Chiến lược khôn ngoan của Vietravel?

NHA TRANG 11/05/2021 03:04

Với kết quả kinh doanh của công ty mẹ còn yếu, không đủ bù lỗ cho Vietravel Airlines nên HĐQT Vietravel muốn xin ý kiến cổ đông tái cấu trúc theo mô hình holdings.

Vietravel cho biết động thái tách Vietravel Airlines nằm trong kế hoạch tái cấu trúc theo mô hình holdings, “là việc cần thiết và phải triển khai thực hiện sớm”.

Muốn tách Vietravel Airlines để thoát lỗ

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2021 của CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - Vietravel (Mã: VTR) vừa công bố, doanh nghiệp có kế hoạch chuyển nhượng vốn góp tại Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) trên cơ sở tái cấu trúc theo mô hình holdings.

Chiếc máy bay đầu tiên của Vietravel Airlines tại Cảnh hàng không Tân Sơn Nhất hồi cuối năm 2020

Chiếc máy bay đầu tiên của Vietravel Airlines tại Cảnh hàng không Tân Sơn Nhất hồi cuối năm 2020

HĐQT Vietravel muốn được đại hội uỷ quyền tìm kiếm đối tác, đàm phán, quyết định tỉ lệ chuyển nhượng và giá chuyển nhượng liên quan đến thương vụ này.

Vietravel cho biết động thái tách Vietravel Airlines nằm trong kế hoạch tái cấu trúc theo mô hình holdings, “là việc cần thiết và phải triển khai thực hiện sớm”.

Theo ban lãnh đạo Vietravel, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động lữ hành chưa hồi phục, nên kết quả hoạt động kinh doanh của công ty mẹ không thể bù đắp cho các khoản lỗ đến từ mảng đầu tư khác như Vietravel Airlines. Bên cạnh đó, với tỉ lệ sở hữu 100%, các khoản lỗ từ Vietravel Airlines cũng được hợp nhất vào báo cáo tài chính, ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh chung của Vietravel.

Thông qua tái cấu trúc, Vietravel Airlines sẽ không còn thuộc sở hữu trực tiếp của Vietravel, thay vào đó sẽ trở thành công ty con của Vietravel Holdings. Trong khi đó, Vietravel vẫn tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh bình thường, khi thị trường hồi phục, lợi nhuận của công ty sẽ hồi phục theo kế hoạch.

Quyết định đúng đắn?

Vào ngày 17/9/2019, Vietravel đã huy động thành công 700 tỉ đồng từ kênh trái phiếu nhằm bổ sung nguồn vốn cho dự án hàng không.

Ngày 26/12/2020, Vietravel Airlines chính thức ra đời với mục đích cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không cùng các gói du lịch trong nước và quốc tế.

Quý I/2021 là thời điểm mà hãng hàng không Vietravel Airlines chính thức đi vào hoạt động. Hãng đang sở hữu 3 máy bay vận chuyển khách và dự kiến sẽ đón thêm một số chiếc nữa vào tháng 6 năm nay.

Thời điểm ra đời, thế mạnh nổi bật nhất của Vietravel Airlines được đánh giá có lẽ là khai thác nguồn khách du lịch mà công ty mẹ đang sở hữu, tuy nhiên, thị trường du lịch cũng gặp khó.

Trong khi đó, công ty mẹ cũng không mấy khả quan. Năm 2020, Vietravel có tổng doanh thu 1.941 tỷ đồng, giảm 73% so với năm 2019.

Sau khi trừ giá vốn hàng bán, Vietravel ghi nhận lãi gộp 177 tỷ đồng, giảm 64%. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều đi xuống nhưng chi phí lãi vay vọt lên 83,2 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần cùng kỳ.

Kết quả, Vietravel lỗ sau thuế cả năm 90 tỷ đồng, trái ngược với khoản lãi 40 tỷ đồng của năm 2019.

Ba tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của Vietravel âm 72,8 tỷ đồng, bằng khoảng 80% khoản lỗ của cả năm ngoái.

Bản thân Vietravel Airlines ra đời trong bối cảnh không được thuận lợi khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Theo Nikkei Asian Review, ngành công nghiệp hàng không phải hứng chịu một đòn giáng khủng khiếp từ đại dịch Covid-19. Ước tính, có khoảng 8.600 máy bay nằm im ở các trung tâm hàng không quốc tế do các lệnh đóng cửa biên giới để phòng chống dịch của các nước. Con số này chiếm khoảng 1/3 đội bay toàn cầu.

