Chiến sự Nga - Ukraine đẩy giá dầu tăng cao, ảnh hưởng phức tạp đối với Việt Nam.
>>Chiến sự Nga - Ukraine: Ngành dầu khí Việt Nam hưởng lợi thế nào?
Dầu tăng giá thì có lợi cho xuất khẩu dầu thô của Petro Vietnam, nhưng lợi ích này kể cả việc tăng thu ngân sách ngày càng giảm đi. Lượng dầu thô xuất khẩu từ Việt Nam có khuynh hướng giảm trong 10 năm qua, từ 267.000 thùng/ngày trong năm 2009 xuống 113.000 thùng/ngày trong tháng 12/2020. Trong khi đó, Việt Nam cũng phải nhập dầu thô và sản phẩm từ lọc dầu với kim ngạch nhập khẩu trong năm 2021 là 9,4 tỉ đô la, nên nhập siêu về dầu là 6,3 tỉ đô la.
Nga sản xuất 11,3 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong đó có 10 triệu thùng dầu thô, đứng thứ ba trên thế giới sau Mỹ (17,6 triệu thùng/ngày) và Ảrập Saudi (12 triệu thùng/ngày). Tuy nhiên, Nga xuất khẩu khoảng 7,8 triệu thùng/ngày, trong đó có khoảng 5 triệu thùng là dầu thô, đứng đầu thế giới. Nga cũng sản xuất 638 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm, đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ, và xuất khẩu khoảng 200 tỉ mét khối.
Trước khi Nga tấn công Ukraine, thị trường dầu và khí thế giới đã mất cân bằng vì mức cầu tăng khi kinh tế bắt đầu hồi phục, trong khi OPEC chậm trễ trong việc tăng sản xuất để đảo ngược quyết định cắt định mức sản lượng 10 triệu thùng/ngày trong năm 2020 khi dịch Covid-19 đang hoành hành.
Dự báo OPEC sẽ sản xuất dưới 30 triệu thùng/ngày trong năm nay, thấp hơn sản lượng trong những năm trước Covid-19. Khi lượng xuất khẩu dầu từ Nga bị cắt giảm giá dầu đã nhảy vọt. Nếu phương Tây trực tiếp cấm vận toàn bộ dầu khí Nga thì thị trường thế giới sẽ giảm cung khoảng 5 triệu thùng/ngày từ Nga, tương đương với 5% tổng cầu toàn thế giới như hiện nay.
Việc Mỹ, Anh và Canada cấm nhập dầu từ Nga đã đẩy giá dầu lên trên 125 đô la Mỹ/thùng so với 90 đô la/thùng trước khi có chiến tranh. Nếu biện pháp cấm vận dầu khí Nga được nâng cấp thành toàn bộ, giá dầu có khả năng tăng lên 150-200 đô la/thùng. Tuy nhiên, nếu chiến sự không lan qua các nước thành viên NATO ở chung quanh Nga thì đến cuối năm nay mức cầu sẽ giảm vì kinh tế suy thoái, mức cung sẽ tăng vì giá dầu cao; như thế sẽ vãn hồi sự cân bằng cung – cầu trên thị trường thế giới và giá dầu sẽ giảm trở lại.
Nói chung, giá dầu tăng trên thị trường thế giới sẽ gây nhiều thiệt hại cho Việt Nam, kéo giá nhiên liệu tăng lên, tăng chi phí sản xuất và phân phối nhiều mặt hàng của các doanh nghiệp và chi phí tiêu dùng của người dân (chi phí xăng dầu chiếm 3,5% tổng chi phí sản xuất trong kinh tế Việt Nam). Với Việt Nam, nếu giá nhiên liệu tăng 10% thì GDP giảm 0,5% và lạm phát tăng 0,3%.
>>Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): "Đánh thức" đầu tư vào dầu khí phải có cách nhìn mới
>>Luật Dầu khí (sửa đổi): Phân cấp, phân quyền, tránh “luật khung, luật ống”
Ngoài ra, Việt Nam sẽ gặp vấn đề khó khăn nếu Mỹ, châu Âu cấm vận các doanh nghiệp dầu khí của Nga. Từ trước tới nay, Chính phủ Mỹ đã nhiều lần mở rộng phạm vi cấm vận lên các cá nhân hay doanh nghiệp ở nước thứ ba (không phải là Mỹ hay nước bị cấm vận) – thực chất là áp dụng luật lệ Mỹ ngoài lãnh thổ của Mỹ (extraterritoriality). Luật CAATSA 2017 (Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act) đã cung cấp cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc áp dụng cấm vận ngoài lãnh thổ Mỹ.
Việt Nam liên doanh với Nga trong Vietsovpetro (Petrovietnam 51% - Zarubezhneft 49%) nên có thể bị cáo buộc là tiếp tục giao dịch với doanh nghiệp Nga bị cấm vận; như thế là vi phạm luật cấm vận của Mỹ. Việt Nam vì thế cần tham khảo tư vấn pháp lý chuyên môn ở Mỹ để tìm hiểu và chuẩn bị đối phó với tình huống này.
Nga với tư cách là một trong những đối tác hàng đầu của ngành khai thác dầu khí Việt Nam, Công ty dầu khí quốc gia PetroVietnam cũng cho biết xung đột Nga-Ukraine gây ra mối đe dọa đối với các hoạt động khoan dầu mỏ mới.
Theo Thông tấn Nga TASS, liên doanh Vietsovpetro có hiệu lực đến năm 2030, và hiện hai chính phủ Nga, Việt Nam đang có kế hoạch gia hạn thỏa thuận này đến năm 2045. Vào tháng 12/2021, tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam-Liên bang Nga đến năm 2030 cho biết hai bên tăng cường hợp tác trên lĩnh vực năng lượng và dầu khí, và hỗ trợ mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực triển vọng như xây dựng nhà máy điện khí, cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng cho Việt Nam. Cũng theo tuyên bố này, Việt Nam ủng hộ triển khai các dự án hiện có hoặc mới với sự tham gia của PetroVietnam và các công ty Nga Zarubezhneft, Gazprom, Novatek và Rosatom cũng như các công ty khác.
Khoảng 1/3 sản lượng dầu thô của Việt Nam do liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro sản xuất. Trong liên doanh này, 49% vốn thuộc sở hữu của tập đoàn dầu khí nhà nước Zarubezhneft của Nga và 51% của tập đoàn PetroVietnam. Vietsovpetro đang hoạt động theo Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga từ năm 1981 trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam. Tính từ khi thành lập tới năm 2021, liên doanh này đã khoan 644 giếng và sản xuất 240 triệu tấn dầu. Nga hiện đang phải đối mặt với làn sóng trừng phạt quốc tế kể từ khi cuộc xung đột diễn ra, mặc dù tập đoàn Zarubezhneft không nằm trong danh sách trừng phạt của Hoa Kỳ.
Liên doanh được thành lập vào năm 2008. Theo PetroVietnam, Rusvietpetro là dự án đầu tư ra nước ngoài thành công nhất trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Sau gần 5 năm tiến hành thiết kế, xây dựng mỏ và khoan khai thác, sản lượng khai thác của Rusvietpetro đã đạt đỉnh ở mức 3,2 triệu tấn/năm vào năm 2014. Và năm ngoái, đã là năm thứ tám liên tiếp mức sản lượng đỉnh trên 3 triệu tấn được Rusvietpetro duy trì.
Thống kê tình hình kinh doanh sản xuất cho thấy, sản lượng dầu khai thác cộng dồn đến tháng 8 năm 2021 đạt 30,48 triệu tấn và tổng lợi nhuận đã chuyển về Việt Nam đạt 1,263 tỷ USD. Chỉ riêng trong năm 2021, Rusvietpetro đã khai thác khoảng trên 3 triệu tấn dầu thô với doanh thu dự kiến đạt trên 1,3 tỷ USD và lợi nhuận sau thuế ước đạt khoảng 410 triệu USD.
