Chiến dịch “ngoại giao vắc xin” và sự hoài nghi của cộng đồng với Trung Quốc

THANH BÌNH 09/03/2021 05:00

Từ chiến dịch “ngoại giao khẩu trang” cho đến “ngoại giao vắc xin”, Trung Quốc đang mong muốn thể hiện mình là “anh cả” trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 của toàn cầu.

Sau khẩu trang và thiết bị y tế, Trung Quốc đang chuyển sang ngoại giao vắc xin - Ảnh: REUTERS

Sau khẩu trang và thiết bị y tế, Trung Quốc đang chuyển sang ngoại giao vắc xin - Ảnh: REUTERS

Một câu chuyện hẳn cộng đồng quốc tế không thể quên đó là, trong giai đoạn đầu đợt bùng phát dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona, Trung Quốc đã gửi các hộp đựng khẩu trang và các thiết bị bảo hộ để hỗ trợ các quốc gia khác đối phó với dịch bệnh. Những mặt hàng này đã đến nhiều các quốc gia khác nhau cùng với hình ảnh của lá cờ Trung Quốc, trong một chiến dịch được gọi bằng cái tên: “Ngoại giao khẩu trang”.

Tuy nhiên, từ thời điểm đó, chiến dịch “quan hệ công chúng” này đã thất bại. Hàng loạt thông tin về các công ty tư nhân “vô đạo đức” của Trung Quốc bán khẩu trang, các bộ dụng cụ xét nghiệm và máy thở kém tiêu chuẩn chất lượng đã làm hoen ố nỗ lực cải thiện hình ảnh.

Giờ đây, khi việc thử nghiệm vắc xin COVID-19 đang gần hoàn tất, Trung Quốc đang có cơ hội thứ hai để sửa chữa hình ảnh trên trường quốc tế và định vị bản thân như một nhân tố không thể thiếu trong giải pháp toàn cầu trước đại dịch COVID-19.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng cho biết vắc xin của Trung Quốc sẽ là “hàng hóa toàn cầu”, và Trung Quốc sau đó đã tham gia Sáng kiến Covax do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hậu thuẫn giúp đảm bảo phân phối công bằng các loại vắc xin COVID-19 trên khắp thế giới.

Các vắc xin COVID-19 được cho là phương tiện giúp Bắc Kinh giành được thêm những thắng lợi về mặt ngoại giao, củng cố quan hệ với các nước nghèo hơn trong bối cảnh khan hiếm những loại vắc xin do phương Tây phát triển. Một con số thống kê cho thấy, 67 quốc gia đang phát triển, như Campuchia, Lào và Pakistan… có rất ít cơ hội được tiêm phòng COVID-19 sớm. Rõ ràng là đối với những quốc gia này, vắc xin của Trung Quốc là một “cứu cánh”.

Thí dụ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo nước này sẽ tặng Myanmar một lô vaccine ngừa COVID-19 và sẽ tiếp tục cung cấp vật tư y tế chống dịch theo nhu cầu của Naypyidaw. Hoặc, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain đã trở thành hai quốc gia đầu tiên cấp phép đầy đủ cho vắc xin do công ty nhà nước Sinopharm Trung Quốc sản xuất, ngay cả trước khi người ta công bố đầy đủ các kết quả thử nghiệm lâm sàng.

Nhìn chung, các quốc gia mà Trung Quốc muốn ưu tiên tiếp cận vắc xin, đa số là các nước đang phát triển và nằm trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Một số thậm chí còn được coi là những quốc gia quan trọng chiến lược đối với Bắc Kinh, như Pakistan hay Indonesia.

Một chuyên gia quốc tế (chuyên về nghiên cứu Đông Nam Á) cho rằng, việc phụ thuộc vào vắc xin của Trung Quốc có thể khiến các quốc gia phải hạ thấp giọng điệu chỉ trích Trung Quốc khi nói đến đến các xung đột lãnh thổ... Giáo sư Steve Tsang (Viện SOAS Trung Quốc, London) cũng khẳng định rõ ràng: “Bắc Kinh đang cố gắng sử dụng việc cung ứng vắc xin để thúc đẩy quyền lực mềm”.

