Cái chết thương tâm của hai cô gái do thủy điện Dray H'linh 1 (Đắc Lắc) xả nước bất thình lình để lại nhiều dấu hỏi. Quy trình là gì? Bản thân quy trình có lạnh như tiền trước mạng sống con người?
Khu vực nước cuốn trôi 2 cô gái. Ảnh NLDO
Quy trình cũng do con người nghĩ ra, nên cũng có thể điều chỉnh khi thấy bất hợp lý. Nếu xét quy trình, phía nhà máy thủy điện có đầy đủ lý do để "ngoại phạm" trong trường hợp này. Vì họ chỉ là đơn vị thừa hành theo lệnh điều động bất ngờ của Trung tâm điều độ quốc gia.
Nhưng, một lần nữa cho thấy cách thừa hành máy móc, rập khuôn tai hại như thế nào. Giá như nhà máy thủy điện phát đi một cảnh báo cách đó vài giờ trước khi xả nước; giá như những người thừa hành đặt cái tâm vào công việc mình đang làm; giá như tôn trọng sinh mạng người dân; giá như họ nhiệt tình hơn trong công tác tuyên truyền đến người dân…
Bản thân quy trình luôn mang tính tích cực, quy trình được xây dựng qua thực tiễn kinh nghiêm rút ra. Vậy nên, thực hiện đúng quy trình sẽ tránh được sai sót. Ví dụ, quy trình bổ nhiệm cán bộ, quy trình xử lý sai phạm, quy trình xả lũ… Nói vậy để thấy rằng, một khi quy trình mang đến thiệt hại thì phải xem lại.
Bổ nhiệm luôn được gắn mác đúng quy trình, nhưng con người ấy không phát huy tác dụng, hoặc gây ra nhiều sai phạm thì đương nhiên quy trình ấy không đúng. Cũng như thế, xả lũ theo lệnh trên ban xuống, là thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ nhưng để xảy ra chết người thì phải mổ xẻ xem quy trình đó như thế nào.
Quy trình không phải là ông Bụt, không phải là cái gì đó vững chắc đến nỗi che lấp hết sai trái, quy trình do con người tạo ra, thực hiện quy trình cần con người có tâm, xót xa trước hậu quả để lại. Là con người chứ không phải cái máy mà dửng dưng trước sinh mạng của đồng loại.
Mấy năm trước ở Miền Trung xuất hiện lũ chồng lũ vì thủy điện xả nước cứu đập, đương nhiên đúng quy trình, theo sự chỉ đạo của cấp nào đó cao hơn, nhưng nhìn cái cảnh tan hoang vùng hạ lưu có ai thấy xót xa cho cái gọi là quy trình?
Sử dụng quy trình như thế là tội ác, đổ hết trách nhiệm cho quy trình là con người thiếu trái tim. Một quy trình hoàn thiện thì phải đặt sự an toàn lên hàng đầu, từ an toàn cho con người vận hành và những người chịu tác động đến sự an toàn cho nhà máy, cơ sở vật chất hạ tầng và các tài sản khác.
Theo một lãnh đạo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương: Đang là mùa khô nên không cần cảnh báo, việc cảnh báo bằng âm thanh chỉ cần thiết đối với mùa mưa lũ. Cảnh báo thường xuyên trong mỗi lần vận hành có thể sẽ phản tác dụng vì người dân quen với âm thanh này nên không để ý khi có xả lũ lớn trong mùa mưa lũ.
Không muốn trích ra đây nhưng lời nói của ai đó, vì sợ "tam sao thất bản" nhưng cái cách lý luận kiểu như đúng rồi càng làm ta khó nghĩ. Nói như thế hóa ra đi đường bây giờ cũng không cần dùng còi xe vì ai cũng quá nhờn với tiếng còi xe. Cậu bé chăn cừu "chết" vì lừa dối người khác, còn đây, nếu không cảnh báo người khác đã chết vì sự lừa dối của chính mình.
Tính mạng con người là trên hết, quy trình kiểu gì đi nữa cũng phải hướng đến sự an nguy của người dân. Tại sao những nhà chức trách nước ngoài không đổ trách nhiệm cho quy trình. Khi mà sự điều hành luôn nhìn thấy mọi sai trái đều thuộc về một ai đó thì vẫn còn kiểu lý luận ngụy biện.