Còn theo Công ty tư vấn và dữ liệu hàng không IBA của Anh, có 34 hãng hàng không đã phá sản và con số cuối cùng trong năm nay có thể lên tới 70.

Ở trong nước, các hãng hàng không đều chật vật.

Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, làn sóng người bị nhiễm ở nhiều nước có dấu hiệu gia tăng. Triển vọng mở lại đường bay quốc tế vẫn đang mịt mờ. Điều này đồng nghĩa với việc các hãng bay vẫn tiếp tục cạnh tranh quyết liệt trên thị trường nội địa.

Trong bối cảnh đó, việc tìm được không gian kinh doanh với hãng hàng không non trẻ như Vietravel Airlines không hề dễ dàng.

Theo chia sẻ của Vietravel Airlines, hãng nhìn thấy yếu tố thuận lợi ở thời điểm này là giá thuê máy bay rẻ và thuê đội bay rẻ hơn trước rất nhiều.

Trước đây, giá thuê một tàu bay A321 5 - 6 tuổi trở lại không dưới 550.000 USD/tháng, song hiện tại chỉ dưới 400.000 USD. Còn mức lương trả cho phi công từ mức 220 triệu đồng/tháng giờ chỉ còn 80 triệu đồng.

Tương tự, lương tiếp viên trước đây khoảng 30 - 40 triệu/tháng, giờ chỉ khoảng 10 - 12 triệu đồng. Nhưng ngoài yếu tố thuận lợi này thì có quá nhiều thách thức chờ đón hãng bay mới ở phía trước.

Việc đầu tư vào lĩnh vực hàng không của Vietravel được xem là nhằm tối ưu hóa hiệu quả hoạt động khi Công ty đang có thế mạnh trong mảng du lịch lữ hành. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường quốc tế chưa biết ngày nào mở cửa trở lại, nhu cầu du lịch trong nước cũng sụt giảm mạnh so với trước kia do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Thêm nữa, phân khúc dịch vụ bay thuê nguyên chuyến cũng không phải là “bầu trời” riêng của “chú chim non” Vietravel Airlines. Hồi đầu năm ngoái, Bamboo Airways từng hợp tác với Vietravel triển khai dịch vụ thuê bay nguyên chuyến đi Nhật.

Vietnam Airlines và VietJet Air đều có dịch vụ này. Đặc biệt, từ khi dịch bệnh bùng phát tới nay, hai hãng hàng không đã tổ chức nhiều chuyến bay như vậy để đưa bà con Việt kiều về nước.

Đầu tư vào hàng không là “cuộc chơi” đốt tiền. Dù có bề dày hoạt động và nền tảng tài chính mạnh trước dịch bệnh nhưng với sự sụt giảm mạnh doanh thu, dòng tiền của Vietnam Airlines đang cạn kiệt.

Được biết giải pháp tái cấu trúc lại doanh nghiệp đã được Vietravel tiết lộ vào cuối năm ngoái với mục đích xây dựng phương án tổ chức bộ máy theo hình thức tập đoàn với yêu cầu gọn, năng động và hiệu quả hơn. Điều này có lẽ là quyết định khôn ngoan của Vietravel vào thời điểm này.

Năm 2021, Vietravel đặt mục tiêu doanh thu đạt 6.243 tỉ đồng, cao gấp 4,1 lần năm 2020; lợi nhuận trước thuế ở mức 10 tỉ đồng (năm 2020 lỗ 97,8 tỉ đồng). HĐQT Vietravel cũng trình cổ đông thông qua phương án không chia cổ tức các năm 2020 và 2021.

Có thể bạn quan tâm

  • Chủ tịch Vietravel: Doanh nghiệp du lịch tới hạn về sức chống chịu

    Chủ tịch Vietravel: Doanh nghiệp du lịch tới hạn về sức chống chịu

    03:00, 02/02/2021

  • Vietravel Airlines liệu có

    Vietravel Airlines liệu có "sải cánh" cùng hệ sinh thái dịch vụ lữ hành?

    08:14, 29/12/2020

  • CEO Vietravel Airlines là ai?

    CEO Vietravel Airlines là ai?

    17:18, 28/12/2020

  • "Cánh chim ngược gió" Vietravel Airlines

    11:00, 17/12/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chiến lược khôn ngoan của Vietravel?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO