Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 giảm 10,5% so với cùng kỳ, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 4 tháng chỉ tăng 1,8%.
Chiều 5/5, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 trong điều kiện vẫn bảo đảm giãn cách theo quy định phòng chống dịch COVID-19.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam trong tháng 4/2020.
Do đó, Người phát ngôn Chính phủ dẫn lời Thủ tướng khi phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ là phải quyết tâm khởi động lại nền kinh tế một cách nhanh nhất, sớm đưa nền kinh tế phát triển bình thường, dù có rất nhiều khó khăn.
“Chúng ta phải có quyết tâm cao thực hiện các mục tiêu, từ cải cách thế chế, đến thực thi các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Thông tin về tình hình phát triển kinh tế- xã hội trong tháng 4, Người phát ngôn VPCP CPI cho biết, tháng 4/2020 giảm 1,54% so với tháng trước chủ yếu do giá xăng dầu giảm mạnh, giá nhiều mặt hàng phi lương thực, thực phẩm giảm khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.
“Tuy nhiên, thời gian vừa qua giá mặt hàng như thịt heo vẫn tăng cao. Do đó, CPI bình quân 4 tháng so với cùng kỳ tăng 4,9%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn, tái đàn lợn còn chậm, dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo số liệu của ngành thống kê, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 giảm 10,5% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 4 tháng chỉ tăng 1,8%. “Đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua”, Bộ trưởng nói. Đồng thời cho biết, lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng tăng 2,96% so với bình quân cùng kỳ.
Hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa. Bốn tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 4,3% (riêng tháng 4 giảm 26%).
“Đáng lưu ý, bốn tháng đầu năm, cả nước có 37.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 13,2% và giảm 17,9% vốn đăng ký, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22.700 doanh nghiệp, tăng 33,6%”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.
Xuất nhập khẩu hàng hóa được xem là điểm sáng duy nhất của nền kinh tế. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 3,4%. Trong đó xuất khẩu tăng 4,7%, nhập khẩu tăng 2,1%. Xuất siêu trên 3 tỷ USD.
Thông tin về Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp vào ngày 9/5 tới đây, Người phát ngôn Chính phủ cho biết, Hội nghị sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp. Thủ tướng sẽ gặp gỡ, động viên, đồng thời đưa ra một số cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tạo đồng thuận tạo không khí, niềm tin quyết tâm để chúng ta bứt phá trong xu thế mới.
“Trong xu thế mới, nhiều nước đã lên tiếng chuẩn bị cho việc các tập đoàn xuyên quốc gia xem xét dịch chuyển. Đây là cơ hội cho Việt Nam khi chúng ta có niềm tin, có thành quả trong phòng chống dịch. Do đó, Việt Nam sẽ được xem đến là điểm sáng, môi trường đầu tư an toàn, hiệu quả cho nhà đầu tư nước ngoài”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Có thể bạn quan tâm
12:02, 05/05/2020
11:00, 05/05/2020
10:13, 05/05/2020
11:30, 02/05/2020
10:55, 02/05/2020
15:00, 30/04/2020