Sách lược hợp tác gọi xe + sản xuất xe có vẻ đang được thị trường Việt ưa chuộng. Chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 1 năm, hàng loạt những thương vụ tương tự đã ra đời.
>>Chiến lược hãng xe bắt tay hãng gọi xe
Ngày 6/9/2023 vừa qua, Gojek vừa chính thức triển khai thí điểm sử dụng xe máy diện Selex Motors trong các dịch vụ vận chuyển hành khách, giao đồ ăn, và dịch vụ giao hàng của Gojek tại Việt Nam. Đây là thương vụ hợp tác giữa Gojek và hãng khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực xe máy điện tại Việt Nam, Selex Motors.
Với dự án hợp tác này, các đối tác tài xế Gojek sẽ có cơ hội sử dụng xe máy điện Selex Camel khi thực hiện các đơn hàng GoRide, GoFood và GoSend trên nền tảng ứng dụng Gojek.
Theo công bố của các bên, xe máy điện Selex Camel có thể giúp tiết kiệm lên đến 35% chi phí nhiên liệu và 50% chi phí bảo trì so với xe máy xăng truyền thống.
Đây lại là một dự án mới nữa tiếp nối trào lưu hợp tác giữa các hãng gọi xe và hãng sản xuất xe điện đang nổi lên ở Việt Nam lẫn trên thế giới.
Chiến lược sản xuất + gọi xe
Khởi nguồn của trào lưu này có thể coi là từ thương vụ đa phương Tesla-Herzt-Uber. Cuối năm 2021, hãng cho thuê xe Herzt ký hợp đồng mua 100.000 xe điện của Tesla. Sau đó, Herzt lại bắt tay tiếp với Uber để các đối tác tài xế Uber dùng xe điện đi chở khách.
Sách lược này cho thấy sự hiệu quả bước đầu. Sau khoảng 1 năm hợp tác, gần 50.000 tài xế Uber đã thuê được xe điện Tesla để chạy, đạt hơn 24 triệu cuốc xe thuần điện và chạy hơn 260 triệu dặm.
Từ thành công ở Bắc Mỹ, cả hai mở rộng mối quan hệ đối tác sang Châu Âu từ tháng 1/2023. Địa điểm đầu tiên của đợt mở rộng này là London, dự kiến sau đó là các thủ đô khác như Paris hoặc Amsterdam. Mục tiêu của thương vụ là cho thuê được 25.000 xe điện đến năm 2025.
Rất nhanh sau đó, chiến lược này đã được nhân rộng ra khắp thế giới. Trong tháng này, hãng sản xuất xe điện XPeng của Trung quốc cũng vừa bắt tay hãng gọi xe lớn nhất Trung quốc Didi.
Nở rộ ở Việt Nam
Chiến lược hợp tác gọi xe + sản xuất xe có vẻ đang được thị trường Việt ưa chuộng. Chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 1 năm, hàng loạt những thương vụ tương tự đã ra đời.
Đầu tháng 12/2022, Ahamove đã chính thức khai trương dịch vụ xe ôm điện chở khách mang tên AhaRide, khởi đầu hoạt động tại Đà Nẵng. Ahamove sử dụng dàn xe điện mới của VinFast, có định vị xe và thống kê lịch sử hành trình. Theo đại diện của Ahamove, việc triển khai song song hai dịch vụ giao hàng và chở khách bằng xe điện sẽ thúc đẩy nhanh chóng mục tiêu có 10.000 xe điện đến năm 2025 của Ahamove và VinFast đặt ra trước đó.
Tháng 3/2023 vừa qua, Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) cũng ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư cùng Be Group. Mục đích của thương vụ này là để đưa xe hơi và xe máy điện, lần đầu tiên, vào hoạt động dịch vụ vận tải ở Việt Nam.
Với thỏa thuận này, trong giai đoạn đầu, GSM sẽ cung cấp các chính sách ưu đãi để tài xế của Be có thể mua hoặc thuê xe hơi, xe máy điện VinFast thông qua GSM với mức chi phí hấp dẫn.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ taxi công nghệ, GSM và Be sẽ cùng hợp tác chia sẻ nền tảng gọi xe. Khách đặt xe qua Be, ngoài hai phương án beCar và beTaxi hiện tại, thì cũng có thể chọn dịch vụ taxi điện từ GSM.
Bản thân Gojek tháng 5/2023 vừa rồi cũng mới bắt tay một hãng sản xuất xe điện khác là Dat Bike thí điểm sử dụng xe máy điện vào phục vụ các nhu cầu đi lại, giao hàng, giao đồ ăn của người dùng Gojek tại TPHCM.
Trong khuôn khổ hợp tác, Dat Bike sẽ cung cấp cho tài xế Gojek dòng xe Dat Bike Weaver++ để thực hiện các dịch vụ chở khách (GoRide), giao đồ ăn (GoFood) và giao hàng (GoSend).
NHƯ VẬY LÀ
Tuy nở rộ nhưng chiến lược này đi vào hoạt động thực tế vẫn còn khá mới. Tính hiệu quả của nó ở Việt Nam còn cần thời gian để trả lời. Nhưng trước mắt, càng nhiều hãng gọi xe dùng xe điện, môi trường càng ít ô nhiễm khói xăng hơn.
Có thể bạn quan tâm