96% doanh nghiệp tăng trưởng nhanh đang áp dụng chiến lược Partnership Marketing.
Trong bối cảnh thị trường đang cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều "nỗi đau" dai dẳng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Theo bà Đàm Linh – nhà sáng lập kiêm giám đốc Matter Agency - thì những vấn đề này không chỉ mang tính cảm tính mà rất thực tế, đến từ nhiều nguyên nhân khách quan.
Một trong những áp lực lớn nhất là áp lực tăng trưởng. Bà Linh dẫn số liệu báo cáo SME Việt Nam 2024 chỉ ra rằng 71% doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc mở rộng tệp khách hàng trong 12 tháng qua. Ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng không nằm ngoài vòng xoáy này, với 68% gặp trở ngại trong việc giữ chân khách hàng cũ trước áp lực từ các đối thủ mới. Cùng với đó, chi phí tiếp thị ngày càng tăng cao nhưng hiệu quả lại giảm sút. Đặc biệt, chi phí quảng cáo trên các nền tảng số đã tăng bình quân 15-20% chỉ trong vòng một năm, gây khó khăn lớn cho những ngành có biên lợi nhuận mỏng.
Thêm vào đó, một "nỗi đau" đáng kể khác là sự thờ ơ của khách hàng. 82% người tiêu dùng hiện nay không còn tin vào quảng cáo truyền thống hay quảng cáo trực tuyến trực tiếp. Khách hàng tiếp cận hàng ngàn thông điệp quảng cáo mỗi ngày và dần mất niềm tin vào những lời giới thiệu từ người nổi tiếng, thay vào đó họ tìm kiếm sự tin tưởng từ những người mình quen biết hoặc dựa trên trải nghiệm thực tế.
Cuối cùng, thiếu nguồn lực là một rào cản lớn, đặc biệt đối với SME, khi 73% các doanh nghiệp này thiếu mạng lưới đối tác. Ngay cả các tập đoàn lớn cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và phối hợp hiệu quả với đối tác phù hợp.
Như vậy, “đơn thương độc mã” không còn là con đường hiệu quả, bà Linh khẳng định đã đến lúc cần hợp tác chiến lược để cùng tăng trưởng. Đây chính là lúc Partnership tiếp thị (PM) trở thành một giải pháp then chốt.
Đây là một mô hình hợp tác đa chiều giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng nhanh hơn, tối ưu chi phí, đồng thời gia tăng độ tin cậy thương hiệu. Định nghĩa của PM rất đơn giản và dễ hiểu: đó là một chiến lược hợp tác giữa hai hoặc nhiều tổ chức, doanh nghiệp (có thể bao gồm cả cá nhân) nhằm đạt được những mục tiêu chung như mở rộng tệp khách hàng, tăng doanh thu, cải thiện niềm tin thương hiệu và tối ưu chi phí tiếp thị. Hiệu quả của PM đã được chứng minh trên toàn cầu khi 96% các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh trên thế giới đã và đang đầu tư vào các chiến lược tiếp thị hợp tác.
Partnership marketing rất đa dạng với nhiều hình thức phổ biến, như Affiliate marketing và Ambassador Programs, Distribution Partnership, Referral Partnership, Loyalty Programs, Sponsorship, Licensing, Co-branding, Joint Venture, Product Placement, Channel Partnership và Reseller, cùng với các hoạt động partnership phi lợi nhuận.
Partnership marketing mang lại những lợi ích thiết thực và rõ rệt cho doanh nghiệp. Bà Linh Đàm đã chỉ ra bốn lợi ích chính đáng để cân nhắc: Thứ nhất, nó giúp tăng trưởng khách hàng đáng kể. Theo Nielsen Việt Nam, các doanh nghiệp áp dụng Partnership tiếp thị có thể tăng 35% khách hàng mới chỉ sau 6 tháng. Nhiều thương hiệu khi hợp tác với Shopee đã tăng lượt mua gấp 2 đến 3 lần trong các chương trình Flash Sales.
