Nhiều chuyên gia cho rằng, chiến sự Nga- Ukraine và các lệnh trừng phạt của Mỹ, phương Tây đối với Nga đang khiến Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc.
>> "Lối thoát" cho chiến sự Nga- Ukraine
Trong thế kỷ 20, Liên Xô coi Trung Quốc như một quốc gia cần được giúp đỡ. Nhiều thập kỷ sau, cục diện đã thay đổi hoàn toàn. Trung Quốc đã tự hào trở thành một nền kinh tế năng động và mạnh mẽ hơn, có ảnh hưởng chính trị và kinh tế toàn cầu lớn hơn so với Nga. Xu hướng này được dự báo sẽ trở nên rõ ràng hơn trong những năm tới vì Nga có thể sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc do tác động của chiến sự Nga- Ukraine.
Trung Quốc coi mối quan hệ của họ với Nga là tối quan trọng. Bởi vì, hai nước có chung đường biên giới dài 4.200 km. Mối quan hệ kinh tế của họ hoàn toàn bổ sung cho nhau: Nga giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng cần công nghệ và đầu tư, trong khi Trung Quốc có thể cung cấp công nghệ và đầu tư nhưng cần tài nguyên thiên nhiên...
Đặc biệt, cả hai quốc gia đều ủng hộ lẫn nhau trong các thể chế quốc tế, trong đó đứng đầu là Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Họ hạn chế chỉ trích lẫn nhau về các vấn đề nhân quyền và thực hiện các cách tiếp cận tương tự đối với nhiều vấn đề toàn cầu, chẳng hạn như đặt ra các tiêu chuẩn về quản trị Internet mà cả hai quốc gia đều cho rằng cần được kiểm soát chặt chẽ hơn ở cấp quốc gia…
Trung Quốc đã từ chối gây sức ép với Nga nhưng cũng cố gắng tránh những hậu quả kinh tế có thể xảy ra do phương Tây áp đặt. Họ đã chọn tuân theo các quy định nghiêm ngặt của các lệnh trừng phạt và các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ, ít nhất là vào lúc này. Nhiều công ty Trung Quốc đã “đóng băng” các dự án của họ ở Nga hoặc đang tạm ngừng hoạt động. Tương tự như vậy, các tập đoàn năng lượng khổng lồ của nhà nước Trung Quốc đã miễn cưỡng khai thác các tài sản của Nga...
Nhưng việc Trung Quốc tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây không có nghĩa là họ không hỗ trợ Nga về mặt kinh tế. Trung Quốc đã định vị mình là thị trường thay thế cho hàng hóa Nga từng được bán ở các thị trường châu Âu. Trung Quốc đã khai thác triệt để cơ hội mua hàng hóa của Nga với giá rẻ thông qua các thỏa thuận ngắn hạn mà không có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt, đặt biệt là dầu mỏ Nga.
>> Ông Putin "sốt sắng" tìm lối thoát cho Nga
Khi châu Âu cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng và các tài nguyên khoáng sản khác của Nga, Điện Kremlin có ít lựa chọn ngoài việc chuyển hướng xuất khẩu sang châu Á - chủ yếu là sang Trung Quốc. Bởi Trung quốc có khả năng cung cấp các phương tiện thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ, thay thế cho các phương tiện thanh toán gắn với USD, euro, yên Nhật, franc Thụy Sĩ hoặc bảng Anh. Do đó, trong 7 tháng qua, xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc đã tăng 48,8% lên 61,45 tỷ USD, không chỉ phản ánh sự tăng vọt của giá hàng hóa toàn cầu mà còn tăng các lô hàng xuất khẩu dầu của Nga sang Trung Quốc.
Khi Trung Quốc trở thành đối tác thương mại chính của Nga, các hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục được thực hiện bằng đồng Nhân dân tệ. Theo đó, đồng Nhân dân tệ sẽ trở thành đồng tiền dự trữ của Nga ngay cả khi không có khả năng chuyển đổi hoàn toàn trên thị trường quốc tế. Điều này làm tăng sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc. Xu hướng này đang ngày càng gia tăng, bằng chứng là khối lượng giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ tăng mạnh trên thị trường chứng khoán Nga, lần đầu tiên vượt qua giao dịch bằng đồng euro. Ngoài ra, doanh nghiệp Nga cũng tăng cường phát hành trái phiếu bằng nhân dân tệ, chẳng hạn United Co. Rusal International PJSC, công ty sản xuất nhôm được niêm yết tại Hong Kong và Moscow, đã huy động được 4 tỷ Nhân dân tệ (590 triệu USD) từ đợt phát hành trái phiếu bằng Nhân dân tệ đầu tiên ở Nga.
Ông Alexander Gabuev, Chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Carnegie về hòa bình quốc tế, cho rằng những giao dịch như vậy với Trung Quốc sẽ gây thiệt hại cho Nga. Bởi Trung Quốc sẽ không thể bù đắp cho những thiệt hại của Nga tại các thị trường châu Âu. Hơn nữa, sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc sẽ giúp Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn trong tương lai.
Chẳng hạn trong các cuộc đàm phán hiện tại về một đường ống mới sẽ kết nối các mỏ khí đốt ở Tây Siberia với thị trường Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ có thể thực thi một công thức giá có lợi cho khách hàng Trung Quốc, biến đồng Nhân dân tệ trở thành đồng tiền thanh toán trong các hợp đồng giao dịch. Nga có khả năng sẽ đồng ý với những điều kiện này - cung cấp cho Bắc Kinh không chỉ khí đốt giá rẻ mà còn tạo cho Trung Quốc lợi thế lớn hơn trong các cuộc đàm phán trong tương lai với các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng…
“Chỉ một năm trước, những điều kiện như vậy sẽ khó được Nga chấp nhận. Nhưng giờ đây, các lựa chọn của Nga không còn, khiến Trung Quốc chiếm thế thượng phong. Trung Quốc đã cung cấp một dòng tiền giúp Nga duy trì cuộc đối đầu với Mỹ và phương Tây. Đối với Trung Quốc, thách thức chính sẽ là quản lý rủi ro từ các biện pháp trả đũa của Mỹ, chẳng hạn như các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các giao dịch tiềm năng của Trung Quốc với các thực thể Nga bị trừng phạt hoặc vi phạm các chế độ kiểm soát xuất khẩu. Nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc hy vọng rằng họ sẽ thoát khỏi trừng phạt này, nếu việc kinh doanh của họ với Nga không vi phạm các lệnh trừng phạt một cách rõ ràng”, ông Alexander Gabuev nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Cắt khỏi SWIFT, Nga đang thanh toán tín dụng bằng hệ thống nào?
05:00, 04/04/2022
Hệ thống thanh toán của Trung Quốc khó trở thành "SWIFT mới" cho Nga
05:30, 03/03/2022
Phiên bản “SWIFT Trung Quốc” có giúp nước này giảm phụ thuộc vào đồng USD?
05:30, 02/03/2022
Bị ngắt khỏi SWIFT, các ngân hàng Nga còn sự lựa chọn nào?
08:05, 01/03/2022