Chuyến thăm hàng loạt quốc gia châu Âu của Tổng thống Ukraine Zelensky đã thay đổi quan điểm của Kiev về giới hạn cuộc chiến với Nga.
>>Putin và Zelensky sẽ đàm phán kết thúc chiến sự?
Tổng thống Zelensky đã công du hàng loạt quốc gia hàng đầu châu Âu, gồm Italy, Đức và Pháp, Hà Lan và Phần Lan. Ông đã gặp gỡ rất nhiều chính khách hàng đầu, kể cả lãnh tụ tôn giáo, giáo hoàng Francis. Giới quan sát nhận xét, chuyến đi không ngoài mục đích vận động đồng minh mở rộng ủng hộ Kiev.
Tại Rome, Tổng thống Ukraine nhận được cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Italy Giorgia Meloni về việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Ông tuyên bố: “Italy sẽ ủng hộ Ukraine trong mọi thời điểm cần thiết và hơn thế nữa”. Đến nay, dù vấp phải phong trào phản chiến trong nước, nhưng Italy đã viện trợ khoảng 1 tỷ euro cho Ukraine.
Tại Đức, ông Zelensky gọi Berlin là “người bạn đích thực, đồng minh đáng tin cậy” sau khi hội đàm với Tổng thống Frank-Walter Steinmeier và Thủ tướng Olaf Scholz. Berlin vừa thông qua gói cung cấp vũ khí mới cho Kiev, bao gồm 30 xe tăng Leopard 1, 15 xe tăng phòng không Gepard, hơn 200 UAV trinh sát và 4 hệ thống phòng không Iris-T.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta đều mong muốn cuộc chiến khủng khiếp này kết thúc nhanh chóng. Do đó, Đức sẽ cung cấp mọi sự giúp đỡ có thể cho Ukraine miễn là cần thiết.”
Tuy nhiên, tinh thần ủng hộ Ukraine đã giảm sút đáng kể ở Đức. Khảo sát của Ipsos cho thấy, 56% người Đức cho rằng, nước này không đủ khả năng hỗ trợ tài chính cho Ukraine do cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Đến Paris, Tổng thống Zelensky cho biết ông đã gặp “người bạn Emmanuel” cùng thời điểm, Pháp công bố sẽ chuyển hàng chục xe tăng hạng nhẹ và xe bọc thép cho quân đội Ukraine, đồng thời huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng chúng.
>>Ukraine tiến gần tới việc gia nhập EU
Chuyến đi của ông Zelensky đã thay đổi đáng kể quan điểm của Kiev về cuộc chiến với Nga. Họp báo ở Berlin, Tổng thống Zelensky xác lập quan điểm: “Ukraine phản công không phải để đánh Nga, mục tiêu là giành lại những vùng lãnh thổ được quốc tế công nhận”.
Đây là phát biểu quan trọng làm lắng dịu những lo ngại gần đây về việc chiến sự Nga - Ukraine mất kiểm soát sau khi hàng loạt vụ tấn công xảy ra trên bán đảo Crimea - vùng lãnh thổ mà Tổng thống Putin rất nghiêm túc cảnh báo phương Tây “chớ động vào”.
Mỹ và châu Âu đã tiến hành đợt cung cấp vũ khí mới cho Ukraine, nếu phân tích kỹ các gói viện trợ sẽ thấy điểm chung, đều là phương tiện chiến đấu trên bộ, rõ ràng NATO muốn nâng cấp khả năng chiến đấu mặt đất cho quân đội Ukraine.
Tất nhiên, phương Tây thận trọng với các loại vũ khí tầm xa, không chiến như máy bay, tên lửa thế hệ mới, lo ngại Ukraine vượt qua “lằn ranh đỏ” của Tổng thống Putin.
Cam kết của các quốc gia châu Âu một lần nữa cho thấy, Brussels không hề nhượng bộ Moscow cho dù vẫn thể hiện ý nguyện đàm phán. Nghĩa là muốn tạo ra chiến thắng áp đảo trên mặt trận vũ trang, triệt thoái khả năng duy trì chiến tranh của Điện Kremlin.
Một nguồn lực đáng kể là tài sản của Nga bị phong tỏa ở châu Âu có thể được giải tỏa đồng loạt phục vụ cho cuộc chiến ở Ukraine. Tiền bạc, vũ khí dồi dào càng khiến cho chiến sự Nga- Ukraine thêm khốc liệt. Cuộc chơi vẫn chưa thể kết thúc!
Có thể bạn quan tâm