Cải thiện chỉ số PAPI không chỉ là nâng điểm số trên bảng xếp hạng, mà là cơ hội để chính quyền nhìn lại mình, điều chỉnh cách làm và phục vụ nhân dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Trong bối cảnh chính quyền các địa phương không ngừng đổi mới phương thức quản trị nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị trí tiên phong về cải cách hành chính và hiệu quả quản trị địa phương khi nằm trong nhóm “cao nhất” cả nước về Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2024.
Kết quả ấn tượng từ PAPI 2024
Ngày 15/4/2025, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2024.
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) được xếp hạng theo 4 nhóm (Cao nhất, Trung bình cao, Trung bình thấp, Thấp nhất). Theo kết quả công bố, năm 2024, địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số PAPI năm 2024 là tỉnh Quảng Ninh, đạt 47,821 điểm; tỉnh Thái Nguyên đạt 46,349 điểm, tăng 0,57 điểm so với năm 2023 (đạt 45,78 điểm); thuộc Nhóm thứ nhất - Nhóm Cao nhất cả nước; trong nhóm này còn có các tỉnh như: tiếp theo là các tỉnh Tây Ninh (đạt 47,345 điểm), Bình Thuận (47,127 điểm), Ninh Thuận (45,732 điểm)… địa phương được đánh giá thấp nhất là tỉnh Kiên Giang, với 39,912 điểm.
Kết quả khảo sát Chỉ số PAPI năm 2024 cho thấy hiệu quả quản trị và hành chính công đã có những bước cải thiện đáng kể trong phạm vi toàn quốc. Chỉ số PAPI là công cụ để người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền địa phương trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở. Năm 2024, cả nước có trên 18.890 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên tham gia khảo sát về Chỉ số PAPI.
PAPI đo lường trên 08 trục chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử. Kết quả cho thấy, năm 2024, về các Chỉ số nội dung, tỉnh Thái Nguyên có 06 Chỉ số nội dung thuộc nhóm Cao nhất; 01 Chỉ số nội dung thuộc nhóm Trung bình cao; 01 Chỉ số nội dung thuộc nhóm Thấp nhất. Cụ thể như sau:
- Trục nội dung “Tham gia của người dân cấp cơ sở” đạt 5,84 điểm, thuộc nhóm Cao nhất.
- Trục nội dung “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định” đạt 6,06 điểm, thuộc nhóm Cao nhất.
- Trục nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân” đạt 4,599, thuộc nhóm Cao nhất (Năm 2023 thuộc nhóm Trung bình cao).
- Trục nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đạt 7,17 điểm, thuộc nhóm Trung bình Cao.
- Trục nội dung “Thủ tục hành chính công” đạt 7,39 điểm, thuộc nhóm Cao nhất.
- Trục nội dung “Cung ứng dịch vụ công” đạt 7,94 điểm, thuộc nhóm Cao nhất.
- Trục nội dung “Quản trị môi trường’ đạt 3,35 điểm, thuộc nhóm Thấp nhất.
- Trục nội dung “Quản trị điện tử” đạt 3,99 điểm, thuộc nhóm Cao nhất.
Đây là năm thứ hai Chỉ số PAPI của tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tăng về điểm số và thuộc Nhóm thứ nhất - Nhóm Cao nhất của cả nước.
Năm 2024, UNDP đã tiến hành khảo sát PAPI tại Thái Nguyên ở 12 xóm/tổ dân phố thuộc 06 đơn vị cấp xã của 03 huyện và thành phố. Tổng cộng có 240 người dân (mỗi địa điểm khảo sát 20 người) được chọn tham gia trả lời phỏng vấn. Đây là quy trình khảo sát khoa học, độc lập và bảo đảm tính khách quan, giúp phản ánh chân thực cảm nhận của người dân về mức độ phục vụ của chính quyền các cấp.
Được triển khai từ năm 2009, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công đã dần khẳng định là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh chân thực tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp