Tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số, tinh gọn bộ máy là “chìa khoá” giúp Đắk Nông tạo bước đột phá thu hút đầu tư năm 2025.
Xác định đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục nỗ lực, quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh và đầu tư trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo “đất lành” hút nhà đầu tư chiến lược đến với Đắk Nông.
Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân của tỉnh có hơn 3.900 doanh nghiệp, nguồn vốn sản xuất kinh doanh gần 39 tỷ đồng. Tính đến tháng 12 toàn tỉnh có trên 33.000 hộ kinh doanh, có 3 liên hiệp HTX, 188 tổ hợp tác và 310 HTX, tổng số vốn điều lệ gần 340.000 triệu đồng”. Đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp Đắk Nông đang ngày càng lớn mạnh, với quy mô và lĩnh vực hoạt động không ngừng mở rộng, năng lực cạnh tranh được nâng lên.
Đáng nói, tỉnh đã trao Giấy chứng nhận đầu tư 04 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. 04 Bản ghi nhớ đầu tư với tổng số vốn đăng ký 8,4 tỷ USD. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn TH đầu tư dự kiến 3,6 tỷ USD, với số vốn đầu tư "khủng" này, TH cũng trở doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn nhất vào Đắk Nông.
Năm 2025, tỉnh đặc biệt quan tâm công tác hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nhà đầu tư, đồng thời duy trì và vận hành hiệu quả đường dây nóng và các kênh đối thoại, gặp mặt như: Hội nghị đối thoại, gặp mặt, Cà phê doanh nhân… để nắm bắt thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp. Thực hiện tốt công tác đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI), nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu sản phẩm, kết nối giao thương, mở rộng thị trường tại Hội chợ, Hội nghị các tỉnh, thành phố; chú trọng tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP, kết nối giao thương,… theo hướng liên kết thành chuỗi sự kiện có quy mô nhằm tăng hiệu quả truyền thông, quảng bá cho địa phương và doanh nghiệp.
Tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của TƯ và của tỉnh đến các doanh nghiệp thuộc đối tượng hưởng ưu đãi; rà soát các quy định của pháp luật hiện hành để điều chỉnh, hoàn thiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của tỉnh nhằm tạo sức hút, động lực khuyến khích các nhà đầu tư đến và đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh rà soát và chuẩn bị thật tốt các dự án trọng điểm kêu gọi, thu hút đầu tư để tiếp tục tìm kiếm các nhà đầu tư đảm bảo năng lực và phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Xây dựng, phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông trở thành các sản phẩm, điểm du lịch, ẩm thực đa dạng, nông sản đặc trưng.
Tập trung thực hiện theo Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sớm hoàn thiện các quy hoạch ngành nhằm tạo hành lang pháp lý để triển khai thu hút các dự án đầu tư và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh. Chủ động bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành TƯ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án nằm trong Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến quặng bô-xít.
Đặc biệt, tỉnh tiếp tục tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông. Trong đó, tỉnh ưu tiên mọi nguồn lực để triển khai đầu tư xây dựng dự án Đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) đây là tuyến đường huyết mạch nối Đắk Nông với các tỉnh Đông Nam Bộ.
Tập trung thu hút các nhà đầu tư thực hiện đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; đầu tư mới các dự án Nhà máy Alumin Đắk Nông 2, 3, 4, 5 gắn với các khu, cụm mỏ khai thác theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt.
Khẩn trương tổ chức triển khai Luật Đất đai 2024, Luật Địa chất và Khoáng sản 2024... có hiệu quả, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của tỉnh về mặt thể chế, đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Tập trung thực hiện quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy “Tinh-Gọn-Mạnh-Hiệu năng-Hiệu lực-Hiệu quả” theo chủ trương của TƯ và Chính phủ để khắc phục những hạn chế trong công tác phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, địa phương. Tỉnh tiếp tục đầu tư nguồn lực để đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng tối đa công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục hành chính. Xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, có tâm, có tầm và ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ.