Chỉ mới ra đời được vài tháng nhưng kênh Tiktok “Phương thử việc” đã trở thành một hiện tượng nổi bật trên mạng xã hội này.
Đúng như tên gọi của mình, các video trên kênh này xoay quanh những câu chuyện nhỏ trong văn phòng của một nhân viên mới vào làm việc.
Sức nóng của kênh TikTok này đã khiến tên tuổi doanh nghiệp mà Phương đang thử việc cũng lan tỏa rộng rãi theo. “Phương thử việc” là một dạng “nội dung nhân viên tạo ra” (EGC), một hình thức làm thương hiệu đang có chiều hướng nổi lên trong thời gian gần đây.
EGC được hiểu đơn giản là nội dung xuất phát từ nhân viên của công ty/thương hiệu đó. Hình thức rất đa dạng, có thể là bài viết chia sẻ về công việc hằng ngày, câu chuyện truyền cảm hứng,… cho đến những cuộc trò chuyện thân mật giữa nhân viên với bạn bè và người thân về doanh nghiệp. EGC đang dần một phổ biến và được ưa chuộng vì những lợi ích thiết thực của mình trong việc lan tỏa hình ảnh công ty.
Đầu tiên, EGC là nơi truyền tải thông tin với độ chân thật cao và khiến nhiều người tin tưởng. Một nghiên cứu trên LinkedIn cho thấy có tới 70% mọi người tin tưởng khi nhân viên muốn tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp. Khi đó, EGC là cách khai thác cuộc sống và trải nghiệm hằng ngày của nhân viên, từ đó giúp xây dựng lòng tin và tạo kết nối bền chặt hơn với khách hàng.
Thứ hai, EGC là một kênh tiếp thị tiết kiệm chi phí, ít nhất so với việc dùng nội dung từ các những người ảnh hưởng hay KOL. Đồng thời, quy trình sản xuất EGC cũng nhanh chóng và đơn giản hơn, vì nhân viên đã hiểu rõ giá trị thương hiệu, không cần mất thêm nhiều thời gian để hướng dẫn hay chỉnh sửa.
Thứ ba, EGC là “vũ khí” để thương hiệu cải thiện danh tiếng. Khi giới thiệu hình ảnh tổ chức thông qua góc nhìn của những nhân viên hạnh phúc, hài lòng và tận tâm, thương hiệu không chỉ cải thiện danh tiếng mà còn thu hút sự ủng hộ từ người tiêu dùng.
Thứ tư, EGC là công cụ tuyển dụng không thể bỏ qua. Trong EGC, những trải nghiệm thực tế của nhân viên luôn được giới thiệu và chia sẻ. Điều này thu hút những ứng viên tiềm năng, những người đang quan tâm về văn hóa và môi trường làm việc. Sự minh bạch từ EGC giúp xây dựng lòng tin và khiến ứng viên dễ dàng đồng ý gia nhập đội ngũ hơn.
Thứ năm, EGC đóng góp tích cực vào việc cải thiện giao tiếp trong tổ chức. Mô hình này tạo điều kiện để nhân viên hiểu rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của mình, đồng thời khuyến khích tinh thần hợp tác. Nhờ đó, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhân viên được củng cố, kéo theo hiệu suất làm việc cao hơn.
Với những lợi ích này, ngày càng nhiều doanh nghiệp triển khai EGC. Tại Việt Nam, một trong những thương hiệu áp dụng EGC thành công có thể kể đến Schannel. Họ tận dụng đội ngũ sáng tạo nội bộ để xây dựng một hệ sinh thái truyền thông vững mạnh. Schannel được chú ý nhiều hơn kể từ khi Duy Thẩm phát triển kênh cá nhân, kết hợp giữa tiểu phẩm văn phòng và review công nghệ, đạt tới 8,2 triệu người theo dõi. Thành công này cũng mở đường cho nhiều gương mặt khác như Hải Triều (3,3 triệu người theo dõi), Đặng Thu Hà (3,7 triệu người theo dõi) hoặc Sếp Huy NL. Kênh chính Schannel cũng phát triển mạnh với hơn 2,9 triệu người theo dõi.
Ở Thái Lan, cửa hàng cà phê Highway Coffee cũng nổi như cồn nhờ hình ảnh độc đáo của một nữ nhân viên. Với đồng phục quen thuộc gồm tạp dề, áo thun đen, kính trắng và chiếc nón đặc trưng, cô thường xuyên biểu diễn những điệu nhảy đơn giản nhưng lại cuốn hút. Các video luôn được đồng bộ với nhịp nhạc vui tươi, tạo cảm giác vừa “ngầu”, vừa hài hước. Sự kết hợp giữa biểu cảm nghiêm túc và các động tác nhảy ngẫu hứng khiến người xem không khỏi cảm thấy giải trí một cách tự nhiên.
Nhiều thương hiệu lớn của thế giới cũng không nằm ngoài cuộc chơi EGC. Ví dụ như Starbucks khuyến khích nhân viên sáng tạo nội dung của mình thông qua tài khoản @starbucksparters, với các nội dung, như chia sẻ kinh nghiệm hoặc các việc làm cộng đồng. Kênh đạt được thành công lớn với hơn 180.000 người theo dõi và con số vẫn tiếp tục tăng. Hoặc Adobe cũng khai thác EGC qua hashtag #AdobeLife, nơi các nhân viên thể hiện văn hóa doanh nghiệp. Tập đoàn này cũng có tài khoản Instagram riêng cho chiến dịch này với gần 100.000 người theo dõi.
Những ví dụ này cho thấy sự hiệu quả của EGC. Tuy nhiên, trước khi triển khai các chiến dịch kiểu này, doanh nghiệp cần lưu ý.
Quan trọng nhất, EGC phải duy trì được tính nhất quán với thương hiệu. Dù là nội dung do nhân viên tự tạo ra thì nó vẫn phải đồng bộ với giọng điệu và thông điệp của thương hiệu thì mới phát huy tác dụng tối đa. Dĩ nhiên, doanh nghiệp cũng không nên gò bó, giới hạn quá mức, phải cho phép sự linh hoạt để nhân viên thể hiện cá tính riêng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải biết quản lý các rủi ro tiềm ẩn từ EGC, chẳng hạn nội dung không phù hợp dẫn đến khủng hoảng truyền thông hoặc làm lộ các thông tin quan trọng. Để giảm thiểu rủi ro, doanh nghiệp cần xây dựng chính sách rõ ràng về việc này.
Một khi đã nhắm được các điểm mạnh và những điều cần lưu ý, doanh nghiệp có thể tự tin thử sức với EGC, một cách tiếp cận mới mẻ nhưng hiệu quả trong việc xây dựng tính chân thực và tạo dựng lòng tin.