CEO Mai Nguyễn và khát vọng “xướng danh văn hoá ẩm thực Việt Nam”

Bảo Loan 19/10/2019 10:30

F&B là một ngành đang rất phát triển tại Việt Nam, tuy nhiên có một nữ CEO trong lĩnh vực này không kinh doanh vì “xu hướng”mà chị đang cống hiến với một khát vọng nâng tầm văn hoá ẩm thực Việt Nam.

Đã từng mất 10 năm để gây dựng một đế chế kinh doanh trong lĩnh vực làm đẹp cho phụ nữ Châu Phi, nữ doanh nhân Mai Nguyễn quyết tâm để lại mọi thứ đã có ở lục địa đen, trở về Việt Nam với khát vọng cháy bỏng: phải nâng tầm được văn hoá ẩm thực của Việt Nam tại chính cái nôi văn hoá Việt Nam, để một ngày nào đó mang món ăn quê hương và văn hoá ẩm thực quê hương đi kinh doanh khắp thế giới.

Có thể bạn quan tâm

  • Xây dựng thương hiệu văn hoá ẩm thực Việt Nam

    06:10, 16/02/2018

  • Khám phá đêm văn hóa ẩm thực APEC 2017

    20:48, 06/11/2017

  • GS Phan Văn Trường chỉ ra điểm lưu ý về văn hóa ẩm thực các doanh nhân cần nhớ khi đàm phán với đối tác nước ngoài

    15:47, 25/04/2019

- Người ta đã quen gọi chị Mai Nguyễn - người sáng lập ra nhà hàng Thành cổ và là Tổng giám đốc điều hành Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Baobab với cái tên "Mai Thành Cổ", thời gian gần đây người ta cũng đồn đoán rất nhiều về việc chị "đóng cửa" nhà hàng?

Với mọi người nhìn vào, đúng là tôi đã không còn kinh doanh tại nhà hàng Thành Cổ trên phố Hoàng Cầu nữa. Tôi gọi đây là giai đoạn "thất bại tạm thời" của mình và nhà hàng đã phải đóng cửa mang tính chất vật lý. 

Tuy nhiên, tình yêu mãnh liệt với ẩm thực Việt, với khao khát kinh doanh "văn hoá ẩm thực", tôi chỉ lựa chọn để mình dừng lại một thời gian rất ngắn, nhưng dừng lại để rồi đi tiếp một cách chắc chắn và bền vững hơn. 

- Từng kinh doanh nhiều mô hình và đã rất thành công ở nước ngoài, quyết định trở về Việt Nam, dồn mọi tâm huyết để nâng tầm ẩm thực Việt. Cho đến thời điểm này, chị có từng hối hận?

Tôi luôn tự hào về công việc kinh doanh văn hoá ẩm thực của mình và sẽ "sống chết" với mục đích nâng tầm ẩm thực Việt Nam. Tôi không hối hận cho quyết định này dù đã bạc nửa mái đầu và trả giá đắt bằng thời gian, tiền bạc của mình.

Kinh doanh ẩm thực không chỉ là kinh doanh

"Kinh doanh ẩm thực không chỉ là kinh doanh "đồ ăn" mà phải làm sao đặt được món ăn đó vào trong một không gian văn hoá"

Nhưng tôi rất buồn khi ở Việt Nam, những người kinh doanh trong lĩnh vực F&B chúng tôi chỉ được coi là những ông, bà chủ nhà hàng đơn thuần. Ít người đánh giá nhà hàng, nhất là nhà hàng Việt Nam bản chất là một chuỗi cung ứng, một chuỗi  giá trị - nó vừa là một nhà máy sản xuất, vừa có vận chuyển hàng hoá, vừa có hoạt động bán lẻ, dịch vụ khách hàng.

Nếu như ví mỗi người đầu bếp Việt Nam là một nghệ nhân, một tác giả của tác phẩm nghệ thuật ẩm thực Việt thì những doanh nhân chúng tôi là những người đang nỗ lực để nâng tầm giá trị ẩm thực đó. Người ta đã nhớ đến việc tôn vinh những nghệ nhân làm bếp, nhưng lại "bỏ quên" những người ngày đêm suy nghĩ phải làm sao để lan toả sản phẩm đó. Đã đến lúc chúng ta phải ghi nhận, tôn vinh những doanh nhân kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực.

- Tâm huyết với lĩnh vực F&B nhưng cái giá đổi lại của chị là việc đóng cửa tạm thời đứa con tinh thần của mình trong giai đoạn đã sắp chạm đỉnh thành công. Vậy cái "được" của chị cho đến thời điểm hiện tại?

Tôi nhận thấy ẩm thực chính là điểm đặc sắc nhất, là mũi nhọn của du lịch, là thương hiệu của Việt Nam. Kinh doanh trong lĩnh vực này vòng đời lặp lại nhanh, tần suất của một lần đón tiếp phục vụ bán hàng đạt rất nhiều lượng khách, biên độ lợi nhuận hấp dẫn, rất lý tưởng để làm IPO nếu doanh nghiệp có kế hoạch xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ... 

Tôi nhận thấy ẩm thực chính là điểm đặc sắc nhất, là mũi nhọn của du lịch, là thương hiệu của Việt Nam.