Nhưng giờ đây, với cuộc xung đột tại Ukraine, Nga đã trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, nhằm vào nền kinh tế của quốc gia này khi các cường quốc phương Tây tìm cách ngăn cản các cuộc tấn công. Chính các tác động đến thị trường năng lượng của quốc gia này đã khiến ngành dầu khí rơi vào tình trạng hỗn loạn, với giá dầu leo thang lên 130 USD / thùng.
“Ngành năng lượng Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thiết bị của Nga do đó sẽ gặp phải những khó khăn/rào cản trong tương lai, nếu chưa kịp tìm được nguồn cung ứng thay thế; nguy cơ sẽ ảnh hưởng đến một số hoạt động phát triển mỏ và khoan phát triển; những tác động khi các quan hệ kinh tế, đặc biệt là chuỗi cung ứng năng lượng có khả năng bị đảo lộn”, PetroVietnam cho biết trong một tuyên bố trong tuần này. Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga khiến giá dầu toàn cầu tăng vọt trên 100 đôla/thùng do nguồn cung bị thắt chặt.
Ông Trần Hồng Nam, Tổng giám đốc Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), thuộc PetroVietnam, cho biết trong tuyên bố đưa ra ngày 8/3/2022 rằng chi phí tăng và nhu cầu tiêu dùng yếu có thể làm suy giảm sự hợp tác trong ngành năng lượng. “Rủi ro sắp tới là rất lớn, khó dự báo được về lạm phát, chi phí tăng, khủng hoảng kinh tế, nhu cầu tiêu thụ giảm sút, ảnh hưởng đến các hợp tác trong lĩnh vực năng lượng…”. - ông Nam nói.
Mặt khác, ngành năng lượng Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thiết bị của Nga, nên sẽ gặp phải những khó khăn, rào cản trong tương lai nếu chưa kịp tìm được nguồn cung ứng thay thế. Việc phát triển mỏ và khoan thăm dò tại một số mỏ dầu có nguy cơ bị ảnh hưởng. PVN cho rằng, tác động từ tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine, cạnh tranh chiến lược giữa các nước làm gia tăng áp lực lạm phát, đẩy nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu lên cao. Vòng xoáy giá, vì thế càng khó dự đoán.
Sự gián đoạn thương mại quốc tế do các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương tây với Nga có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của ngành công nghiệp dầu mỏ Việt Nam. Trong khi nhiều quốc gia châu Á bao gồm cả Việt Nam vẫn cam kết duy trì quan hệ thương mại với Nga, nhưng sự gián đoạn đối với thương mại quốc tế và việc Nga bị loại khỏi nền tảng thanh toán toàn cầu SWIFT đã khiến việc kinh doanh bình thường trở nên bất khả thi đối với những người vẫn đang tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu ổn định của Nga.
Mặc dù các tác động đầy đủ của các lệnh trừng phạt này vẫn chưa được nhìn thấy và các nhà quan sát vẫn đang theo dõi thị trường để xem Nga sẽ điều hướng thế nào trong bối cảnh đang thay đổi này.
Tuy nhiên, trong một cuộc tổng hợp các ý kiến chuyên gia của Reuters về cuộc khủng hoảng, Matthew Tuttle, Giám đốc đầu tư tại Tuttle Capital Management, cho biết: “Trong ngắn hạn, nó đã gây ra rất nhiều biến động. Mọi thứ bây giờ đang ở trên bàn, nhưng bất cứ điều gì tồi tệ cũng có thể xảy ra trong tương lai”.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 20/04/2022
04:03, 20/04/2022
13:15, 19/04/2022
03:49, 19/04/2022
11:00, 18/04/2022
02:48, 14/04/2022
04:00, 12/04/2022