Quảng cáo này tự nhiên như không quảng cáo, không làm phiền người dùng và đặc biệt hơn nữa là còn thậm chí không mất cả chi phí làm nội dung.
>> Nghệ thuật kinh doanh “không quảng cáo”
Người ta thường ví quảng cáo như là cục xương chen vào giữa những bản nhạc đang nghe hay bộ phim đang xem, và chẳng một ai thích bị quảng cáo nhẩy vào làm gián đoạn trải nghiệm nghe nhạc hay xem phim kiểu này.
Các thương hiệu đều biết điều đó, nhưng vì “miếng cơm manh áo” nên vẫn phải chen quảng cáo vào phim, nhạc của người tiêu dùng mặc dù cũng hiểu là người dùng rất khó chịu.
Tất nhiên Budweiser cũng biết cái tâm lý này và họ vừa tung ra một chiến dịch quảng cáo có tên “Uninterrupt Ads”, có ý nghĩa là Những quảng cáo không làm phiền.
Khởi đầu từ việc Budweiser bỗng phát hiện ra là, ở trên nền tảng nghe nhạc trực tuyến Spotify, có tận hơn 500 bài hát mà lời của nó có nhắc đến cái tên Budweiser. Thế là Budweiser biến luôn những bài hát này thành quảng cáo của mình.
Những tài khoản Spotify ở chế độ miễn phí thì khi nghe nhạc sẽ bị chèn quảng cáo vào, giống như xem video miễn phí trên Youtube thì cũng bị phải xem quảng cáo. (Tất nhiên, điều này khá khó chịu cho người dùng).
Budweiser ký hợp đồng quảng cáo với Spotify để chèn một bài hát phù hợp nằm trong số 500 bài kia vào danh sách phát nhạc của người dùng Spotify. Bây giờ, thay vì đang nghe nhạc rồi bị một đoạn quảng cáo thô lỗ nhảy vào, thì thính giả vẫn tiếp tục được nghe một bài nhạc, đúng nghĩa là âm nhạc, mang lại cảm giác mình vẫn đang thưởng thức âm nhạc mà không phải là đang nghe quảng cáo.
Budweiser thì đạt được mục đích đẩy tên thương hiệu vào tai thính giả, còn thính giả thì lại được trải nghiệm nghe nhạc liền mạch, không có cảm giác bị cắn phải “cục xương” quảng cáo. Một cách làm rất tinh tế và đôi bên cùng có lợi.
Quảng cáo qua các nền tảng âm thanh đang trở thành xu hướng thời gian gần đây. Theo số liệu của Statista về Digital Audio Advertising, dự kiến “định dạng” quảng cáo âm thanh kỹ thuật số sẽ đạt 11,78 tỷ USD vào năm 2024.
Trong mảng này, Spotify là một nền tảng lớn. Theo báo cáo năm 2023, Spotify có khoảng 500 triệu người dùng, nhưng có đến 300 triệu người nghe dạng miễn phí, tức là nghe nhạc kèm quảng cáo. Đây là một tập khách hàng tiềm năng khổng lồ cho các quảng cáo nhắm tới.
Đây là động thái mới nhất của một thương hiệu nhằm sử dụng nền tảng Spotify một cách sáng tạo theo cách không làm hỏng hoàn toàn trải nghiệm của người nghe, đồng thời vẫn phục vụ mục tiêu quảng cáo nâng cao nhận thức về thương hiệu.
Vào năm 2021, thương hiệu mì ống Barilla đã tạo ra một loạt tám danh sách phát được sắp xếp theo thời gian nấu hoàn hảo cho nhiều hình dạng mì ống khác nhau. Với những cái tên như Mixtape Spaghetti, Boom Bap Fusilli và Pleasant Melancholy Penne, danh sách phát bao gồm các bản hit pop, hip-hop, indie và cổ điển. Mỗi bài hát tương ứng với thời gian nấu một món mì. Người dùng có thể vừa nghe nhạc vừa nấu mì đúng chuẩn.
Budweiser từ lâu đã đặt âm nhạc thành một phần quan trọng trong tiếp thị của mình. Đơn cử, vào năm 2022, Budweiser đã cung cấp nhạc miễn phí bản quyền cho các game thủ phát trực tiếp trên nền tảng Twitch. Nhờ vậy, các streamer có thể thỏa sức sáng tạo nội dung mà không lo vi phạm bản quyền.
Cách quảng cáo “không gián đoạn” của Budweiser còn một điểm hiệu quả nữa. Đó là dù các nhà tiếp thị không muốn thừa nhận, nhưng có một sự thật là hầu hết các quảng cáo gây gián đoạn đều bị người dùng bỏ lơ và thậm chí là còn bị ghét thêm. Với việc phát bài hát một cách tự nhiên như vậy, bài hát “quảng cáo Budweiser” không chỉ được nghe hết mà còn không gây phản cảm ngược của người nghe.
Người ta thường có câu nói đùa “cao thủ không bằng tranh thủ”. Budweiser vừa “tranh thủ”, vừa cả “cao thủ” với chiến dịch quảng cáo này.
Có thể bạn quan tâm