Chính sách đối ngoại mới của Nga đã "hé lộ" một tham vọng của nước này vượt ra khỏi xung đột với Ukraine.
Việc Nga phê chuẩn chính sách đối ngoại mới kể từ năm 2016 dường như ít thu hút sự chú ý trước những diễn biến nóng từ chiến sự Nga- Ukraine. Thế nhưng theo các nhà quan sát, sự kiện này đã “hé lộ” một tham vọng của Moscow vượt ra khỏi vấn đề Ukraine: Cạnh tranh với phương Tây cả về ý thức hệ.
Điểm đáng chú ý nhất trong tài liệu 42 trang này là việc mô tả: “Nga là quốc gia có nền văn minh nguyên bản, một cường quốc Á- Âu và Âu- Thái Bình Dương rộng lớn, thành trì của thế giới Nga và là một trong những trung tâm phát triển thế giới có chủ quyền”. Đây có thể được coi là “tuyên ngôn” cho quá trình “phi phương Tây hóa” và tái định vị nước Nga như một cường quốc Á- Âu vượt trội, một thực thể tách biệt với phương Tây.
>>Mỹ có cạnh tranh được với Nga - Trung tại Trung Á?
Suốt chiều dài lịch sử, văn minh phương Tây ảnh hưởng sâu sắc tới nước Nga. Khoảng 300 năm về trước, những nhà quản lý người Đức, thợ đóng tàu Hà Lan, hay nghệ sĩ Pháp đã đặt nền móng cho văn minh thời đại Sa hoàng và ảnh hưởng lớn tới nước Nga ngày nay. Quá trình “phương Tây hóa” trong nhiều thế kỷ đã giúp nước này hiện đại hóa và xây dựng được một bộ máy quân sự mạnh mẽ - công cụ giúp họ chiến thắng nhiều cuộc chiến tranh.
Thế nhưng, dưới con mắt của các nhà nghiên cứu văn hóa Nga, nước Nga chưa bao giờ bứt ra khỏi quá trình “phương Tây hóa”. Và dưới thời Tổng thống Putin, tuyên bố mới nhất có thể được coi như một sự “đoạn tuyệt” với quá khứ để tiến sang quá trình “Á- Âu hóa”.
Trong thông điệp nói trên, Nga là “tập hợp người dân Nga và các dân tộc khác thuộc cộng đồng văn hóa và văn minh của thế giới Nga”. Do đó, theo “công thức” mới của Điện Kremlin, Nga là một thế giới văn minh nguyên bản, thay vì là tập hợp của các quốc gia dân tộc rời rạc.
Điều đó đã được ông Putin sử dụng trong nhiều năm và ngày càng phổ biến trong giới thượng lưu Nga. Nó được sử dụng để giải thích lý do cho sự sụp đổ của Liên Xô và vạch ra một lộ trình khôi phục một nước Nga, thậm chí là một nền văn minh mới của Nga, theo nhà nghiên cứu Andrew A. Michta của Hội đồng Đại Tây Dương.
Chiến sự Nga - Ukraine có thể coi là một bước đi trong lộ trình đó. Theo những người chủ nghĩa Á-Âu, văn hóa Nga là đặc thù và bất cứ thứ gì xâm nhập vào nó từ phương Tây đều làm “ô nhiễm” tâm hồn Nga. Điều này khá tương đồng với lời giải thích của ông Putin rằng cuộc chiến ở Ukraine là “văn minh” và rằng ông đang bảo vệ nước Nga khỏi NATO, Hoa Kỳ và phương Tây.
Theo Tổng thống Nga, chính quyền Ukraine đã cố gắng phủ định mọi liên kết với Nga, ruồng bỏ những yếu tố văn hóa, lịch sử trong quá trình hình thành của mình, và tạo điều kiện cho chủ nghĩa dân tộc cực hữu bài Nga. Đó cũng là lý do chính giải thích tại sao phần lớn người dân Nga, dù công khai hay ngấm ngầm, đã ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Qua đây, ông Putin không chỉ muốn đánh bại sự kháng cự của người Ukraine, mà ông còn đang tìm kiếm một chiến thắng mang tính biểu tượng - một sự xác thực cho đường lối Á-Âu của Nga.
Dưới góc độ này, nhiều chuyên gia cho rằng sự liên kết ngày càng chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc không hoàn toàn là do chính sách bao vây của Hoa Kỳ và phương Tây, cũng không phải do việc NATO mở rộng sang phía Đông. Thay vào đó, liên minh Trung – Nga là sản phẩm không thể khác của quá trình xây dựng một cường quốc Á-Âu mới đã diễn ra trong vài thập kỷ.
Trong suốt 25 năm qua, Nga đã âm thầm mở rộng liên kết Đại Á-Âu, với trọng tâm là tăng cường các quốc gia ngoại biên và bán ngoại biên, hội nhập với toàn cầu hóa và bắt kịp sự phát triển của các cường quốc.
Một ví dụ điển hình là sự tăng tốc mạnh của các công trình xây dựng hành lang giao thông “Bắc-Nam” nối Nga với Iran đi qua Azerbaijan và trong tương lai là nối Nga với Ấn Độ. Xung quanh dự án này bắt đầu hình thành nên đối tác chiến lược ba bên gồm Nga, Iran và Azerbaijan. Trong khi đó, Nhật Bản, Trung Quốc... cũng mở rộng hợp tác với Nga về phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng ở vùng Viễn Đông và nội địa Nga.
>>Tranh cãi tình báo Nga - EU hé lộ nhiều "bí ẩn" ở Biển Bắc
Mỹ được xem là nguyên nhân gián tiếp cho điều này. Trong thế giới đa cực mới ngày càng rõ hơn, nhiều quốc gia cảm thấy lợi ích quốc gia của họ sẽ được đáp ứng nhiều hơn khi tham gia vào quá trình hình thành Đại Á-Âu, thay vì phụ thuộc vào một nước Mỹ đang ngày càng chia rẽ và suy giảm về ảnh hưởng.
Khi đứng trên góc độ này, dễ thấy Nga sẽ không dễ dàng từ bỏ cuộc chiến tại Ukraine. Vụ UAV tấn công Điện Kremlin sẽ càng khơi mào cho tâm lý dân tộc sôi sục của Nga, và sẽ còn khiến chiến sự Nga- Ukraine leo thang hơn nữa.
Có thể bạn quan tâm
"Lợi ích" nào cho Nga sau vụ UAV tấn công Điện Kremlin?
04:00, 06/05/2023
Chiến sự Nga- Ukraine: Ukraine có nguy cơ "dính bẫy" của Nga
04:00, 04/05/2023
Xuất khẩu khí đốt giảm mạnh, Nga đủ sức kéo dài chiến sự Ukraine?
04:00, 29/04/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Lộ diện "nhân tố mới" Hàn Quốc
04:00, 27/04/2023