Với việc phát triển quy hoạch cây xanh để phục vụ cho “du lịch” và “sức khỏe” cộng đồng mang tính chất đặc thù của Phố núi Pleiku là những việc rất đặc trưng, rất khác biệt.
>>Chuyên gia "hiến kế" cách quản lý TikTok
Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiệt độ trung bình tại thành phố Pleiku nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung cao hơn so với năm trước. Thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn, làm ảnh hưởng không ít đến cuộc sống cũng như sinh kế của người dân…, đây là những thách thức nghiêm trọng đối với chúng ta trong thế kỷ 21. Vấn đề này đòi hỏi mỗi chúng ta cần nỗ lực ứng phó với sự tác động lớn từ biến đổi khí hậu. Vậy, tại thời điểm này chúng ta cần phải làm gì?
Franklin D. Roosevelt nói rằng: “Rừng cây là lá phổi của đất nước, lọc sạch không khí và tiếp thêm sức mạnh tươi mới cho con người”. Chúng ta biết rằng cây xanh tốt cho sức khoẻ chúng ta, nó hút khí CO2 do ta thải ra và cho chúng ta khí O2 để hô hấp, vẻ đẹp của chúng có thể truyền cảm hứng và bóng râm của chúng giúp chúng ta mát mẻ hơn.
Nhưng cây xanh đô thị còn làm được nhiều hơn thế, chúng cung cấp những lợi ích được gọi là dịch vụ hệ sinh thái: Cây xanh giúp giải tỏa rối loạn tâm lí khó chịu do thời gian tập trung trong nhà quá nhiều. Nghiên cứu cho thấy sinh viên ở các trường đại học và bệnh nhân tại bệnh viện cải thiện được khả năng học tập và chữa bệnh trong các phòng có cây xanh. Một số cây xanh và khu vực xanh có thể làm tăng tính xã hội giúp mọi người gắn kết với nhau hơn và giảm được tội phạm.
Nghiên cứu mới từ Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đã tính toán rằng cây xanh cứu sống hơn 850 người mỗi năm và ngăn chặn 670.000 trường hợp mắc các triệu chứng hô hấp cấp tính. Hơn nữa, cây xanh giúp loại bỏ chất gây ô nhiễm không khí như nitơ điôxít (NO2), ôzôn (O3), lưu huỳnh đioxit (SO2) và các chất dạng hạt nhỏ hơn 2,5 micromet (PM2.5) là nguyên nhân gây ra bệnh tật cho con người.
Với các thành phố có chiến lược phát triển du lịch bền vững vì sức khỏe như TP. Pleiku thì cây xanh là yếu tố vô cùng quan trọng. Tác dụng của cây xanh rất nhiều và cũng đã có không ít sự nghiên cứu của các nhà khoa học có tiếng tăm. Nhưng, phát triển quy hoạch cây xanh để phục vụ cho “du lịch” và “sức khỏe” cộng đồng mang tính chất đặc thù của Phố núi, là những việc rất đặc trưng, rất khác biệt.
Sức khỏe thể chất là vận động như thể dục, thể thao trong khu vực đô thị không thể thiếu cây xanh, thiếu bóng mát. Cho nên quy hoạch, phát triển hệ thống cây xanh làm sao để phục vụ cho nhu cầu tăng cường hoạt động thể chất của người dân địa phương và đồng thời làm sao thu hút khách du lịch tham gia các hoạt động rèn luyện thể chất. Về sức khoẻ tinh thần lại liên quan nhiều đến các công trình văn hóa, công trình biểu tượng và không gian công cộng thể hiện sức sống nội tại của đô thị. Cho nên quy hoạch cây xanh làm sao để tạo ra sức hút về văn hóa, tạo ra sự cạnh tranh về môi trường sinh thái với các khu vực là điều hết sức quan trọng.
Thế nhưng trong thực tế chúng ta đang quy hoạch các tuyến đường, các tòa nhà phục vụ cho con người và hoàn toàn không tuân theo các quy tắc vận hành của tự nhiên. Chúng ta phát triển cây xanh nhưng lại tư duy theo mét vuông. Trồng nhiều nhưng không có kết cấu, không có thiết kế, không có khai thác tốt, bảo dưỡng và chăm sóc khoa học vẫn không bằng trồng ít nhưng trồng đúng, chất lượng cây và khai thác không gian tốt, bảo dưỡng và chăm sóc kỹ lưỡng.
Trong các đồ án quy hoạch, từ đồ án quy hoạch vùng, quy hoạch chung cho đến quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị thì luôn vắng bóng chiến lược quy hoạch phát triển hệ thống tự nhiên (trong đó có cây xanh). Vì vậy, muốn thay đổi được chất lượng môi trường sống bằng cách tăng cường “giá trị” đóng góp của mảng xanh, phải suy nghĩ cởi mở và sáng tạo hơn trong cách làm quy hoạch phát triển hiện nay.
Sức khỏe của con người phụ thuộc tổng hợp vào sức khỏe của hệ thống môi trường tự nhiên mà cây xanh chỉ là một thành phần, nhưng quan trọng. Quy hoạch chung cần bổ sung quy hoạch về mảng xanh và cây xanh là một chiến lược không thể tách rời của thiết kế chi tiết và thiết kế đô thị phải đi sâu vào việc thiết kế và quản lý mảng xanh sao cho đảm bảo hiệu quả về kinh tế, môi trường, xã hội.
Cây xanh là một thành tố có thể kích hoạt sự tham gia phát triển đô thị của cộng đồng. Nhà nước có sự hoạch định khoa học về quy hoạch, chiến lược tổng thể phát triển cây xanh nhưng ở cấp độ vi mô thì người dân chính là đối tượng thụ hưởng, sử dụng.
Tiến sĩ Phùng Thị Kim Huệ cho rằng, nếu công tác truyền thông và tổ chức phối hợp tốt và chặt chẽ giữa các đơn vị, thì chủ trương xã hội hóa trong việc đầu tư trồng và chăm sóc bảo vệ cây xanh cho TP Pleiku-đô thị Cao nguyên xanh vì sức khỏe, không phải là điều không thể không làm được. Cũng theo Tiến sĩ Phùng Thị Kim Huệ, qua điều tra, khảo sát mẫu trong một số bà con các ngành nghề nội thành Pleiku, nhất là các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, đa số họ nhất trí với chủ trương xã hội hóa đầu tư cho cây xanh đô thị Pleiku-nếu chủ trương đó được thống nhất triển khai từ cơ quan có thẩm quyền!
TP Pleiku, từ sau khi được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, đã được tỉnh và thành phố quan tâm đầu tư đồng thời với việc chỉnh trang, nâng cấp và xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực nội thành, còn quy hoạch, mở rộng thành phố ra ngoại ô, điều chỉnh một số đơn vị hành chính cấp xã và thành lập phường ở một số xã đủ điều kiện và tiêu chí theo quy định. Cùng với đó là xây dựng mới nhiều con đường, “nâng cấp” hẻm thành đường có tên gọi, vì vậy nhu cầu tiếp tục đầu tư phát triển cây xanh trên các trục đường mới và các công viên, cụm cây, hoa, lâm viên... là rất lớn, nhưng vốn từ ngân sách còn chưa đáp ứng.
Cho nên các cấp chính quyền cần có chủ trương xã hội hóa trong công tác này là việc làm cần thiết, chắc chắn mọi người, mọi nhà và mọi doanh nghiệp có thể chung tay, góp sức, góp tiền để xây dựng hệ thống cây xanh đô thị, làm cho TP Pleiku thật sự trở thành đô thị Cao nguyên xanh vì sức khỏe như kỳ vọng.
Có thể bạn quan tâm