Chiến lược của Việt Nam tại APEC giữa bối cảnh toàn cầu thay đổi

Tiến sĩ SANTIAGO VELASQUEZ - Phó chủ nhiệm chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Đại học RMIT 16/11/2023 04:30

Hội nghị thượng đỉnh APEC là một diễn đàn quan trọng đối với Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và chuyển dịch kinh tế toàn cầu.

>>APEC 2023: Đàm phán IPEF về thương mại đổ vỡ

Tuần này, lãnh đạo các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đang cùng hội tụ tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở San Francisco.

Hội nghị thượng đỉnh này là diễn đàn quan trọng để các nước Đông Nam Á có thể chia sẻ mối quan tâm, tìm thấy tiếng nói chung và hình thành các liên minh chiến lược, cũng như thúc đẩy phát triển bền vững và tăng cường thương mại quốc tế.

Với vai trò là một kênh điều phối hợp tác xuyên biên giới, APEC phục vụ nhiều mục tiêu cho các quốc gia như Việt Nam. APEC không chỉ thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế và khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam mà còn tạo sân chơi để thúc đẩy các hoạt động thương mại công bằng phù hợp với nhu cầu khu vực và toàn cầu.

Tiến sĩ SANTIAGO VELASQUEZ Đại học RMIT

Tiến sĩ SANTIAGO VELASQUEZ
Đại học RMIT

APEC đã góp phần giúp Việt Nam đạt con số FDI kỷ lục là 22,4 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022 (Nguồn: Bộ Tài chính). Điều quan trọng là APEC đóng vai trò nền tảng để Việt Nam có thể tiếp tục khẳng định mình là một trong những lựa chọn hấp dẫn nhất trong khu vực cho chiến lược “Trung Quốc +1”.

Các quốc gia có nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như Việt Nam đang chú ý đến các cuộc đàm phán về quy định thương mại và tìm cách tạo ảnh hưởng để môi trường thương mại toàn cầu thúc đẩy các hoạt động thị trường công bằng. APEC mang đến cho họ diễn đàn để vận động cho những chính sách đem lại sự công nhận và hỗ trợ phù hợp cho các nhu cầu riêng biệt của các nền kinh tế có quy mô nhỏ hơn và đang phát triển trong khu vực.

Việt Nam và các thành viên APEC khác có thể sử dụng diễn đàn này để giải quyết những khó khăn ngoại giao phát sinh từ căng thẳng Mỹ-Trung, hiện càng gia tăng sau khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra gần hai năm trước và căng thẳng Trung Đông bùng phát mạnh mẽ vào tháng 10 năm nay.

APEC mang đến cơ hội chiến lược để Mỹ giải quyết những thách thức phức tạp như chuỗi cung ứng mong manh, biến đổi khí hậu và bất bình đẳng trong khuôn khổ khu vực. Trước những căng thẳng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là với Trung Quốc, APEC mang lại diễn đàn để Mỹ thúc đẩy các chính sách thương mại bền vững nhằm đẩy mạnh quá trình phục hồi của nền kinh tế. Tham gia APEC cho phép Mỹ gây ảnh hưởng để kêu gọi hỗ trợ cho các chính sách kinh tế toàn diện và bền vững, đồng thời có tiềm năng đóng góp cho sự thịnh vượng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mặt khác, APEC có giá trị đối với Trung Quốc vì nó cung cấp một nền tảng để thể hiện cam kết của quốc gia này đối với thương mại mở.

>>Các nền kinh tế APEC đang đối mặt với nhiều yếu tố bất ổn

Cho đến nay, các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, vẫn đang theo đuổi đường lối trung lập thận trọng. Do đó, APEC nên đóng vai trò là nơi tìm kiếm sự cân bằng về ngoại giao.

Hơn nữa, APEC cũng cần được sử dụng như một cơ chế để xây dựng liên minh chiến lược với các quốc gia khác. Có nhiều quốc gia đang háo hức chờ đợi để gia nhập APEC (ví dụ: Bangladesh, Pakistan, Colombia, Panama và Ecuador). Đối với Việt Nam, quan hệ đối tác với các nước thành viên Mỹ La-tinh hiện tại và trong tương lai không chỉ giúp Việt Nam tiếp cận các thị trường kinh tế đó mà còn là cơ hội thúc đẩy đối thoại và hợp tác Nam-Nam.

Thực tế, Trung Quốc đang tích cực tăng cường kết nối với các đối tác Nam Mỹ nhằm thúc đẩy thương mại và chia sẻ kiến thức trong nhiều ngành nghề, từ dệt may, điện tử, đến nông nghiệp và lâm nghiệp, vốn đều là những ngành đóng góp chính vào nền kinh tế của Việt Nam.

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - một hiệp định thương mại tự do giữa các nước châu Á-Thái Bình Dương, cũng có thể đóng vai trò là hình mẫu cho chuỗi cung ứng linh hoạt và các hoạt động thương mại hướng tới tương lai.

Tiềm năng mở rộng của APEC, trong đó có quan hệ mới với các nước Mỹ La-tinh, mở ra cánh cửa tiếp cận các thị trường đa dạng và hợp tác Nam-Nam hiệu quả, cũng như làm phong phú thêm bức tranh kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, sự liên kết của RCEP với các mục tiêu của APEC có thể góp phần đem lại hiệu quả cao hơn cho các hoạt động kinh doanh và củng cố các chuỗi cung ứng.

Có thể bạn quan tâm

  • APEC 2023: Đàm phán IPEF về thương mại đổ vỡ

    04:00, 15/11/2023

  • Các nền kinh tế APEC đang đối mặt với nhiều yếu tố bất ổn

    03:30, 14/11/2023

  • Đây là lý do bữa tối của ông Tập Cận Bình tại APEC 2023 gây chú ý

    03:30, 13/11/2023

  • Ông Biden và ông Tập sẽ bàn chuyện gì bên lề Thượng đỉnh APEC?

    04:30, 02/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chiến lược của Việt Nam tại APEC giữa bối cảnh toàn cầu thay đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO