Đặc điểm của “Chiến tranh lạnh” là các cuộc chiến ủy nhiệm bằng cách ủng hộ những nước đồng minh đang có xung đột nhằm gia tăng vị thế chính trị.
>>Mỹ - Trung đã “Chiến tranh lạnh” hay chưa?
Một vài sự kiện tiêu biểu cho thấy các siêu cường đang bước vào thời kỳ chiến tranh lạnh mới, được định danh bằng thuật ngữ “2.0”.
Mỹ phát hiện và bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc trên bầu trời bang Montana - hành động mà Washington cho rằng Trung Quốc trắng trợn thực hiện thu thập thông tin, theo dõi căn cứ hạt nhân của Mỹ.
Trong lịch sử, hoạt động theo dõi lẫn nhau luôn tạo ra tâm lý nghi kỵ khó xoa dịu. Tháng 5/1960, máy bay do thám U-2 của Mỹ bị không quân Liên Xô bắn rơi kéo theo khoảng thời gian mấy thập kỷ chiến tranh lạnh giữa hai cường quốc hàng đầu khi đó.
Năm 1962, Mỹ phát hiện căn cứ tên lửa hạt nhân ở Cuba nhắm đến tất cả các thành phố trọng điểm trên toàn nước Mỹ. Thảm họa sau đó được tháo ngòi nhưng Cuba bị Mỹ “đóng băng” quan hệ và phong tỏa kinh tế, chính trị cho đến tận hôm nay.
Vụ khinh khí cầu đã ngăn chặn chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken tới Trung Quốc. Sự cố này cũng đã phá hủy bước tiến ngoại giao trong cuộc gặp song phương hiếm hoi giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden bên lề hội nghị Thượng đỉnh G20 cuối năm ngoái.
>> Căng thẳng Mỹ- Trung lại “nổi sóng”
Chắc chắn quan hệ Trung - Mỹ tiếp tục rơi vào khoảng lặng cho đến khi các quan chức ngoại giao đôi bên tìm thấy kết quả đủ làm hài lòng. Nhưng điều này tiềm ẩn bất trắc không lường trước được khi mà sự thật cuối cùng về khinh khí cầu đang được FBI, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ “soi” từ chứng cứ đã thu thập.
Nếu quan sát dưới góc độ ngoại giao, chiến tranh lạnh 2.0 đã được kích hoạt. Bằng chứng đầu tiên là các hoạt động song phương các cấp, chính thức lẫn không chính thức giữa Bắc Kinh và Washington đã khép lại từ sau Hội nghị Alaska tháng 3/2021. Tình hình này tương tự như những gì Mỹ và Liên Xô trải qua trong giai đoạn 1945 - 1991.
Thái độ bài trừ lẫn nhau trong chuỗi cung ứng kinh tế toàn cầu phản ánh chính xác tình trạng quan hệ quốc tế. Ví như việc Mỹ không cho Trung Quốc tiếp cận công nghệ tinh vi; Trung Quốc ban hành đạo luật cấm xuất khẩu công nghệ. Hàng loạt hoạt động thương mại cốt lõi bị đặt rào cản.
Chúng ta không còn được chứng kiến các hoạt động toàn cầu hóa sôi động như thế kỷ trước. Những diễn đàn đa phương quan trọng bị biến thành sân khấu chỉ trích, cáo buộc nhau; hoặc không có sự tham gia đầy đủ của các nhân vật chính trị hàng đầu.
Chính vì vậy, đối với những vấn đề hệ trọng như chống biến đổi khí hậu, xử lý khủng hoảng năng lượng, lương thực, dịch bệnh COVID-19, chiến sự Nga - Ukraine… nổi lên rất nhiều trường phái, quan điểm mâu thuẫn kịch liệt.
Thêm vào đó, các nước nhỏ bắt đầu thận trọng hơn trong hoạt động bang giao quốc tế, đa số thu mình vì sợ chọn nhầm phe. Bắt đầu hình thành hai dòng chảy kinh tế, ngoại giao, hợp tác đầu tư,…do Trung Quốc và Mỹ dẫn đầu.
Và, biểu hiện đậm đặc nhất của chiến tranh lạnh là cuộc chiến tranh “nóng” đang xảy ra ở Đông Âu - nơi tất thảy mâu thuẫn được giải quyết bằng súng đạn, chết chóc và hủy diệt. Sau các cuộc chiến tranh lớn là thời kỳ tái thiết trật tự, tiếp tục cạnh tranh khốc liệt.
Càng ngày càng thấy rõ bóng dáng các cường quốc thấp thoáng ẩn hiện sau “bức màn lửa” được dựng lên ở Ukraine. Chiến tranh không phải là mục đích cuối cùng mà lợi ích mới là vĩnh viễn. Dấu hiệu chiến tranh lạnh còn biểu hiện dưới nhiều hình thức khác, trên phạm vi rộng hơn.
Có thể bạn quan tâm
Nguy cơ bùng phát Chiến tranh Lạnh mới Mỹ- Trung
04:30, 22/08/2022
Căng thẳng Nga- phương Tây tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh lạnh?
04:20, 08/05/2022
Mỹ - Trung đã “Chiến tranh lạnh” hay chưa?
06:00, 01/07/2021
Nhận diện “Chiến tranh lạnh 2.0”
05:40, 15/06/2020
Mỹ - Trung và "chiến tranh lạnh" trong lĩnh vực "nóng"
07:00, 21/05/2019