Chiến tranh thương mại: Ba phần nổi bảy phần chìm

Trương Khắc Trà 13/03/2019 06:10

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chỉ là lát cắt nhỏ phản ánh phiến diện mối quan hệ đầy phức tạp giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới hiện nay.

Mâu thuẫn mang tính hệ thống giữa Mỹ và Trung Quốc - vì không thể giải quyết bằng cách nào khả dĩ hơn nên kinh tế được lấy làm đòn đỡ. Vì vậy cuộc chiến tranh thương mại lần này không dễ kết thúc, có khi kéo dài cả thập kỷ dẫn đến “chiến tranh lạnh”.

Trung Quốc tố cáo Mỹ khởi xướng “chủ nghĩa bảo hộ đơn phương” giết chết quan hệ hai nước; ngược lại Mỹ tố cáo Trung Quốc ăn cắp công nghệ, vi phạm sở hữu trí tuệ - những thứ phải đầu tư vô số tiền bạc để có được.

Tuy nhiên đó chỉ là phần nổi của cuộc chiến, những mắc mớ ấy không khó để giải quyết nếu như một trong hai bên chịu “mất mặt” xuống thang. Phần chìm trong mối quan hệ này mới thật sự nan giải.

Từ năm 1949, khi CHDCND Trung Hoa thành lập, lúc này Liên Xô là nước đầu tiên công nhận, còn Mỹ thì không. Đến năm 1972 Tổng thống Richard Nixon thăm Trung Quốc, được mô tả “cái bắt tay lịch sử giữa lãnh đạo hai nước bên bờ Thái Bình Dương”, 6 năm sau Trung - Mỹ chính thức bắt tay hợp tác - đó cũng là thời kỳ Liên Xô phát triển cực thịnh.

Chuyến thăm của Tổng thống Nixon đến Trung Quốc năm 1972 chỉ giúp hai nước Mỹ - Trung hòa hoãn trong thời gian ngắn

Chuyến thăm của Tổng thống Nixon đến Trung Quốc năm 1972 chỉ giúp hai nước Mỹ - Trung hòa hoãn trong thời gian ngắn

Từ năm 1991, Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, mối quan hệ Mỹ - Trung lại rơi vào căng thẳng cho đến ngày nay. Điều đó cho thấy rằng mối quan hệ này ngay từ đầu bị bao phủ bởi các quan điểm đối lập nhau.

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ và Trung Quốc tăng cường kiểm soát các tập đoàn công nghệ

    Mỹ và Trung Quốc tăng cường kiểm soát các tập đoàn công nghệ

    04:30, 31/08/2018

  • Mỹ và Trung Quốc có dễ dàng

    Mỹ và Trung Quốc có dễ dàng "đường ai nấy đi"?

    04:30, 13/08/2018

Rất lâu trước khi ông Trump phát động thương chiến, Mỹ và EU đã liên thủ chống Trung Quốc. Bất chấp mâu thuẫn trong NATO, giữa năm 2018 Trump và chủ tịch EU, Jean Juncker tuyên bố “quan hệ Mỹ - EU đã bước vào giai đoạn mới”.

Sau đó Mỹ tạm hoãn chương trình đánh thuế vào xe hơi nhập khẩu từ EU đổi lại EU mua đậu tương và khí hóa lỏng của Mỹ; đồng thời, hai bên đạt được thỏa thuận gỡ bỏ mọi rào cản mậu dịch (trừ xe hơi).

Đây là cú đánh trực diện thứ hai vào kinh tế Trung Quốc, vì thế nước này tố cáo Mỹ bắt tay với EU phá bạn hàng của họ.

Không tự nhiên, ông Trump đi nước cờ táo bạo, đó là rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Đây là cái cớ để thi hành lệnh cấm vận với quốc gia hồi giáo ở Tây Á. Mỹ không nhằm vào Iran mà đích đến là Trung Quốc.

Ai cũng biết Trung Quốc mua rất nhiều dầu mỏ, khí đốt từ Iran, sau khi bị cấm vận Iran không còn “vô tư” bán dầu cho cường quốc châu Á; cũng với lá bài dầu lửa, Mỹ - rất có thể là tác nhân gây chia rẽ OPEC và giành ngôi vương xuất khẩu dầu của thế giới từ cuối năm 2018.

Từ năm 2019 trở đi, Mỹ đóng vai trò canh giữ van dầu mỏ thế giới, rất có thể Washington sử dụng thứ vũ khí này để tiếp tục gây sức ép lên nền kinh tế Trung Quốc đang rất cần nguồn “năng lượng đen”.

Với Nga, ông Trump đã rút khỏi Hiệp ước vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) để kích hoạt ngăn cản Nga bán vũ khí cho Trung Quốc; đồng thời, không mời hải quân Trung Quốc tập trận chung mang tên “Vành đai Thái Bình Dương” gồm 26 nước do mỹ chủ soái.

Ở Biển Đông, Mỹ bắt đầu hiện diện nhiều hơn, máy bay ném bom của Mỹ đã rục rịch khi báo chí Philippines loan tin có diễn biến xấu xung quanh đảo Thị Tứ; tứ giác kim cương Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Australia bắt đầu đổ tiền cạnh tranh với Bắc Kinh ở một số quốc đảo Trên Thái Bình Dương.

Cố vấn kinh tế của ông Trump hiện tại là giáo sư Peter Navarro, tác giả cuốn sách gây chấn động “Death by China” (tạm dịch: chết bởi Trung Quốc) đã chỉ ra sự hiểm nguy của Trung Quốc và bày cách chống trả.

Khắp nơi trên toàn cầu, Mỹ đang gây sức ép lên Trung Quốc bằng cách này hay cách khác, đó là loạt mâu thuẫn toàn diện, sâu sắc, tất cả mọi lĩnh vực mà chiến tranh thương mại chỉ là một trong những lối đi ưa thích của Trump.     

Sẽ là ảo tưởng nếu mong chờ hai cường quốc này thu xếp ổn thỏa chỉ bằng một vài cuộc đàm phán. Trung - Mỹ đang đại diện cho một thời kỳ lịch sử mà xu thế cạnh tranh lên ngôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chiến tranh thương mại: Ba phần nổi bảy phần chìm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO