Do rủi ro chính sách vẫn còn nên trong chiến lược phân bổ tài sản đầu tư, các nhà đầu tư vẫn cần có tài sản phòng thủ và tài sản tăng trưởng.
Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, xung quanh vấn đề này.
- Những yếu tố nào đã chi phối thị trường chứng khoán trong 6 tháng đầu năm 2025, thưa ông?
Trong 6 tháng đầu năm vừa qua, thị trường tiền tệ có sự ổn định trong quý I và bước sang tháng tư, tháng năm và tháng sáu, các mức lãi suất liên ngân hàng đã có xu hướng tăng dần lên khi mà tăng trưởng tín dụng trong tháng 5 đã khởi sắc. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay là 16%, khả năng là các ngân hàng sẽ được đạt được.
Trong ngắn hạn, lãi suất vẫn sẽ duy trì mặt bằng thấp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Mặt bằng lãi suất thấp đối với thị trường vốn cũng đã có những tác động nhất định. Về cơ bản, chúng ta thấy thanh khoản thị trường chứng khoán tốt hơn, trung bình đâu đó từ tháng 4, đặc biệt là tháng 5 và 6, giao dịch mỗi phiên từ 20.000 - 22.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cũng trong thời gian qua, thị trường chứng khoán cũng đã đón nhận nhiều chuyển động mới, như Vinpearl niêm yết tại HoSE, hay Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng đã chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE. Đây là những “tân binh” có vốn hóa lớn gia nhập HoSE để tăng hàng hóa lớn trên thị trường chứng khoán, cho thấy tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán.
Trong 6 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài cũng có xu hướng bán ròng hơn 43.000 tỷ đồng và vẫn đang tiếp tục duy trì xu hướng bán này. Nhìn chung, mức độ bán ròng không còn lớn như năm 2024. Tuy nhiên với mức lãi suất còn chênh lệch dương giữa USD- VND như hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Một yếu tố nữa là trên thị trường chứng khoán quốc tế như thị trường chứng khoán Mỹ, dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn chưa dịch chuyển hoàn toàn ra khỏi thị trường này. Đó cũng là một lý do chúng ta thấy rằng dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng chưa có dấu hiệu quay trở lại.
- Trong các bối cảnh và các diễn biến như ông vừa nêu, cùng các biến số chưa thể dự đoán như chính sách thuế quan, xung đột địa chính trị…, ông có dự báo gì cho 6 tháng cuối năm?
Trong 6 tháng cuối năm nay, dự báo quý 3 vẫn sẽ là thời điểm mà tỷ giá USD/VND có thể sẽ tiếp tục xu hướng tăng, nhưng sang quý 4 tỷ giá sẽ giảm áp lực tăng. Xu hướng lãi suất huy động sẽ tăng nhưng không đáng kể. Thanh khoản hệ thống dồi dào nên về tiền tệ, nhìn chung không có lo ngại và tăng trưởng tín dụng sẽ tích cực như mục tiêu 16%.
Đối với thị trường vốn, trái phiếu phát hành sơ cấp cũng sẽ tăng nhưng sôi động hơn ở ngân hàng và các tổ chức tài chính, trong khi các tổ chức phát triển dự án, các nhà phát triển bất động sản vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sự sôi động phát hành mới.
Tôi cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục có sự phân hóa. Chiến lược của các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư sẽ có khuynh hướng vừa phòng thủ, vừa tấn công, tức là thị trường vẫn sẽ có xu hướng đi lên. Tại cuối tháng 5, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch ở mức thấp, và vẫn đang thấp hơn mức trung bình 5 năm. Sự phân hóa với nhóm xuất khẩu hay nhóm chịu áp lực thuế quan có thể vẫn có xu hướng tiêu cực.
- Trước bối cảnh thị trường nói trên, ông có lời khuyên gì cho chiến lược của các nhà đầu tư?
Do rủi ro chính sách vẫn còn, nên việc phân bổ tài sản đầu tư vẫn cần có tài sản phòng thủ và tài sản tăng trưởng. Trong đó, nhà đầu tư có thể chọn xuống tiền cho nhóm cổ phiếu tăng trưởng, trong khi vẫn giữ tỷ lệ phòng thủ với tài sản ít độ rủi ro cao ví dụ như vàng.
Hiện nay, dư địa tăng lên của giá vàng sẽ không còn nhiều. Tuy nhiên, vàng sẽ là tài sản an toàn để chúng ta phòng thủ cho những rủi ro biến động bất ngờ của chính sách. Chưa kể trong bối cảnh đồng USD đang suy yếu, vàng còn có lợi thế.
Ngoài ra, kênh trái phiếu cũng đang quay trở lại và là lựa chọn cho nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp hơn.
- Trân trọng cảm ơn ông!