Thứ hai, PM giúp tăng độ tin cậy và mở rộng uy tín thương hiệu. Bà Linh Đàm cho biết, 82% khách hàng tin tưởng hơn khi sản phẩm được giới thiệu bởi các thương hiệu quen thuộc. Việc hợp tác với các đối tác đã có danh tiếng và tệp khách hàng riêng giúp xây dựng cầu nối niềm tin, ví dụ như sự hợp tác giữa Hảo Hảo và Vinamilk, hai thương hiệu đều có độ tin cậy cao. Ngay cả SME cũng có thể lựa chọn đối tác cùng phân khúc, quy mô để cộng hưởng uy tín.
Thứ ba, PM góp phần giảm chi phí tiếp thị và tối ưu nguồn lực. Partnership tiếp thị có thể giúp giảm chi phí từ 20% đến 40%, đa dạng hóa ngân sách quảng cáo thay vì phụ thuộc quá nhiều vào các nền tảng số, và tối ưu hóa thông qua sức mạnh cộng hưởng, chia sẻ dữ liệu CRM cùng các kênh bán hàng.
Cuối cùng, phương pháp này giúp gia tăng doanh thu và giữ chân khách hàng. Tỷ lệ giữ chân khách hàng có thể tăng từ 15% đến 20%, đồng thời mở ra cơ hội bán chéo và tăng tần suất mua hàng.
Ví dụ sự hợp tác giữa Nesva (một chi nhánh nhỏ của AIA) và Ecopark là minh họa cho Partnership marketing ở quy mô SME. Nesva đã tổ chức "ngày hội bóng đá" cho cư dân Ecopark, một cách tiếp cận sáng tạo cho lĩnh vực bảo hiểm vốn đặc thù và vô hình. Qua sự kiện này, Nesva tiếp cận được hơn 110.000 cư dân Ecopark và có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với 100 gia đình để tư vấn. Kết quả là trong một buổi tư vấn duy nhất, giá trị hợp đồng ký kết đạt 500 triệu đồng. Sự hợp tác này mang lại lợi ích cho cả ba bên: Ecopark được trao giá trị gia tăng cho cư dân mà không tốn chi phí, Nesva không phải tự mình tiếp cận từng gia đình, và cả hai bên đều tối ưu được chi phí.
Một điều thường thấy là các thương hiệu lớn thường hợp tác với nhau thay vì hợp tác với các thương hiệu nhỏ. Vậy cơ hội nào cho các thương hiệu nhỏ đồng hành cùng với thương hiệu lớn?
Bà Nguyễn Thành - Giám đốc kinh doanh LynkiD – có góc nhìn rằng, một thương hiệu nhỏ nhưng đã là thương hiệu thì chắc chắn sẽ có một Unique Selling Proposition (USP – Lợi điểm bán hàng) và một tệp khách hàng ngách (niche target audience) mà mình muốn tập trung. Chìa khóa là cần tập trung vào thế mạnh của mình hơn hẳn những đối tác lớn hơn. Bởi lẽ, đối tác lớn dù có thương hiệu và tệp khách hàng rộng lớn nhưng họ sẽ không thể chăm sóc tệp khách hàng ngách của thương hiệu nhỏ tốt bằng chính thương hiệu đó.
Chính vì thế, doanh nghiệp nhỏ cần tập trung vào thế mạnh và tìm kiếm những đối tác có tệp khách hàng tương tự tệp mục tiêu của mình. Ngoài ra, doanh nghiệp nhỏ hoàn toàn có thể nghĩ đến việc hợp tác với những thương hiệu lớn nhưng không cùng ngành nghề trực tiếp và thêm giá trị (add value) cho khách hàng của họ. Điều này mở ra cánh cửa hợp tác đầy tiềm năng, giúp các doanh nghiệp Việt, dù ở bất kỳ quy mô nào, có thể cùng nhau vượt qua thách thức, tối ưu chi phí và bứt phá tăng trưởng trong kỷ nguyên mới.