Giải ngân vốn đầu tư công - yếu tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế phục hồi sau COVID hiện rất thấp. Hầu hết các bộ, ngành trung ương giải ngân dưới 15% trong 5 tháng đầu năm.
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, trong 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư công đã thanh toán đạt hơn 102.000 tỷ đồng, bằng 22% vốn kế hoạch Thủ tướng giao, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn nước ngoài mới thanh toán được 2,9% (thấp hơn gần 10% so với cùng kỳ).
Chỉ có 7 bộ, ngành và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 25% kế hoạch. Hầu hết các bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp. 39/50 bộ và 17/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15%. Trong đó, có tới 13 bộ, ngành chưa giải ngân; 8 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân dưới 1%, như: Tổng liên đoàn Lao động, Liên minh Hợp tác xã, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật, Hội Liên hiệp phụ nữ, Ngân hàng Phát triển... Có 22 bộ, ngành giải ngân 1 - 10%, như các bộ: Nội vụ, TT&TT, KH&CN, Ngoại giao, Y tế, VH-TT&DL, GD&ĐT, Công Thương, Hội Nông dân, Viện Khoa học công nghệ…
Bộ Tài chính cho biết, năm 2021, tổng kế hoạch vốn đầu tư công trên 594.240 tỷ đồng. Trong đó, có 526.378 tỷ đồng vốn ngân sách năm nay, 67.861 tỷ đồng vốn năm trước chuyển sang.
Đáng chú ý, trong danh sách này có cả 2 bộ cầm trịch, giám sát về đầu tư công là Bộ KH&ĐT cũng mới giải ngân được 4,7% và Bộ Tài chính là 8,1%. Các địa phương giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp như: Bắc Cạn, Cần Thơ, Cao Bằng, Quảng Bình… Đáng chú ý, trong danh sách này có Hà Nội và TPHCM, với số vốn được bố trí lần lượt là 51 và 46 nghìn tỷ đồng, nhưng chỉ giải ngân được lần lượt 12,6% và 13,2%.
Đánh giá về thực trạng trên, ông Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công chậm đã được nói đến từ nhiều năm nay nhưng thực trạng không được cải thiện. Trong khi đó, đầu tư công rất quan trọng trong thời điểm hiện tại khi nền kinh tế bị tác động bởi đại dịch COVID-19. Đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục vực dậy kinh tế trong đại dịch.
“Ở đâu có vốn thì ở đó phải triển khai thật nhanh, thật đúng tiến độ và giải ngân hết, bởi vì mỗi một đồng vốn đầu tư công được giải ngân là tạo ra lợi ích rất nhiều cho nền kinh tế, chính lợi ích của địa phương, của ngành đó”, ông Cung nhấn mạnh.
Năm 2021 một trong những lý do khiến dự án đầu tư công chậm do giá thép và giá các loại vật tư, vật liệu xây dựng khác tăng cao. Các chuyên gia cho rằng, nếu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương không có chính sách và giải pháp kịp thời, phù hợp thì khó thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội đặt ra.
Bên cạnh yếu tố khách quan nhiều nguyên vật liệu tăng giá, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cũng cần nhìn nhận rõ nguyên nhân chủ quan dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, cần quy trách nhiệm cụ thể cho các bên. Đầu tiên là chính bộ, ngành khi lập dự án, dự toán để xin tiền. Tiếp đến là bên thẩm định dự án và bên phê duyệt dự án. Rõ ràng khi một dự án được chấp thuận rót vốn, thì nó đã được các bên tính toán hết các phương án thực hiện, tính khả thi.
Nêu các giải pháp nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn ODA, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, việc chậm trễ có thể do các nguyên nhân khách quan (như dịch COVID-19) hay chủ quan, nhưng từ nay đến cuối năm, giải pháp quan trọng nhất vẫn là nâng cao vai trò của các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án.
Các ban quản lý phải tích cực, quyết liệt triển khai các dự án của mình, trong đó có việc hoàn tất thủ tục đầu tư, triển khai giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng, thẩm tra khối lượng… phải hết sức nhanh chóng.
Đồng thời, các cơ quan chủ quản dự án phải chỉ đạo các ban quản lý dự án trong việc triển khai dự án, kể cả việc trình duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt các hồ sơ quyết định đầu tư, thực hiện vai trò quản lý nhà nước khác liên quan đến vấn đề đầu tư và xây dựng, sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi.
Các đơn vị cần chủ động trong việc điều chỉnh các dự toán trong phạm vi bộ, ngành. Nếu thấy thiếu nguồn lực để giải quyết trong 6 tháng cuối năm thì báo cáo Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính báo cáo với Thủ tướng Chính phủ phân bổ lại.
“Nếu giải ngân tốt vốn ODA và vốn ưu đãi nước ngoài thì sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, đồng thời chúng ta thực hiện được tốt nhiệm về tài chính, ngân sách dự toán đã được Quốc hội giao. Ngược lại, việc giải ngân nguồn vốn này đạt thấp kéo dài là đáng quan ngại. Do đó, cần có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt của toàn thể hệ thống chính trị, theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời các chủ dự án giải quyết các vướng mắc nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân năm 2021”, lãnh đạo Bộ Tài chính lưu ý.
Chúng ta đã và đang thấy được tinh thần của Chính phủ là trong giai đoạn tới, kiên quyết nói không với tình trạng “xin - cho”, công trình dở dang không hẹn ngày hoàn thành, nguồn lực phân tán... Nên có thể tin rằng, nếu tinh thần này được lan tỏa thực sự thì sẽ không còn nghe dư luận than thở về tình trạng: chậm và thấp như… giải ngân đầu tư công như hiện nay.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa công bố, Bộ Kế hoạch & Đầu tư được Thủ tướng yêu cầu tham mưu tổ chức hội nghị toàn quốc về đầu tư công trong tháng 6 nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm tiến độ, chất lượng và chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để thu hút đầu tư
00:17, 12/06/2021
Sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về đầu tư công trong tháng 6
11:00, 09/06/2021
Nguy cơ đình trệ các dự án đầu tư công do "cơn bão" tăng giá vật liệu
04:00, 04/06/2021
Hàng nghìn dự án đầu tư công cắt giảm sau Chỉ thị 13 của Chính phủ
02:00, 02/06/2021
Đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư
11:00, 24/05/2021
Giải ngân vốn đầu tư công “ách tắc” vì giải phóng mặt bằng
11:00, 12/05/2021