"Tôi nhận thấy ẩm thực và văn hoá ẩm thực chính là điểm đặc sắc nhất, là mũi nhọn của du lịch, là thương hiệu của Việt Nam"

Tuy nhiên, thị trường F&B Việt Nam đang phát triển nóng, hầu như tất cả các nhà hàng chỉ có thể tồn tại được 3 đến 5 năm và mất xu hướng. Ngay cả các chuỗi lớn cũng gặp phải vấn đề này vì thói quen tiêu dùng thay đổi rất nhanh của khách hàng.

Tất nhiên để có những "kinh nghiệm thương đau" cho mình" :đóng cửa tạm thời nhà hàng Thành Cổ, ngoài thời gian, tôi còn mất hàng chục tỷ. Nhưng đổi lại chúng tôi đã tìm ra được công thức “từ khởi nghiệp đến thành công bền vững cho mô hình kinh doanh lĩnh vực F&B”.

- Trong công thức khởi nghiệp của chị, vấn đề quản trị, quản lý có ảnh hưởng như thế nào đến việc thành công – thất bại của mỗi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp F&B?

Ai kinh doanh trong lĩnh vực này cũng sợ rủi ro về quản trị, quản lý, bởi chưa có doanh nghiệp F&B nào tại Việt Nam đã IPO thành công, nên chưa có chỉ số kinh doanh ngành để đối chiếu.

Cũng ít người nghĩ là có thể đóng gói thành công và nhân bản mô hình kinh doanh ẩm thực Việt, ít người nghĩ rằng một chủ doanh nghiệp khởi nghiệp nhà hàng là một CEO thực thụ như các CEO của những ngành nghề khác. Thật ra, họ cũng không khác gì một Founder hay một CEO bình thường cả, thậm chí CEO ngành này còn đòi hỏi kiến thức, sức lực, sự linh hoạt, và tinh tế hơn rất nhiều.

Vì vậy, quản trị, quản lý không chỉ là là một nhân tố nhỏ ảnh hưởng đến sự thành bại của doanh nghiệp mà nó là những điều quan trọng nhất. Bất cứ một doanh nhân khởi nghiệp nào trong lĩnh vực này cũng phải hiểu và quản trị, quản lý đúng cách mới có thể thành công.

- Chị nghĩ sao với mục tiêu phát triển bền vững: không để ai bỏ lại phía sau?

Trong quan niệm của tôi, tôi không muốn bất cứ một doanh nhân, chủ nhà hàng, chủ quán ăn, chủ doanh nghiệp nào đã và đang và sẽ kinh doanh trong lĩnh vực F&B bị "bỏ lại phía sau", phải ngã vào những vũng lầy trước đây chúng tôi đã từng ngã.

Bản thân tôi đang bắt đầu lại với một hướng đi khác, nhưng trước mắt tôi sẽ chia sẻ miễn phí  toàn bộ những kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm, những nỗi đau, cũng như những quy trình, hệ thống,... mà đội ngũ Thành Cổ đã tạo ra dưới sự hướng dẫn tư vấn của chuyên gia Hà Lan do Hà Nội SME giới thiệu.

Chúng tôi đã nhận được sự tư vấn của rất nhiều chuyên gia Việt Nam khác và các anh chị doanh nhân lớn, các chủ tịch câu lạc bộ, hiệp hội,... để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh ngành F&B nói chung và ngành nhà hàng nói riêng.

Kinh doanh ẩm thực không chỉ là

"Tôi không muốn bất cứ một ai đi "lạc đường" hay ngã vào những vũng lầy mà bản thân chúng tôi khi mới khởi nghiệp đã từng gặp phải"

Trải qua những lúc chỉ có một mình, không "bám víu" được vào ai, tôi mong muốn tạo lập cộng đồng để những người có đam mê trong lĩnh vực F&B cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, chia sẻ khó khăn. Tôi tin rằng những người cùng chí hướng mới có thể giúp đỡ nhau, kết nối giao thương, cùng nhau thực hiện các dự án tiềm năng, cùng nhau tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh nhất.

- Vậy khi đã có những kinh nghiệm, công thức riêng cho mình, tới đây chị có chiến lược gì để khởi động lại các dự án mà bản thân đang ấp ủ cũng như thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng F&B?

Trước tiên, tôi sẽ nỗ lực hết mình để tạo lập một cộng đồng - hội nhóm những người đang kinh doanh nhà hàng, quán cafe… để cùng đem lại giá trị tốt nhất cho khách hàng, cho đối tác, cho bản thân và cho nhân viên của mình. Đồng thời, sẽ xây dựng hệ thống đào tạo: kinh doanh thực chiến ngành F&B cùng với các chuyên gia Baobab. Hệ thống quản trị có ứng dụng công nghệ ERP- AI mà chúng tôi đã đầu tư tâm huyết xây dựng được trong những năm qua cũng sẽ được hoàn thiện hơn.

Và chắc chắn rằng tôi sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh tiên phong “xướng danh văn hoá ẩm thực Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế” với dự án nhà hàng Thành Cổ, việc kêu gọi vốn, huy động nguồn lực để khởi động lại dự án sẽ được thực hiện.

Xin cảm ơn chị và chúc BaoBab ngày một thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
CEO Mai Nguyễn và khát vọng “xướng danh văn hoá ẩm thực Việt Nam”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO