Trong một nền kinh tế mà doanh nghiệp không muốn mở rộng quy mô, còn nguồn vốn trong nước thì dư thừa mà không hấp thụ được cho phát triển, điều đó phản ánh một nghịch lý đáng báo động.
Gốc rễ của vấn đề không nằm ở thiếu vốn hay thiếu ý tưởng, mà ở sự "trói buộc" từ thể chế và môi trường kinh doanh bất cập.
Bất cập thể chế kìm hãm động lực
Thể chế kinh tế kiến tạo, công khai, minh bạch là động lực quan trọng nhất, đóng vai trò khơi thông, thúc đẩy và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước cho phát triển.
Tuy vậy, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam vẫn chậm được hoàn thiện, hệ thống thị trường hình thành và phát triển chưa đồng bộ, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa minh bạch, thiếu cụ thể và không ổn định, khả năng tiên liệu thấp dẫn đến rủi ro gia tăng cho các thực thể kinh tế.
Tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật gây nhiều khó khăn cho việc triển khai thực hiện, gây lãng phí và bỏ lỡ cơ hội đầu tư thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, gia tăng chi phí và rủi ro đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật vẫn chưa minh bạch, thiếu cụ thể.
Điều này gây rủi ro gia tăng cho doanh nghiệp. Báo cáo tình hình phát triển doanh nhân, doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp của Việt Nam do Viện Phát triển doanh nghiệp thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phản ánh trong năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp không bao giờ hoặc hiếm khi dự đoán được sự thay đổi trong quy định pháp luật của Trung ương lên tới 70,8%, trước đó năm 2021 là 68,8% và năm 2020 là 67,4%. Việc chính quyền địa phương thực thi chính sách, pháp luật của Trung ương cũng đang là vấn đề lớn với nhiều doanh nghiệp.
Báo cáo tình hình phát triển doanh nhân, doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp của Việt Nam phản ánh, năm 2022 có tới 71,7% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến”, cao đáng kể so với con số 57,4% của năm 2021. Tình trạng nhũng nhiễu diễn ra ở các cấp, vào các thời điểm có thể nhũng nhiễu.
Bất cập về thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh đã trói buộc các thực thể kinh tế và kìm hãm động lực phát triển. Doanh nghiệp và các hộ sản xuất không phát huy được hết năng lực và hiệu quả trong sản xuất kinh doanh đã tạo nên nghịch lý lạ thường của nền kinh tế đó là: doanh nghiệp không muốn mở rộng quy mô; nền kinh tế khát vốn, nhưng không hấp thu được nguồn vốn sẵn có trong nước cho phát triển.
Đột phá của đột phá
Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ thực trạng về thể chế của đất nước đó là: thể chế hiện đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn và đột phá về thể chế là đột phá của đột phá. Vì vậy, để cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh cần, một là, Đảng và Nhà nước phải đổi mới tư duy, đột phá trong cải cách thể chế, kiến tạo, vận hành nhà nước quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả, phục vụ doanh nghiệp, phụng sự đất nước, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.
Tổng Bí thư đã chỉ đạo: “Cần quyết liệt cải cách thể chế trên nền tảng đổi mới tư duy trong cải cách mạnh mẽ nền hành chính hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp”. Chỉ đạo của Tổng Bí thư phản ánh thực trạng một nhà nước quản lý cứng nhắc cần phải chuyển sang nhà nước quản trị quốc gia liên thông, hiệu quả, phù hợp với xu hướng quản trị mới, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại của cuộc CMCN 4.0 để phục vụ doanh nghiệp và nhân dân, phụng sự đất nước.
Chính phủ cần thiết lập cơ chế đối thoại, phản biện chính sách của cộng đồng doanh nghiệp và các hộ kinh doanh để thể chế, chính sách sát với thực tiễn.
Thường xuyên sửa đổi, hoàn thiện môi trường pháp lý về đầu tư kinh doanh và thực thi nghiêm minh các chế tài tạo môi trường kinh doanh minh bạch, nâng đỡ doanh nghiệp phát triển để tạo dựng nền thể chế bao trùm, xây dựng đạo đức kinh doanh.
Hai là, khẩn trương kiểm soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, thực hiện hiệu quả cải cách hành chính theo quan điểm phục vụ doanh nghiệp, phụng sự đất nước, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.
Chính phủ nên thành lập một cơ quan chuyên trách thực hiện cải cách thủ tục hành chính, rà soát giảm thiểu thủ tục, kiến nghị bãi bỏ luôn thủ tục không cần thiết.
Ba là, cắt giảm tối đa các chi phí không hợp lý cho doanh nghiệp trong tuân thủ quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng xếp hạng chỉ số tuân thủ pháp luật. Đặc biệt cần tập trung rà soát, đánh giá toàn bộ các quy định về phí, lệ phí gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp và hộ kinh doanh.
Bốn là, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết, xử lý các thủ tục hành chính liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện một cách triệt để, thống nhất, xoá bỏ tình trạng "một cửa nhưng nhiều dấu", doanh nghiệp nộp hồ sơ giấy tờ và được trả kết quả trên hệ thống; có phương thức để doanh nghiệp chủ động biết được tiến trình xử lý hồ sơ để bổ sung, hoàn thiện nếu cần thiết theo phương thức trực tuyến.
Chính phủ cần ứng dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo trong quản lý, lưu trữ hồ sơ, xử lý yêu cầu hay vướng mắc của doanh nghiệp để đẩy nhanh thời gian giải quyết các thủ tục liên quan tới kinh doanh, đầu tư.
Năm là, các bộ, ngành và địa phương định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp và các hộ kinh doanh để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ bưu chính trong tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ công quyền với doanh nghiệp và người dân trong giải quyết công việc liên quan tới hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.