong đó 1.200USD từ tiền túi của chính ông.
Lấy cảm hứng từ học thuyết của Edgar F. Codd, một chuyên gia công nghệ thông tin của Tập đoàn IBM, Larry Ellison đã phát triển, hoàn thiện các tính năng của phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đầu tay Oracle và tung ra thị trường phiên bản “Oracle version 2”.
Tại thời điểm đó, phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu của Oracle ứng dụng tốt nhất cho các doanh nghiệp lớn tại Mỹ, giúp quản lý và cải thiện năng suất khiến các đơn đặt hàng xuất hiện ngày một nhiều hơn. Tên tuổi Oracle dần dần có uy tín trên thị trường. Đến những năm 1980, các phiên bản Oracle 3, 4 và 5 lần lượt được tung ra và doanh thu công ty lần đầu tiên cán mốc 55 triệu USD trong năm 1986.
Tuy nhiên, xuất phát điểm là chuyên gia về công nghệ thông tin, nên việc điều hành công ty khởi nghiệp đang trên đà phát triển trở nên khó khăn đối với Larry Ellison. Vì quá ảo tưởng vào những thành công ban đầu của Oracle, ông đã đề xuất buộc nhân viên phải tăng 100% doanh số bán hàng, điều này tạo ra áp lực cực kỳ khủng khiếp cho đội ngũ nhân viên.
Để đạt được yêu cầu công ty đưa ra, các bộ phận phải báo cáo doanh thu ảo, làm lệch doanh số bán hàng một cách trầm trọng. Đến năm 1990, công ty bắt đầu thiếu hụt nguồn vốn hoạt động và Larry Ellison buộc phải cắt giảm 10% nhân sự. Chưa dừng lại ở đó, Oracle lúc này chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ cạnh tranh, các công ty phát triển phần mềm khác trông chờ ngày Oracle sụp đổ sẽ lập tức chia năm xẻ bảy để giành lấy thị phần.
Đứng trước bối cảnh khó khăn, Larry Ellison, đã nhanh chóng thay đổi những vị trí lãnh đạo trước đây vốn là những kỹ sư công nghệ thông tin bằng những nhà quản lý chuyên nghiệp, đồng thời tập trung phát triển các phiên bản Oracle tiếp theo nhằm tạo ra sự đổi mới trên thị trường.
Hơn thế, Larry Ellison còn tự nhận khuyết điểm vì chậm chạp trong việc xử lý các vấn đề và sai lầm trong chính sách phát triển của công ty. Từ đó, ông yêu cầu nhân viên phải đưa ra ý kiến và phản biện ngay trước những yêu cầu về công việc.
Bởi việc phản biện sẽ tạo nên ra những ý tưởng mới tốt hơn và đạt được hiệu quả công việc cao hơn. Và kết quả của sự điều chỉnh này đã giúp Oracle tạo ra một đội ngũ nhân lực biết cạnh tranh, có những người trong số họ sau này đã trở thành những đối thủ cũng như đối tác lớn của Oracle.
Sự khiêm tốn đúng lúc và điều chỉnh thái độ làm việc kịp thời đã giúp ông tìm lại được sự tin tưởng nơi các nhân viên và các cổ đông của công ty, giúp ông đưa Oracle thoát khỏi bờ vực phá sản.
Sự thay đổi hợp lý và chiến lược đúng đắn của Larry Ellison đã đưa Oracle trở lại thị trường. Năm 1992, Oracle phiên bản thứ 7 được phát hành và ngay lập tức làm mưa làm gió trên thị trường, nhanh chóng vượt mặt các đối thủ cạnh tranh lúc bấy giờ.
Năm 2002, Oracle trở thành tập đoàn quốc tế với tổng doanh thu lên đến 9,2 tỷ USD, với hơn 42.000 chuyên viên IT, trở thành tập đoàn sản xuất phần mềm lớn thứ 2 trên thế giới và là đối thủ cạnh tranh vĩ đại nhất của Microsoft.
Ngay sau khi giúp công ty vượt thoát khủng hoảng, Larry Ellison đã thâu tóm hàng loạt công ty đối thủ, đem về những bằng sáng chế quan trọng trong việc phát triển phần mềm máy vi tính. Năm 1992, ông đã chi 2 triệu USD đầu tư vào công ty starup Salesforce do Marc Benoiff, học trò của ông tại Oracle thành lập.
Khi alesforce đủ lớn và bắt đầu cạnh tranh trực tiếp với Oracle, Salesforce đã tạo áp lực để buộc ông phải tự rời bỏ hội đồng quản trị của công ty.
Tuy nhiên, Larry Ellison không dễ bị bắt nạt, ông nhanh chóng xoay chuyển tình thế, khiến Marc Benoiff phải ra quyết định sa thải mình. Điều này đồng nghĩa với việc ông được giữ lại toàn bộ cổ phiếu của Salesforces. Sự phát triển của Salesforce sau này đã mang về cho ông một khoản lợi nhuận đáng kể dù cho Oracle và Salesforce luôn đối đầu trực tiếp với nhau.
Chưa dừng lại ở đó, Larry Ellison luôn muốn thâu tóm hầu hết các mảng khác của ngành công nghệ thông tin để sở hữu những công nghệ và phần mềm mới cho Oracle. Năm 2004, Oracle thâu tóm công ty PeopleSoft, chuyên cung cấp phần mềm quản lý nhân lực với giá 10,3 tỷ USD.
Mặc dù phi vụ này lại vấp phải sự chống đối mạnh mẽ từ mọi phía, do lo sợ độc quyền chi phối, thậm chí chính phủ Mỹ đứng ra can thiệp. Tuy nhiên, Larry Ellison không chịu khuất phục, một mặt ông tiếp tục đàm phán với Peoplesoft, đồng thời phản đối những cáo buộc, thậm chí hầu tòa với Bộ Tư pháp Mỹ.
Kết quả, chỉ trong vòng 18 tháng đấu tranh, ông đã thâu tóm và sở hữu hàng loạt công nghệ mới từ PeopleSoft để bổ sung và ngày càng hoàn thiện hơn những sản phẩm tiếp theo của Oracle.
Sau những thương vụ thâu tóm hàng tỷ USD và sự thành công trên thị trường, Larry Ellison đã xây dựng Oracle trở thành một tập đoàn hùng mạnh, đứng thứ 2 trên thế giới trong lĩnh vực sáng tạo, phát triển, sản xuất và kinh doanh phần mềm máy vi tính. Ông còn là hình mẫu để xây dựng nhân vật Iron man - Tony Stark, một ông trùm công nghệ tài năng, giàu có và là tay chơi thứ thiệt trong loạt phim bom tấn Iron Man và Avenger của hãng phim Marvel.