Hàng trăm người tại các huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ… (Thái Bình) đã chuyển số tiền hàng trăm triệu đồng nhờ “chạy” chế độ, cuối cùng tiền mất tật mang.
Cơ quan An ninh điều tra – Công an tỉnh Thái Bình cho biết, đơn vị này vừa ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Trần Thị Kiêm (huyện Hưng Hà, Thái Bình) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 4, Điều 174 Luật Hình sự. Quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn ngày 13/1/2020.
Theo đơn tố giác tội phạm, đối tượng Trần Thị Kiêm tự nhận mình có mối quan hệ với lãnh đạo LĐTBXH, có thể “chạy” được chế độ nạn nhân chất độc da cam, chế độ thương, bệnh binh. Tin lời Kiêm, nhiều người dân ở huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ đã đưa tiền để nhờ “chạy” chế độ với tổng số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian dài không có kết quả, người dân đòi lại tiền nhưng Kiêm không trả mà còn lẩn trốn.
Nghi ngờ bị lừa, nhiều người dân đã viết đơn gửi cơ quan công an tố cáo hành vi lừa đảo của Kiêm. Hiện vụ việc đang được cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Thái Bình tiếp tục mở rộng điều tra để xử lý theo luật định.
Được biết, thời gian gần đây không riêng gì Thái Bình rất nhiều địa phương khác cũng đã xảy ra tình trạng này. Chỉ mới đây, tháng 12/2019 Công an tỉnh Thái Bình cũng đã khởi tố 5 cán bộ ngành LĐTBXH và một người dân, tội môi giới hối lộ, nhận hối lộ trong đường dây “chạy” chế độ chất độc màu da cam. Các đối tượng này đã nhận hàng trăm triệu đồng của nhiều cá nhân trong và ngoài tỉnh Thái Bình để "chạy chế độ" chất độc da cam. Khi không làm được, các đối tượng này cũng không trả lại số tiền đã nhận.
Tại Nghệ An, Hà Tĩnh “nổ” mình có khả năng chạy chế độ thương binh để hưởng trợ cấp hàng tháng, Tạ Thị Vân cùng đồng phạm đã lừa đảo hơn 1000 người tại hai tỉnh này. Tuy nhiên, chỉ có 321 trường hợp làm đơn tố cáo với tổng số tiền bị trục lợi gần 13 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
17:19, 23/05/2018
07:39, 27/07/2018
06:16, 08/10/2018
Luật sư Nguyễn Văn Thuận – Giám đốc Công ty luật Bạch Đằng Giang, đoàn luật sư Hải Phòng cho biết, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định, trường hợp người trực tiếp hoặc hỗ trợ để người khác thực hiện hành vi gian lận để hưởng chính sách có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS) với mức phạt cao nhất là tù chung thân; hoặc Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức với mức phạt cao nhất lên đến 07 năm tù.
Đồng thời, người vi phạm sẽ buộc hoàn trả số tiền ưu đãi đã được hưởng, bồi thường thiệt hại, bị phạt tiền. Trường hợp hành vi vi phạm có liên quan chưa tới mức xử lý hình sự, người vi phạm vẫn bị xử lý vi phạm hành chính, kỷ luật áp dụng đối với cán bộ công chức vi phạm.
Từ sự việc của Thái Bình đến việc 1.800 hồ sơ người có công sai phạm được phát hiện từ năm 2006 đến năm 2017 mới thấy việc làm giả hồ sơ thương binh diễn ra khá công khai, gây bức xúc trong xã hội. Trong khi nhiều trường hợp người có công vì nhiều nguyên nhân mà họ không giữ được giấy tờ gốc, không có người làm chứng nên chưa được công nhận khiến chúng ta day dứt thì bên cạnh đó những đối tượng chưa một ngày phục vụ trong quân ngũ, biết cách “chạy chọt” nghiễm nhiên trở thành thương binh, hàng tháng nhận trợ cấp.