Chi Lăng nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn, với lợi thế riêng giao thông đồng bộ, huyện Chi Lăng có tiềm năng lớn trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp.
Toàn huyện có 13.848,81 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, phù hợp trồng nhiều loại cây trồng như: cây lương thực; cây công nghiệp (Hồi, thuốc lá,...); cây dược liệu; cây ăn quả (nhãn, xoài, bưởi...), đặc biệt là thích hợp trồng cây Na với chất lượng và giá trị kinh tế cao, được coi là cây trồng “xóa đói, giảm nghèo” của huyện.
Chi Lăng cũng là vùng đất có lịch sử truyền thống lâu đời, có tiềm năng lớn về du lịch, với gần 120 điểm di tích lịch sử, di tích khảo cổ và danh thắng, trong đó có 52 điểm di tích thuộc quần thể di tích lịch sử Chi Lăng, đã được xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1962. Khu di tích lịch sử Chi Lăng được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt năm 2019.
Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền huyện Chi Lăng đã tập trung chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương về phát triển kinh tế vườn đồi, trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như: Vùng trồng na; vùng trồng cây thuốc lá; vùng hồi; vùng trồng cây ăn quả có múi; vùng trồng ớt; vùng trồng lạc,…; Huyện đã có 06 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó có 02 sản phẩm đạt bốn sao gồm: Na quả xã Chi Lăng và Na quả thị trấn Đồng Mỏ; 04 sản phẩm đạt ba sao: Cao khô Vạn Linh, Tinh bột nghệ Hồng Nhung, Rau bò khai, Mật ong ngũ gia bì.
Được biết, nhờ triển khai thực hiện xây dựng vùng sản xuất Na an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đã nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hướng tới xuất khẩu, sản xuất theo chuỗi giá trị.
Theo lãnh đạo huyện, để khai thác được những tiềm năng, thế mạnh của địa phương với 03 lĩnh vực trọng điểm. Thứ nhất, tập trung thu hút các nhà đầu tư liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn huyện đối với các sản phẩm chủ lực của huyện như: Na, Thuốc Lá, ớt, cây ăn quả, Hồi, rau củ quả các loại. Thứ hai, thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án về phát triển đô thị, khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, trung tâm thương mại (KĐT thị trấn Đồng Mỏ, khu Du lịch sinh thái, du lịch tâm linh tại Khu di tích quốc gia đặc biệt chiến thắng Chi Lăng...). Ngoài ra, huyện sẽ kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án Khu - Cụm công nghiệp trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm