Vừa thay "áo" mới bằng cách in hình "cha đẻ" lên bao bì, nhưng chỉ sau vài ngày gạo ST25 thị trường đã xuất hiện bao bì y chang.
Ngày 17/9, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua - cha đẻ gạo ST25 - cho biết để ngăn chặn tình trạng "loạn" gạo ngon nhất thế giới năm 2019 như thời gian qua, từ đầu tháng 8 năm nay, doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) của ông đã tung ra thị trường gạo ST25 (loại túi 5kg), có in hình của ông và tem chống hàng giả.
Tuy nhiên, sau khi có mặt trên thị trường được vài ngày, tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã xuất hiện sản phẩm nhái "Gạo ông Cua".
Ông Cua bức xúc: “Tôi mong các cơ quan chức năng quan tâm và sớm vào cuộc để bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy trên mỗi túi gạo của doanh nghiệp tôi đều có mã QR code để quét kiểm tra gạo thật giả, nhưng người tiêu dùng ít quan tâm, chỉ thấy trên bao bì có in hình tôi nên an tâm chọn. Việc dễ dãi này tạo điều kiện cho một số người trục lợi”.
Đại diện DNTN Hồ Quang Trí cũng cho biết từ ngày 11/7, doanh nghiệp đã áp dụng tem chống hàng giả trên tất cả bao bì gạo ông Cua ST25 và gạo ông Cua ST25 lúa tôm (loại túi 5kg). Mã QR code được scan dễ dàng qua camera của điện thoại có kết nối internet hoặc có thể scan bằng App Zalo và App iCheck và đảm bảo bằng mã số độc nhất cho từng sản phẩm.
Phía doanh nghiệp khuyến cáo người mua nên kiểm tra tem trên sản phẩm, đọc kỹ hướng dẫn tra cứu tem chống hàng giả in trên bao bì, liên hệ số điện thoại in trên bao bì nếu có bất thường.
Việc làm giả nhãn mác bao bì gạo ST25 và bán tràn lan trên thị trường khiến người tiêu dùng không còn mặn mà với dòng gạo này sau một thời gian sử dụng. Cùng một giống lúa nhưng canh tác khác nhau cũng cho ra sản phẩm chất lượng khác nhau. Đã đến lúc cần phải có một quy chuẩn canh tác và siết chặt quản lý để dòng gạo ngon nhất thế giới năm 2019 này giữ đúng được chất lượng, tạo nên thương hiệu cho gạo Việt Nam.
Ông Hồ Quang Cua, cha đẻ của thương hiệu lúa ST25 cho biết, mỗi năm doanh nghiệp của ông cung cấp ra thị trường khoảng 3.000 tấn gạo ST25 và được đóng gói với nhãn mác đầy đủ. Trên bao bì có ghi thông tin tên DN Hồ Quang Trí, địa chỉ sản xuất, đồng thời gắn logo hình tam giác do Tổ chức Thương mại lúa gạo Toàn cầu chứng nhận. Đặc biệt, bao bì phải kèm 4 số điện thoại gồm của doanh nghiệp, vợ chồng ông Cua và bà Trịnh Kim Tuyến, cùng số điện thoại con gái.
“Nếu không phải 4 số điện thoại đó, thì đều không phải gạo do doanh nghiệp chúng tôi sản xuất”, ông Cua khẳng định.
Theo ông Cua, cùng với việc cung cấp 3.000 tấn gạo, doanh nghiệp này vừa xuất ra thị trường khoảng 4.000 tấn thóc giống, tương đương với 100.000 tấn gạo ST25 không phải do ông trồng sẽ có mặt trên thị trường.
“Các loại giống này đều do doanh nghiệp khác trồng và phân phối. Thời điểm này cũng là vụ đầu tiên của họ thu hoạch, nhưng khi phân phối đều ghi rất rõ thông tin doanh nghiệp”, ông Cua nói.
Ông Cua cũng cho biết, trên thị trường hiện có hàng chục loại gạo giả, nhái thương hiệu của ông. Gia đình ông cũng đang phản ánh đến cơ quan chức năng để vào cuộc, ngăn chặn tình trạng này.
Có thể bạn quan tâm
Hai vấn đề pháp lý “vụ gạo ST25”
04:30, 06/06/2021
Câu chuyện thương hiệu gạo ST25 và bài học cho các Start-up Việt Nam
05:12, 20/05/2021
'Cha đẻ' gạo ST25 đăng ký nhãn hiệu "GẠO ÔNG CUA" tại Mỹ
17:45, 10/05/2021
Từ vụ gạo ST25, những thương hiệu Việt nào từng dính đến tranh chấp sở hữu?
15:09, 03/05/2021