Châu Âu với tham vọng đa cực và "cú chuyển mình" sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

An Chi 22/03/2021 05:45

Kể từ sau Thế chiến II, Châu Âu được cho là đã lơ là với khu vực châu Á bởi những lợi ích thuộc địa đã không còn. Nhưng ngày nay, những lợi ích kinh tế thì lại đang ngày càng tăng lên...

Vào cuối năm 2017, khi trình quốc thư lên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đại sứ Australia Brendan Berne cho rằng Tổng thống Pháp sẽ mở đầu bằng những lời chúc ngoại giao và cuộc nói chuyện nhỏ. Thế nhưng, trái ngược với tưởng tượng của ông Berne, Tổng thống Macron đi thẳng vào vấn đề và khẳng định rằng nước Pháp nhận thức được tình hình bị đe dọa ở Ấn Độ -Thái Bình Dương và Australia sẽ không đơn độc!

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel là những nhà lãnh đạo Châu Âu đi tiên phong trong việc hoạch định chiến lược của châu Âu cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel là những nhà lãnh đạo Châu Âu đi tiên phong trong việc hoạch định chiến lược của châu Âu cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Chưa đầy sáu tháng sau, Tổng thống Macron đã có mặt tại Australia để công bố các phác thảo rộng lớn về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình, trong đó có cam kết Nhóm G7 sẽ đảm bảo an ninh hàng hải và trật tự dựa trên luật pháp quốc tế. 

Pháp là quốc gia châu Âu đầu tiên đưa ra kế hoạch tăng cường sự hiện diện tại khu vực, và sau đó là sự tham gia của Đức và Hà Lan. Ba quốc gia này đang dẫn đầu việc soạn thảo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Liên minh châu Âu – một chiến lược mà các nhà ngoại giao châu Âu hy vọng sẽ được công bố trong năm nay.

Thực tế cho thấy, mục tiêu của châu Âu có thể không còn là châu Á kể từ khi phi thực dân hóa sau chiến tranh, nhưng không thể phủ nhận rằng châu Âu vẫn có những lợi ích kinh tế đáng kể ở châu lục này. Thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và EU đạt tổng cộng 480 tỷ euro (582 tỷ USD) vào năm 2020, nguồn vốn FDI của EU dành cho 10 quốc gia khối ASEAN đạt 337 tỷ euro vào năm 2017 - nhiều hơn bất kỳ nhà đầu tư nào khác. Từ 8% đến 12% tổng số thương mại của Anh, Pháp và Đức đều đi qua khu vực Biển Đông.

Mặc dù khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương thường được hình dung như một khuôn khổ để kiềm chế sự xâm lược của Trung Quốc - chiến lược khu vực của Trump nhằm "ngăn chặn việc Trung Quốc phát triểncác khả năng quân sự và chiến lược", nhưng quan điểm của các quốc gia Châu Âu là giữ cho khu vực Ấn Độ - Pacific hoà bình và ổn định, không thuộc quyền sở hữu của riêng quốc gia hay vùng lãnh thổ nào. 

"Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chúng tôi hoàn toàn không nhằm chống lại Trung Quốc", Christophe Penot - đại sứ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Pháp cho biết, "điềuquan trọng là một khu vực đa cực nên được phát triển."

Để cụ thể hoá hành động, vào tháng 9/2020, nội các Đức đã thông qua các nguyên tắc luật pháp, trật tự và tự do hàng hải, đồng thời kêu gọi hợp tác với các nước có "chung hệ giá trị" như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Trong khi đó, ở một diễn biến khác, Ấn Độ lặng lẽ ủng hộ việc Pháp gia nhập Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương, khiến Pháp trở thành thành viên đầu tiên nằm ngoài khu vực Nam Á. Ông Bhaswati Mukherjee – một cựu lãnh đạo bộ phận Tây Âu tại Bộ Ngoại giao Ấn Độ, từ lâu cũng thúc giục EU triển khai một chính sách đối ngoại quyết đoán hơn.

Nhận định về tình hình, Giáo sư Kanti Bajpai tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu ở Singapore, cho biết sự hiện diện của EU sẽ dễ dàng thâm nhập vào cấu trúc an ninh của khu vực. "Điều này phù hợp với chiến lược của ASEAN khi tất cả các cường quốc lớn đều là người chơi, vì vậy tất cả các quốc gia đều hỗ trợ lẫn nhauở một mức độ nào đó."

Dễ thấy nhất sự hồi sinh của châu Âu ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chính là việc triển khai các khí tài quân sự. Cụ thể, vào năm 2019, tàu sân bay Pháp Charles De Gaulle đã cập cảng Singapore khi Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly có bài phát biểu được hoan nghênh tại Đối thoại Shangri-La.

Một máy bay chiến đấu Rafale của Hải quân Pháp đang đậu trên sàn đáp của tàu sân bay Charles de Gaulle tại Căn cứ Hải quân Changi, Singapore vào năm 2019

Máy bay chiến đấu Rafale của Hải quân Pháp đang đậu trên sàn đáp của tàu sân bay Charles de Gaulle tại Căn cứ Hải quân Changi, Singapore vào năm 2019

"Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể vạch ra con đường của riêng mình, tránh đối đầu đồng thời mang một tiếng nói đặc biệt", ông Parly nói, đồng thời kêu gọi các quốc gia cùng tham gia bảo vệ hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ. "Theo một cách thức hòa bình, đa phương, nhưng mạnh mẽ, chúng tôi hy vọng sẽ đồng hành với quá trình tái cân bằng rộng lớn đang diễn ra trong khu vực."

Ngoài ra, Paris cũng có thỏa thuận với Ấn Độ về việc sử dụng qua lại các căn cứ hải quân, cũng như khoảng 5.000 quân nhân và một chục tàu trên ba "khu vực chịu trách nhiệm thường trực" xung quanh các thực thể Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp là New Caledonia, Reunion và Polynesia.

Anh cũng dự kiến sẽ gửi một nhóm tác chiến tàu sân bay đến khu vực vào cuối năm nay, và là một phần của liên minh quân sự Năm cường quốc bao gồm các thuộc địa cũ của Australia, New Zealand, Malaysia và Singapore. Vào tháng 11/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kamp-Karrenbauer thông báo rằng các sĩ quan của Bundesmarine sẽ phục vụ trên các tàu của Australia trong các cuộc tuần tra ở Ấn Độ Dương. Berlin cũng sẵn sàng gửi một tàu khu trục nhỏ đến Nhật Bản vào mùa hè năm nay.

Ông Karrenbauer khẳng định: “EU đã là một đối tác lớn và có thể mang lại nhiều lợi ích về an ninh, thương mại tự do, cơ sở hạ tầng và viện trợ phát triển. Đó là một phần rất quan trọng trong chiến lược quốc gia của chúng tôi để theo đuổi mục tiêu có sự tham gia đầy đủ của EU".

Trong ba năm qua, EU đã ký kết các thỏa thuận thương mại tự do với Singapore và Việt Nam, cùng với một thỏa thuận quản lý khủng hoảng với hai nước này. Năm 2018, Khối cũng đã đàm phán với Australia về một FTA. Vào ngày 1/12/2020, vài tuần trước khi ký hiệp ước đầu tư với Trung Quốc, EU đã đồng ý với ASEAN nâng cấp quan hệ lên quan hệ đối tác chiến lược với định hướng tới một hiệp định thương mại.

Cũng có nhiều câu hỏi về tác động của chính quyền Biden mới đối với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của châu Âu. Phần lớn động lực thúc đẩy EU trở nên gắn bó hơn với quốc tế bắt nguồn từ những lo lắng về chủ nghĩa biệt lập của Trump và sự coi thường đối với liên minh xuyên Đại Tây Dương. Nhưng Tổng thống Biden đã cam kết sẽ tham vấn nhiều hơn với các đồng minh.

Chuyên gia Pejsova cho rằng: “Nếu Mỹ quay trở lại, điều đó thật tuyệt, nhưng thế giới không giống như cách đây 4 năm. Chúng ta đừng quên rằng trong bốn năm qua, hầu hết các đồng minh của Mỹ cũng đã làm được điều đó. Châu Âu không muốn từ bỏ toàn bộ ý tưởng tự chủ chiến lược chỉ vì Mỹ đã trở lại."

Có thể bạn quan tâm

  • Hậu Brexit: Nước Anh và cú chuyển hướng sang Châu Á (Bài 2)

    Hậu Brexit: Nước Anh và cú chuyển hướng sang Châu Á (Bài 2)

    06:00, 15/03/2021

  • Mỹ đẩy mạnh xoay trục sang châu Á

    Mỹ đẩy mạnh xoay trục sang châu Á

    05:02, 15/03/2021

  • Hậu Brexit: Nước Anh và cú chuyển hướng sang Châu Á (Bài 1)

    Hậu Brexit: Nước Anh và cú chuyển hướng sang Châu Á (Bài 1)

    07:00, 11/03/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Châu Âu với tham vọng đa cực và "cú chuyển mình" sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO