Tranh thủ vụ cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư, đã có đơn vị lấy hình ảnh này để “tung chiêu” quảng cáo bán hàng khiến dư luận bức xúc.
Việc bé gái 3 tuổi trèo qua ban công tầng 12 tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, Hà Nội), treo mình lơ lửng rồi rơi xuống, thoát chết trong gang tấc khi được người thanh niên Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi, trú tại thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, H.Đông Anh, Hà Nội) ở phía dưới đỡ kịp thời đã gây xúc động mạnh trong dư luận.
Dù sự việc đã trôi qua vài ngày nhưng khoảnh khắc bé gái 3 tuổi cheo leo trên lan can căn hộ tầng 13 trước khi bị rơi xuống đất vẫn làm nhiều người ám ảnh, không dám nhìn lại vì xót xa.
Và trong khi các các nhân, tổ chức, thậm chí cả hệ thống Chính trị đều lên tiếng khen ngợi hành động dùng cảm, kịp thời của anh Mạnh, vui mừng vì cháu bé 3 tuổi đã qua nguy hiểm, thì lại có nhiều cá nhân, đơn vị lợi dụng sự việc này, cắt ghép hình ảnh để làm quảng cáo bán cửa, lưới chắn an toàn ở ban công cho chung cư.
Cụ thể, một cơ sở, trang page bán hàng đã lợi dụng cắt hình ảnh từ đoạn clip đã ghi lại được toàn cảnh sự việc vào thời điểm bé cố gắng bám vào ban công trước khi tuột tay rơi xuống và được 1 người đàn ông đứng chờ sẵn đón đỡ.
Nhìn những hình ảnh trong clip này được cắt ghép để quảng cáo cung cấp và lắp đặt các thiết bị an toàn cho chung cư mà không khỏi xót xa. Có lẽ những hình ảnh này đến chính người quay clip, những người đã xem một lần cũng không dám xem lại lần nữa, ấy thế mà lại có cá nhân, đơn vị bất chấp tất cả, sử dụng hình ảnh này để quảng cáo bán hàng.
Đây không phải lần đầu tiên, có đơn vị lợi dụng vụ việc gây rúng động dư luận để quảng cáo bán hàng.
Còn nhớ, hồi tháng 12/2019, vụ việc em họ đầu độc bằng trà sữa chị họ vì yêu anh rể ở Thái Bình khiến 1 người lạ tử vong gây rúng động dư luận cũng các thành viên N.D tung chiêu quảng cáo đai nịt bụng khiến dân tình bức xúc.
Cụ thể, trong khi các tình tiết của vụ án mạng đầu độc chị gái bằng trà sữa đang dần được hé lộ, công an cũng đang tiếp tục quá trình điều tra để làm rõ vụ việc thì mới đây, tài khoản N.D lại tranh thủ lợi dụng vụ việc trên để quảng cáo đai nịt bụng. Tuy nhiên, giọng điệu và cách quảng cáo vô cảm lại khiến nhiều người không khỏi phẫn nộ.
Đáng chú ý, không chỉ đăng tải hình ảnh cả gia đình nạn nhân Y chụp cùng nghi phạm, tài khoản N.D còn thản nhiên đính kèm chia sẻ, "Béo như cái cối xay lúa thế kia, eo ơi là eo... Bảo sao chồng nó đi cặp bồ. May nó gửi trà sữa nên có người chết thay không thì toi... Vậy nên các chị béo thì béo chứ cứ phải giữ lấy cái eo nha".
Không chỉ miệt thị ngoại hình béo để mời mọi người sử dụng nịt bụng, tài khoản N.D còn ác ý cho rằng việc một người lạ tử vong trong vụ việc trên vẫn còn là chuyện... may mắn.
Thực tế, hình thức quảng cáo dựa trên nỗi sợ hãi đã từng được sử dụng tương đối rộng rãi trong marketing và quảng cáo trên thế giới. Con người không muốn chịu đựng đau đớn, do vậy, khơi gợi nỗi sợ của họ về cảm giác này là một cách hữu hiệu để khiến họ hành động. Đó là mục đích của quảng cáo dựa trên nỗi sợ hãi.
Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) thường được biết đến với những ý tưởng quảng cáo thông minh với mục đích nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan tới môi trường. Phần lớn các quảng cáo này sử dụng nỗi sợ hãi để kích thích hành động. Quảng cáo này về biến đổi khí hậu là một ví dụ tiêu biểu cho điều đó. WWF cung cấp giải pháp dựa trên hành động của người xem.
Trên thực tế, website tổng thể của WWF website được thiết kế để nâng cao nhận thức về hiểm họa, sau đó đem đến giải pháp. WWF cũng đồng thời hiểu rằng họ phải chứng minh mức độ nghiêm trọng của mối nguy cũng như thuyết phục những người ghé thăm website rằng họ hoàn toàn có thể giảm thiểu mối nguy này.
Tương tự, website hệ thống bảo mật video của Logitech cũng sử dụng một tiêu đề đầy “sức nặng” liên quan tới nỗi sợ hãi của các bậc phụ huynh rằng con cái họ không được an toàn. Tiêu đề: “Ai đang giám sát người trông trẻ của bạn?”
