Mặc cho các đối thủ tung ra mì đủ loại hương vị, Miliket vẫn kiên trì với sản phẩm “mì không”, chỉ có vắt mì, không gia vị. Đó là một chiến lược ngược dòng với xu hướng hiện nay: Đơn tính năng.
Sau một thời gian dài cạnh tranh, sức ép từ các đối thủ sẽ dần dần khiến các sản phẩm còn tồn tại trên thị trường mang đặc tính “đa tính năng” để phục vụ nhiều nhóm người dùng khác nhau.
Tuy vậy, nhiều trường hợp các tính năng lại đối lập với nhau, nên việc gia tăng tính năng này lại làm giảm hiệu quả tính năng khác, và đa phần khiến sản phẩm quá phức tạp. Điều này vô hình trung làm cho không một nhóm khách hàng nào hài lòng hoàn toàn. Trong tình hình đó, đã có một số sản phẩm đặc biệt nổi lên bằng cách đi ngược lại xu hướng chung bằng tư duy tối ưu hóa “đơn tính năng”.
Câu chuyện của 5-Hour Energy
Đầu thập niên 2000, khi đang lang thang quanh một cuộc trưng bày sản phẩm tự nhiên ở Anaheim, California, Manoj Bhargava dừng ở một gian bán nước tăng lực loại 16oz (473ml). Ông uống thử và cảm thấy tinh thần khá phấn chấn và tỉnh táo suốt 6-7 giờ tiếp theo. Tuy vậy, vị của loại nước tăng lực này khá khó uống, và dung tích thì quá lớn, tương tự các loại nước giải khát.
Thế là Bhargava tự hỏi: “Nếu mình mệt, thì mình có khát luôn không? Kiểu như đau đầu thì đau luôn bao tử à? Chả hợp lí chút nào.” Nói cách khác, sản phẩm nước tăng lực này đang cố tình ôm đồm quá nhiều nhóm khách hàng, nó vừa muốn giúp khách đang cần tỉnh táo lẫn khách đang khát nước, và cả hai đều sẽ không hài lòng với một chai nước tăng lực dung tích tương đương chai nước ngọt.
Từ cách nghĩ này, Bhargava đã nghiên cứu và sáng tạo ra một hỗn hợp caffeine và các vitamin B đựng trong chai 2oz (59 ml). Ông đặt tên cho sản phẩm là 5-hour Energy (5 giờ năng lượng). Đây là sản phẩm đột phá vì nó tập trung vào một tính năng duy nhất, phục vụ cho một nhóm khách hàng cụ thể: những người cần một liều tăng lực thực sự hiệu quả để làm việc nhưng không muốn phải uống cả một chai nước lớn vị ngọt. Đó là một loại sản phẩm chưa từng có trước đây, và người ta gọi đó là energy shot (liều tăng lực).
Đến năm 2011, 5-hour Energy đạt 1 tỉ đô la doanh thu, chiếm 90% hạng mục liều tăng lực. Còn Bhargava thì trở thành tỉ phú.
Như vậy, có thể thấy tư duy “đơn tính năng” đã được Bhargava vận dụng trong trường hợp này: tập trung phát triển tốt một tính năng duy nhất cho một nhóm khách hàng cụ thể, thay vì cố gắng phục vụ tất cả mọi người.
Mạch tích hợp chuyên dụng (ASIC)
Những năm cuối thập niên 2010, tiền điện tử bắt đầu xuất hiện và phát triển, kéo theo một lĩnh vực hoàn toàn mới: đào tiền điện tử. Trong quá trình xử lí các thuật toán đào tiền điện tử, các công ty cần sử dụng các bộ vi xử lí mạnh mẽ. Ban đầu, họ dùng các CPU, sau đó là các GPU (card đồ họa). Tuy vậy, các bộ vi xử lí như CPU hay GPU vốn dĩ được thiết kế để giải quyết nhiều tính năng khác nhau, phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng đại trà, nên hiệu năng không hề được tối ưu cho hoạt động tiêu tốn năng lượng và khả năng xử lí như đào tiền điện tử.
Thấy được nhu cầu của nhóm khách hàng cụ thể, các hãng vi mạch lớn đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển các bộ vi xử lí chuyên dụng chỉ phục vụ một mục đích duy nhất: đào tiền điện tử với hiệu năng tối ưu, chi phí sản xuất phải rẻ và tiêu tốn điện ở mức tối thiểu. Từ mục đích này, họ đã cho ra đời các mạch tích hợp chuyên dụng (ASIC) cho hoạt động đào tiền điện tử. Với tư duy “đơn tính năng”, nhiều sản phẩm tiêu biểu đã ra đời và chiếm lĩnh thị trường, tiêu biểu là Bitmain. Tương tự, hãng sản xuất GPU như NVIDIA cũng đã tối ưu hóa thiết kế của mình, loại bỏ các cổng xuất hình ảnh và cho ra đời CMP HX—dòng GPU chuyên dụng cho hoạt động đào tiền điện tử với hiệu suất tối ưu hơn.
Thời gian gần đây, khi cả thế giới đang dần chuyển sang con sóng trí tuệ nhân tạo (AI), với tư duy tối ưu “đơn tính năng”, NVIDIA gần đây cũng đã tuyên bố kế hoạch phát triển các ASIC chuyên dụng cho hoạt động phát triển AI. Tiềm năng này đã khiến định giá của NVIDIA tăng vọt, vượt Apple để trở thành công ty có tổng giá trị thị trường lớn thứ hai thế giới, ở mức hơn 3000 tỉ đô la.
Miliket đơn tính năng
Tư duy tối ưu “đơn tính năng” cũng đã được các công ty tại Việt Nam tận dụng thành công.
Mì gói là một thị trường rộng lớn có rất nhiều công ty tham gia. Điều này đã khiến các sản phẩm mì gói ngày càng đa dạng về vị, với rất nhiều gói gia vị hay thức ăn đi kèm. Tuy nhiên, không phải lúc nào khách hàng ăn mì gói cũng có nhu cầu sử dụng tất cả các gói kèm theo. Với những người đang ăn lẩu chẳng hạn, họ chỉ cần đơn thuần sợi mì. Khi đó, các gói nhỏ đi kèm sẽ bị bỏ phí.
Để phục vụ nhu cầu cụ thể này, Colusa-Miliket có sản phẩm mì rất phù hợp để ăn lẩu. Mì dùng để ăn lẩu chỉ có các vắt mì, có khi được đựng trong các bao bì lớn, không có các gói gia vị đi kèm. Cách đóng gói này giúp mì giảm giá thành mà không hề giảm chất lượng, dễ bỏ vào nồi lẩu và tránh lãng phí.
Nhờ tư duy “đơn tính năng” này, giữa thị trường có muôn trùng sản phẩm mới ra mắt mỗi năm, Colusa-Miliket vẫn tồn tại và phát triển bền vững qua mỗi năm.
Tư duy “đơn tính năng” là một phương pháp hữu hiệu để tìm hướng phát triển sản phẩm và khác biệt hóa chính mình giữa thị trường cạnh tranh gay gắt. Bằng cách tìm hiểu khách hàng, chia thành các nhóm với nhu cầu cụ thể và các tính năng đơn lẻ, các nhà phát triển sản phẩm hoàn toàn có thể điều chỉnh định hướng sản phẩm, gia tăng tính năng cần thiết, cắt bỏ những tính năng thừa để tập trung triệt để vào nhu cầu khách hàng.
Đây là một lối đi hoàn toàn có thể áp dụng được ở bất kì ngành nào, và dĩ nhiên, có thể được áp dụng ở chính ngành của bạn!