Nhiều lần vào tầm ngắm thanh tra, tuy nhiên đến nay đất vàng 69 Nguyễn Du vẫn đang im lìm, bất động trước hàng loạt sai phạm liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Nhiều lần vào tầm ngắm thanh tra, tuy nhiên đến nay khu đất vàng 69 Nguyễn Du vẫn đang im lìm, bất động trước hàng loạt sai phạm liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Mới đây, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam vừa công bố quyết định thanh tra một số nội dung liên quan đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại đất vàng số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
CUỘC CHUYỂN NHƯỢNG NHIỀU LẦN BỊ THANH TRA
Được biết, khu đất là biệt thự có diện tích 569,7 m2, được UBND TP Hà Nội bán chỉ định cho Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cải tạo để làm trụ sở từ năm 2009.
Theo kết luận thanh tra, PVC được phép sử dụng đất với thời hạn 50 năm và đơn vị này không được quyền chuyển nhượng, hay chuyển mục đích sử dụng đất nếu không có sự cho phép của UBND TP Hà Nội.
Ngay sau khi nhận đất, PVC đã lập dự án "Tòa nhà văn phòng 69 Nguyễn Du" với quy mô 8 tầng, diện tích xây dựng 386,7 m2, tổng diện tích sàn là 4.361 m2, với đầy đủ các điều kiện cơ sở vật vất, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng làm trụ sở cho PVC và các đối tác thuê văn phòng.
Dự kiến, dự án này có tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng, thời gian xây dựng 18 tháng, khởi công đầu năm 2009. Thời điểm đó, PVC cho biết, dự án sẽ mang lại hiệu quả đầu tư lên tới 10,9 tỷ đồng/năm, hoàn vốn sau 9 năm.
Tuy nhiên, dự án chưa kịp triển khai, cuối năm 2009, đất vàng 69 Nguyễn Du bị PVC chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành với giá 96 tỷ đồng.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thời điểm đó, công an TP Hà Nội được giao nhiệm vụ tiến hành điều tra việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án trên.
Có thể thấy vụ chuyển nhượng trái phép đất vàng 69 Nguyễn Du đã được thanh tra nhiều lần, tuy nhiên đến hiện tại khu đất này vẫn nằm trong tay "cá mập" Hợp Thành sau hơn 11 năm.
Đáng nói, theo tìm hiểu, năm 2010, ông Lê Hồng Thái đại diện cho nhóm cổ đông Ngân Hàng OceanBank và CTCP Chứng Khoán Thăng Long làm Ủy viên HĐQT cho Tổng công ty PVC. Trong khi đó, vị này cũng đồng thời là nhà sáng lập CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành.
Theo ghi nhận thực tế, hiện khu đất vàng 69 Nguyễn Du đang được sử dụng như bãi đỗ xe, bên trong khá sạch sẽ, một số xe ô tô con được đỗ ngay ngắn, có lán che riêng. Trong khi đó, tấm biển quảng bá dự án Tòa nhà văn phòng 69 Nguyễn Du đang được che bạt, cũ kỹ phai màu vì thời gian.
NHỮNG THƯƠNG VỤ THÂU TÓM ĐẦY SAI PHẠM
Bên cạnh những lùm xùm liên quan đến việc thâu tóm đất vàng từ tay PVC, Khoáng sản Hợp Thành còn nổi danh là "cá mập" với những vụ thâu tóm, sát nhập, trong đó nổi bật nhất có thể kể đến là thương vụ “nuốt” 86% vốn của Cảng Quy Nhơn với giá bèo bọt, khiến nhiều cán bộ bị kỷ luật.
Cụ thể, với tư cách là cổ đông chiến lược, Công ty Hợp Thành nắm trong tay 10% vốn Cảng Quy Nhơn – một trong 5 cảng biển thuộc sở hữu doanh nghiệp nhà nước. Năm 2013, doanh nghiệp này được chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần, trong đó Vinalines nắm giữ 75% vốn. Tuy nhiên, điều khó hiểu là sau 2 lần thoái vốn trong cùng năm 2015, Cảng Quy Nhơn không còn cổ phần của nhà nước, trong khi đó, Khoáng sản Hợp thành một bước từ 10% lên nắm giữ hơn 86% cổ phần dù doanh nghiệp này chưa từng có kinh nghiệm kinh doanh cảng biển.
Nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường, tháng 3/2007, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã yêu cầu thanh tra toàn diện quá trình cổ phần hoá cảng biển này.
Theo kết luận Thanh tra Chính phủ năm 2018, vụ việc này liên quan đến sai phạm của nhiều cơ quan, tổ chức. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị thu hồi toàn bộ 75% vốn Nhà nước tại Cảng Quy Nhơn đã bán cho Hợp Thành.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành, thành lập năm 2007 tính đến năm 2013, doanh nghiệp này có trong tay hàng loạt công ty con như Công ty Gang thép Hà Tĩnh, Công ty Sắt Vũ Quang, Công ty Hoá Cốc Hà Tĩnh, Công ty Khoáng sản Vạn Lợi Quảng Ngãi, Công ty sản xuất Sô Đa Chu Lai, Công ty Khoáng sản Miền Trung...
Cùng thời điểm này, Khoáng sản Hợp Thành cũng bắt đầu lấn sân vào hàng loạt dự án bất động sản với hàng loạt dự án lớn. Bên cạnh dự án 69 Nguyễn Du, doanh nghiệp này cũng là chủ đầu tư của các dự án Tòa nhà văn phòng Mitec tại Cầu Giấy – Hà Nội; chung cư Diamond Tower – HH3 Nam An Khánh; tòa nhà số 2 Lê Văn Lương, dự án khách sạn SeaDragon tại Quảng Ninh…
Tuy nhiên, kể từ sau thương vụ thâu tóm Cảng Quy Nhơn, tình hình kinh tế của Khoáng sản Hợp Thành có dấu hiệu tuột dốc, hàng loạt dự án của các công ty thành bị rơi vào tầm ngắm thu hồi.
Đơn cử như dự án Nhà máy thép Vạn Lợi với tổng vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng tại KKT Vũng Áng; Nhà máy tuyển quặng công suất 500.000 tấn/năm tại huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh (vốn đầu tư 158 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất than cốc có vốn 1.400 tỷ đồng và dự án Nhà máy sản xuất khí công nghiệp oxy, nito vốn 200 tỷ đồng tại KCN Vũng Áng...
Theo thông tin tìm hiểu được, hiện tại ông Lê Hồng Thái cũng đã thoái vốn hoàn toàn tại Cảng Quy Nhơn.