Câu hỏi đơn giản này thực sự đã “động chạm” được tới vấn đề mà nhiều cha mẹ luôn canh cánh trong lòng: Họ có thể tin tưởng được người giữ trẻ hay không? Một tiêu đề kể trên sẽ cho khách hàng thấy họ không đơn độc trong nỗi sợ mà họ đang phải đối mặt. Đặc biệt, nỗi sợ hãi này liên hệ cụ thể tới sản phẩm của Logitech: hệ thống video bảo mật trong nhà.
Chiến dịch video marketing của Logitech mang tên “Busted!” có mục đích nâng cao mức độ nghiêm trọng của mối nguy, thứ có thể được giảm bớt bằng sản phẩm của họ. Logitech cũng có những video được đóng góp bởi chính các khách hàng, chứng minh hiệu quả thực sự của sản phẩm công nghệ này.
Hay như đã từng có một dạng khác của kỹ thuật marketing dựa trên nỗi sợ hãi có gồm việc gây ra các phản ứng dựa trên cảm xúc nhiều hơn. Điều này từ lâu đã được các tổ chức từ thiện và tổ chức cứu trợ sử dụng. Họ sử dụng nỗi sợ làm yếu tố trung tâm: sợ rằng một đứa bé có thể qua đời và sợ rằng bản thân bạn không làm những việc cần thiết để khiến thế giới nhờ có mình mà trở nên tốt đẹp hơn. Trong ví dụ này từ website của Save the Children, hình ảnh một em bé đói khát thu hút mọi sự chú ý của người xem trong khi phần chữ tác động mạnh tới lý trí của họ.
Thông thường, các tổ chức cứu trợ như Save the Children thường xuyên gặp phải những tình huống mà con người trong đó đứng giữa lằn ranh sự sống và cái chết. Quảng cáo này làm nổi bật một nỗi sợ hãi được biết đến rộng rãi và gợi ý rằng người xem có thể thực hiện một hành động cụ thể để giải quyết vấn đề.
Có thể thấy, quảng cáo dựa trên nỗi sợ hãi luôn có một dạng kinh điển đó là tận dụng nỗi sợ bỏ để đánh vào tâm lý của khách hàng. Tuy nhiên không phải lúc nào hình thức quảng cáo này cũng đem lại hiệu quả nếu những thông điệp chỉ tập trung vào nỗi sợ hãi mất mát có thể xảy ra.
Bởi quảng cáo dựa trên nỗi sợ hãi sẽ rất có ích để thu hút sự chú ý ở bước đầu, tuy nhiên, nó sẽ phản tác dụng khi biến thành một cuộc giao dịch như câu chuyện lấy hình ảnh của bé gái 3 tuổi rơi từ chung cư 12 tầng để "câu khách" hay hình ảnh của gia đình nạn nhân Y chụp cùng nghi phạm trong vụ việc em họ đầu độc bằng trà sữa chị họ vì yêu anh rể ở Thái Bình khiến 1 người lạ tử vong để bán hàng như đã đề cập tới trong bài viết.
Xin hỏi, với nỗi sợ hãi quá lớn vừa xảy ra, cùng với những hình ảnh xót xa mà như đã nói ở trên, ngay cả đến người quay video còn không dám xem lại thì liệu khách hàng có thể mua sản phẩm của đơn vị này hay không? Có nhân văn hay không khi đem hình ảnh "ngàn cân treo sợi tóc" của một đứa trẻ 3 tuổi để làm hình ảnh quảng cáo bán hàng?
Tại sao không tận dụng thời điểm này để xây dựng những ý tưởng quảng cáo riêng của mình, có thể mang tới những thông điệp tích cực từ việc sử dụng lan can an toàn cho chung cư để bảo vệ những người dân sống trong chung cư, thay vì dùng hình ảnh sợ hãi đến phải nín thở, thót tim mà phần đông người dân Việt Nam vừa trải qua trong mấy ngày dần đây.
Thật sự, nếu nói về quảng cáo, có lẽ việc dùng hình ảnh bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư là màn quảng cáo vô cảm nhất từ trước đến nay mà người viết từng được biết. Việc dùng hình ảnh xót xa của cá nhân, nhất lại là một bé gái mới lên 3 để quảng cáo bán hàng là việc làm rất phản cảm. Thay vì khách hàng mua sản phẩm, có thể họ sẽ quay lưng lại, tẩy chay sản phẩm này bởi chẳng có tí đạo đức nào khi lấy câu chuyện đau buồn ra làm chỗ "câu tiền".
Dù bán gì đi nữa nhưng cũng không nên nhẫn tâm, vô cảm như thế. Bán hàng mà lấy nỗi đau của người ta ra để quảng cáo sản phẩm thì đúng là không chấp nhận được.
Có thể bạn quan tâm
07:00, 02/03/2021
06:00, 19/05/2018
11:23, 02/03/2021
05:00, 03/03/2021
20:02, 01/03/2021
13:44, 01/03/2021