Nhiều loại vắc-xin COVID-19 của Trung Quốc đang được thử nghiệm giai đoạn cuối. (Ảnh: Xinhua)

Vẫn còn quá ít thông tin cho biết vắc xin COVID-19 của Trung Quốc đạt hiệu quả tốt như thế nào trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cùng. Ảnh: Xinhua

Dĩ nhiên, Trung Quốc bác bỏ những thông tin cho rằng họ sử dụng vắc xin như một công cụ để tạo ảnh hưởng toàn cầu, đồng thời khẳng định cam kết chia sẻ vắc xin với thế giới, song không khó để nhận ra rằng những chính sách về vaccine luôn song hành với các mục tiêu đối ngoại. 

Vấn đề ở chỗ, Trung Quốc có cải thiện được hình ảnh xấu xí của mình hay không lại là chuyện khác. Tức là, nỗ lực cải thiện hình ảnh này của Trung Quốc có vẻ như không được “thuận buồm xuôi gió” khi mà những những dư âm xấu từ chiến dịch “ngoại giao khẩu trang” của Trung Quốc vẫn chưa được xóa bỏ.

Hơn nữa, nếu như các vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna đều cho hiệu quả phòng bệnh hơn 90%, thì cho tới nay vẫn còn quá ít thông tin cho biết vắc xin COVID-19 của Trung Quốc đạt hiệu quả tốt như thế nào trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cùng.

Chính việc các công ty Trung Quốc không tiết lộ dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối về việc liệu vắc xin của họ có hiệu quả hay không đã phần nào gây tâm lý e ngại cho các nước khi quyết định dùng vắc xin của hãng nào sản xuất.

Không nói đâu xa, nhiều nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Malaysia, Philippines và Indonesia đã có ý thức về việc không chỉ dựa vào vắc xin do Trung Quốc sản xuất, và xúc tiến việc ký thỏa thuận với nhiều công ty khác như Pfizer, AstraZeneca và Viện Gamaleya của Nga.

Thực tế, việc tiêm phòng COVID-19 diện rộng đã bắt đầu ở hàng chục quốc gia - điều thần kỳ về y học chỉ sau một năm đại dịch. Nhưng chặng đường tiếp theo còn khó khăn hơn bởi cái gọi là cạnh tranh trong sản xuất – phân phối vắc xin, bởi cái gọi là “hộ chiếu vắc xin”.

Điều này cũng có nghĩa, sẽ không dễ để Trung Quốc thể hiện tham vọng của mình trong việc chinh phúc thế giới, nhất là trong bối cảnh không biết “vô tình hay hữu ý” nước này đã tự làm hoen ố hình ảnh của mình ở nhiều lĩnh vực. Song song, cộng đồng quốc tế giờ đây cũng luôn cảnh giác từng “đường đi nước bước” của gã khổng lồ này vì không bao giờ có sẵn một ‘bữa trưa miễn phí’ cả.

Thế mới nói, từ chiến dịch “ngoại giao khẩu trang” cho đến “ngoại giao vắc xin”, Trung Quốc sẽ khó thành công trong việc cải thiện hình ảnh của mình, nếu không nói là chiến dịch này sẽ thất bại.

Có thể bạn quan tâm

  • Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Việt Nam: Bước tiến mới trong phòng chống dịch!

    06:48, 08/03/2021

  • Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 từ 8/3

    13:20, 05/03/2021

  • Ấn Độ vượt lên Trung Quốc trong cuộc chạy đua vắc xin COVID-19

    05:30, 03/03/2021

  • Thứ trưởng Bộ Y tế: Hải Dương là một trong những tỉnh ưu tiên trước được tiêm vắc xin COVID-19

    21:58, 02/03/2021

  • Tiêm vắc xin COVID-19: Chờ phiếu kiểm định chất lượng của phía Hàn Quốc

    18:13, 02/03/2021

  • Thủ tướng yêu cầu tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân trong tuần này

    14:52, 02/03/2021

  • Có thể ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19 chỉ bằng một mũi vắc xin?

    06:30, 02/03/2021

  • Cảnh báo các chủng biến thể virus SARS-C0V-2 kháng vắc xin ngày một gia tăng

    06:35, 01/03/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chiến dịch “ngoại giao vắc xin” và sự hoài nghi của cộng đồng với Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO